Phó Thủ tướng: Chúng ta đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa có trong tiền lệ
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2023 và tiếp thu, giải trình một số vấn đề được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, chất vấn.
Theo Phó Thủ tướng, trong tháng 5 và những ngày đầu tháng 6/2023, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, nền kinh tế chịu tác động kép, vừa phải chống chịu với sức ép từ cả bên trong và bên ngoài, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội và đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; Lạm phát được kiểm soát (CPI tiếp tục xu hướng giảm, bình quân 5 tháng ở mức 3,55%); Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5 tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so với cùng kỳ; khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; Thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi nhanh.
Đáng chú ý, giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,2% kế hoạch, tương đương cùng kỳ năm 2022, nhưng số tuyệt đối cao hơn 41 nghìn tỷ đồng; Thu hút vốn FDI tháng 5 đạt gần 2 tỷ USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ; Số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt khoảng 95 nghìn doanh nghiệp...
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại được chú trọng, tăng cường. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực đối với triển vọng kinh tế Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo cập nhật tình hình kinh tế - xã hội trong những tháng đầu năm 2023. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho biết, chúng ta còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Tiếp cận vốn của các doanh nghiệp, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn bất cập; thiếu điện cục bộ; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai...
Chia sẻ cụ thể hơn, về điều hành kinh tế vĩ mô, Phó Thủ tướng nêu rõ, hiện nay thế giới đang phải khắc phục hậu quả đại dịch COVID-19; chống lạm phát, tăng lãi suất; Tổng cầu và tổng cung toàn cầu suy giảm; Giá hàng hóa cơ bản, dầu thô tiếp tục biến động; Cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt.
Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, các hạn chế, yếu kém của nền kinh tế khi gặp khó khăn sẽ bộc lộ rõ hơn. Chúng ta lại vừa khắc phục những tồn tại, bất cập kéo dài, vừa thực hiện nhiệm vụ thường xuyên nặng nề hơn, vừa phải thích ứng, đối phó với những thách thức mới, nhất là những vấn đề chưa có tiền lệ.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ sẽ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống Nhân dân.
Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
Cùng với đó, Chính phủ cũng sẽ tăng cường năng lực phân tích, dự báo; Chủ động ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh; tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình giá cả, thị trường, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đặc biệt, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; Khẩn trương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc, bất cập, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, tăng cường vai trò của các địa phương trong triển khai các dự án đầu tư công; Tận dụng tốt các cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện, chủ động ban hành các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; Xử lý hiệu quả vướng mắc, bất cập, nhất là đối với các dự án công nghiệp, xây dựng, thương mại, bất động sản, các lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chính phủ cũng quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm và rà soát, xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành, người dân, doanh nghiệp.