Nỗ lực lớn, quyết tâm cao nhất cho các mục tiêu 2025

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích; là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.
Năm 2025, Hà Nội phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng Bài toán để đạt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025

Việt Nam thuộc nhóm số ít các nước tăng trưởng cao

Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, chúng ta vừa phản ứng linh hoạt, hiệu quả trước những biến động bên ngoài; vừa phải khắc phục những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều nhiệm kỳ và phải dành nhiều thời gian, nguồn lực giải quyết những vấn đề đột xuất, phát sinh, nhất là chính sách tiền tệ, tài khóa, ứng phó, khắc phục thiên tai gây hậu quả nặng nề, kéo dài tại nhiều địa phương.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư; tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, tạo đà cho năm về đích kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Cụ thể, 15/15 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, nhất là mục tiêu tăng trưởng. Tăng trưởng cả năm 2024 ước đạt trên 7% (thuộc nhóm số ít các nước có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới). Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các cân đối lớn được bảo đảm và có thặng dư cao; giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao nhất cho các mục tiêu 2025
Người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Đồng thời, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Nhìn chung các tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn, phát huy vai trò nòng cốt, chủ lực, chủ đạo trong nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế quan trọng và có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế.

Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng và đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, điển hình như sự kiện ký kết giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA gần đây.

Cơ cấu nền kinh tế chuyển dịch tích cực, kinh tế số, kinh tế xanh đóng vai trò ngày càng quan trọng. Các lĩnh vực chủ yếu đều tăng trưởng. Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng khá; công nghiệp phục hồi tích cực, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng; ngành dịch vụ phục hồi tốt; thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, du lịch phát triển mạnh.

Đặc biệt là việc tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược (về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực) và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được chỉ đạo quyết liệt với tư duy đổi mới trong cách nghĩ, cách làm, thông thoáng hơn, đúng thẩm quyền hơn; đồng thời tập trung rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn từ thực tiễn.

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao nhất cho các mục tiêu 2025

Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế - xã hội vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, trong đó, thể chế, pháp luật vẫn là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, nhất là quan điểm, quy trình, phương thức, phương pháp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đầu tư nguồn lực tài chính, con người cho công tác xây dựng pháp luật chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn...

Ngoài những hạn chế từ nội tại thì Việt Nam cũng đối mặt với không ít những thách thức đến từ yếu tố khách quan bên ngoài như căng thẳng địa chính trị, bão lũ, biến đổi khí hậu…

Mặc dù vậy, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều rủi ro, thách thức, thì những chuyển biến nhanh, mạnh mẽ và ngày càng tốt lên sau mỗi tháng, mỗi quý trong năm 2024 đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực và sự lạc quan cho hành trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ở phía trước.

Giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao nhất cho các mục tiêu 2025
Trong đợt khảo sát ngày 22/12/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong tháng 1/2025 phải trình Chính phủ dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng kết nối Việt Nam với Trung Quốc để trong tháng 2/2025 trình Quốc hội chủ trương đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc thù, chậm nhất trong 12/2025 phải khởi công.

Mặt khác, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trong nước khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.

Do đó, năm 2025, chúng ta vừa phải “tăng tốc, bứt phá”, tập trung phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025; vừa phải thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy; tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Bối cảnh đó đòi hỏi tất cả các cấp, ngành, địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Nỗ lực lớn, quyết tâm cao nhất cho các mục tiêu 2025

Trong Công điện số 137/CĐ-TTg ngày 20/12/2024, người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính xác định năm 2025 tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng chống chịu và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước năm 2025 đạt trên 8% (cao hơn chỉ tiêu Quốc hội giao).

Để làm được như vậy, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh trước hết phải tiếp tục hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh để cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, kiểm tra, giám sát, theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; kiên quyết cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; triển khai kịp thời, hiệu quả các luật, nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 để các quy định mới đi vào thực tiễn nhanh nhất.

Bên cạnh đó là tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy, tạo đột phá cho các động lực tăng trưởng mới, tập trung thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nhanh, cao và bền vững; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp Nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.

Đồng thời đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tập trung rà soát, phân loại và xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ các công trình, dự án đang lãng phí đất đai, nguồn lực đầu tư, cơ hội, việc làm, tài sản... và có giải pháp khắc phục rõ ràng, khả thi, hiệu quả để giải quyết dứt điểm, tránh lãng phí, bổ sung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

Với các mục tiêu và nhiệm vụ trên, giới chuyên gia, người dân và cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ kỳ vọng và tin tưởng tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục tăng tốc, bứt phá trong năm 2025 và thời gian tới, tạo tiền đề để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, phồn vinh và thịnh vượng.

Hậu Lộc
Phiên bản di động