Quốc hội chuẩn bị họp bất thường bàn loạt vấn đề cấp bách

Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ xem xét 7 nội dung cấp thiết để triển khai thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy. Ngay lúc này, các cơ quan của Quốc hội đang làm ngày, làm đêm cho công tác chuẩn bị kỳ họp.
Số hóa hoạt động Quốc hội Họp bất thường, Quốc hội xem xét 7 nội dung cấp thiết để thực hiện tinh gọn bộ máy

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp phiên thứ 41, trong đó cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Xem xét 7 nội dung cấp thiết để tinh gọn bộ máy

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, trên cơ sở chủ trương của cấp có thẩm quyền về việc tiến hành kỳ họp bất thường vào cuối tháng 2/2025 để xem xét sửa đổi, ban hành các luật, nghị quyết có liên quan về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, căn cứ đề xuất của các cơ quan và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV sẽ tập trung trình Quốc hội xem xét, thông qua đối với 7 nội dung cấp thiết để triển khai, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số Bộ của Chính phủ khóa XV nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XVI; Nghị quyết của Quốc hội giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy; Công tác nhân sự thuộc thẩm quyền (nếu có).

Ngoài ra, có 3 nội dung khác Chính phủ đề xuất trình tại kỳ họp này, gồm: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); dự án Luật Quản lý và đầu tư vốnnNhà nước tại doanh nghiệp; về tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thiĐự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Theo đó, đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ thông tin rõ về tiến độ, trường hợp chuẩn bị kịp hồ sơ tài liệu của dự án luật thì trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp bất thường lần thứ 9 (tháng 2/2025) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Đối với dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, để bảo đảm thực hiện đúng quy trình, quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Ủy ban Tài chính, Ngân sách - cơ quan chủ trì giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự án luật báo cáo, có ý kiến để làm cơ sở cho việc xem xét về thời điểm trình Quốc hội thông qua. Trường hợp chuẩn bị kịp và chất lượng tốt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và thấy đủ điều kiện thì mới trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần này.

Quốc hội chuẩn bị họp bất thường bàn loạt vấn đề cấp bách
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ hơn về tiến độ hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, đồng thời, đề nghị Ủy ban Kinh tế, theo lĩnh vực phụ trách, báo cáo ý kiến về vấn đề này. Tổng Thư ký Quốc hội sẽ tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện dự kiến Chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV trên cơ sở ý kiến chỉ đạo và kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về thời gian và hình thức họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, dự kiến Quốc hội họp khoảng 4,5 ngày, khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2/2025. Có bố trí thời gian Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, nghị quyết trước khi trình Quốc hội thông qua (dự kiến Quốc hội nghỉ họp từ 2 - 3 ngày).

Trường hợp trình Quốc hội dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng… thì thời gian Quốc hội dự kiến họp thêm khoảng 2 ngày (thảo luận Tổ 0,25 ngày/nội dung; thảo luận Hội trường 0,5 ngày/nội dung; ghép thảo luận trong cùng 01 buổi đối với một số nội dung...).

Tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội chủ động tổ chức tiếp xúc cử tri theo cách thức phù hợp để thông tin đến cử tri về các nội dung của kỳ họp, tiếp tục lan tỏa sâu cho các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương.

Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy. Đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước.

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng 300 luật chuyên ngành và luật về tổ chức bộ máy và hơn 5.000 văn bản dưới luật bị tác động, ảnh hưởng trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy.

Cho ý kiến tại phiên họp, các ý kiến cơ bản đồng tình với dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9; đồng thời cho rằng, dự án luật, nghị quyết trình tại kỳ họp này có thể tăng thêm, bởi việc sắp xếp, tổ chức bộ máy có tác động đến nhiều ngành, lĩnh vực.

Các ý kiến cũng thống nhất với tinh thần của kỳ họp bất thường lần thứ 9 là tập trung phục vụ trực tiếp, trước hết cho việc triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, đề nghị các cơ quan liên quan tập trung tối đa chuẩn bị phục vụ việc sửa đổi ban hành các luật nghị quyết liên quan đến tổ chức sắp xếp tinh gọn bộ máy.

Khối lượng công việc lớn, do vậy, các cơ quan cần hình dung chi tiết các công việc cụ thể, từ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đến công tác nhân sự để phân công rõ trách nhiệm, tiến độ, từ đó làm cơ sở xây dựng dự kiến chương trình kỳ họp phù hợp, hiệu quả.

Làm ngày, làm đêm chuẩn bị cho kỳ họp bất thường

Trong phát biểu bế mạc phiên họp, nhấn mạnh từ nay đến khi diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 chỉ còn khoảng 1,5 tháng (trong đó có kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 9 ngày), tại kỳ họp bất thường lần này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung nhiều luật, nghị quyết để phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18... Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức phải thực hiện khẩn trương, chuẩn bị các điều kiện cho kỳ họp; làm việc ngày đêm, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật để cụ thể các nội dung của kỳ họp

Quốc hội chuẩn bị họp bất thường bàn loạt vấn đề cấp bách
Quang cảnh phiên họp thứ 41 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

“Khi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương có Nghị quyết thì Quốc hội phải thể chế hóa các Nghị quyết đó để triển khai trong việc sắp xếp bộ máy”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung kỳ họp bất thường lần thứ 9 tập trung vào sửa đổi các luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy như Luật Tổ chức chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật… toàn bộ các nội dung dự kiến trình kỳ họp bất thường lần thứ 9 đang trong quá trình chuẩn bị hồ sơ, tài liệu; đối với một số nội dung bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 cần chuẩn bị sớm, đầy đủ, đảm bảo chất lượng.

Về thời gian kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo dự kiến kỳ họp bất thường lần thứ 9 diễn ra trong 4,5 ngày nhưng có thể thay đổi linh hoạt để giải quyết hết những nội dung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ soạn thảo các dự án luật trình tại Kỳ họp; các cơ quan của Quốc hội phối hợp bám sát để theo dõi tiến độ thẩm tra các dự án luật, dự thảo nghị quyết ngay sau khi có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau phiên họp, Chủ tịch Quốc hội giao Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng xây dựng báo cáo để báo cáo Bộ Chính trị về những nội dung trình tại kỳ họp bất thường trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, cùng với việc chuẩn bị cho kỳ họp bất thường lần thứ 9, các cơ quan Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội cần tập trung cao độ để triển khai tổng kết Nghị quyết 18, hoàn thành các đề án quy định, văn bản đảm bảo tiến độ trình Hội nghị Trung ương giữa tháng 2/2025, nhất là các nhiệm vụ cần hoàn thành trước ngày 15/1 theo yêu cầu của Ban chỉ đạo Trung ương.

Nhấn mạnh khối lượng công việc sắp tới là rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong các cơ quan, đơn vị của bộ, ngành, các đơn vị trong Quốc hội trên tinh thần phải tích cực, khẩn trương để thực hiện theo sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương.

Tập trung nguồn lực cao nhất để trình Quốc hội các nội dung về tinh gọn bộ máy

Về phía Chính phủ, ngày 7/1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025, thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết chuẩn bị trình Quốc hội, trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan việc thực hiện sắp xếp bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Nhấn mạnh phải khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường thứ 9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề trong khi thời gian rất ngắn.

Quốc hội chuẩn bị họp bất thường bàn loạt vấn đề cấp bách
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1/2025, thảo luận 7 dự án luật và nghị quyết chuẩn bị trình Quốc hội, trong đó có nhiều nội dung quan trọng liên quan việc thực hiện sắp xếp bộ máy "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật, dự thảo nghị quyết để trình Quốc hội theo đúng quy định, bảo đảm chất lượng, tiến độ theo yêu cầu. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, dự thảo nghị quyết theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm về công tác thể chế, pháp luật thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh thể chế là "đột phá của đột phá", là "động lực, nguồn lực cho sự phát triển", song vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn", yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp chỉ đạo sát sao công tác xây dựng pháp luật, tiếp tục ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư thời gian, công sức, nguồn lực con người, cơ sở vật chất trong công tác thể chế.

Thủ tướng đề nghị tiếp tục tổng kết thực tiễn để xây dựng chính sách, đánh giá tác động chính sách; triển khai cụ thể hóa, thể chế hóa các đường lối, chính sách của Đảng; cần thay đổi tư duy làm luật theo hướng vừa quản lý được, vừa thông thoáng, giảm khâu trung gian, giảm thủ tục, một việc chỉ giao một người, ai làm tốt nhất thì giao người đó, tháo gỡ các "điểm nghẽn", khơi thông và huy động mọi nguồn lực để phát triển đất nước.

Cùng với đó, bỏ tư duy "không quản được thì cấm, không biết mà vẫn quản"; người dân, doanh nghiệp làm được, có thể làm tốt hơn thì giao cho họ; cái gì đã cấm thì đưa vào luật, cái gì không cấm thì để cho người dân, doanh nghiệp được phép làm và có không gian sáng tạo, đổi mới.

Đồng thời, luật quy định khung, mang tính nguyên tắc, còn các vấn đề cụ thể trong thực tiễn, nhiều khi diễn ra nhanh hơn quy định của luật thì giao Chính phủ, các bộ, ngành hướng dẫn để phù hợp với tình hình.

Rà soát lại, kiên quyết bỏ các cơ chế xin-cho, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong quá trình xây dựng các luật, pháp lệnh. Đồng thời, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, giảm tiếp xúc và giao dịch trực tiếp, giảm tiêu cực, tham nhũng vặt.

Chính phủ và các bộ, ngành tập trung quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, chính sách, luật pháp, xây dựng các công cụ kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, kiểm soát đầu ra, tránh "ôm đồm" quá nhiều việc cụ thể; khi phân công thì chú ý 5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm.

Việc diễn đạt các nội dung của các dự án luật, nghị quyết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, rõ ý, rõ nghĩa, rõ quyền hạn, rõ trách nhiệm, dễ hiểu, dễ kiểm tra, dễ giám sát.

Các cơ quan soạn thảo tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, lấy ý kiến của các đối tượng bị tác động, các cơ quan liên quan, các nhà khoa học, chuyên gia, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, đồng thời làm tốt công tác truyền thông chính sách, nhất là với những vấn đề mới, vấn đề khó.

Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục rà soát các luật đã ban hành, nhất là những vấn đề vướng mắc, lạc hậu hoặc chưa theo kịp với thực tiễn để hoàn thiện hệ thống pháp luật, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó giải quyết, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất có thẩm quyền; quán triệt yêu cầu đổi mới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật.

Hậu Lộc
Phiên bản di động