Phó Thống đốc: Xây dựng các chính sách ưu đãi cho vay kinh tế tập thể

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp tăng trưởng tín dụng, phát triển mạng lưới cho vay, các chính sách khác để khuyến khích, hỗ trợ cho vay kinh tế tập thể...
Kinh tế Việt Nam vững vàng bất chấp toàn cầu còn nhiều thách thức Doanh nghiệp Châu Âu lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Ngân hàng Nhà nước vừa phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội thảo "Giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn tín dụng đối với khu vực kinh tế tập thể".

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, cơ quan này xác định, khu vực kinh tế tập thể nói chung và Hợp tác xã nói riêng là một trong những đối tượng ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư tín dụng, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp mở rộng tín dụng đối với khu vực kinh tế này.

Thời gian qua, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đối với lĩnh vực kinh tế tập thể, hợp tác xã, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sử dụng đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết thanh khoản phù hợp, đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ, cụ thể về điều hành lãi suất và điều hành tín dụng.

Phó Thống đốc: Xây dựng các chính sách ưu đãi cho vay kinh tế tập thể
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước phát biểu tại hội thảo.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Hợp tác xã và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục đổi mới quy trình, thủ tục cho vay theo hướng đơn giản và phù hợp với đối tượng khách hàng là các Hợp tác xã nhưng vẫn phải bảo đảm đúng quy định của pháp luật và quản lý được chất lượng tín dụng; triển khai các sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù của kinh tế tập thể, Hợp tác xã, tăng cường kết nối để tháo gỡ khó khăn trong vay.

Tại hội thảo, đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, với sứ mệnh chủ lực đầu tư phát triển “Tam nông”, nhà băng này đã và đang có những đóng góp trong phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã quy định rõ ràng mức tín dụng không đảm bảo tài sản đối với các tổ chức và Hợp tác xã, Liên minh Hợp tác xã theo mô hình liên kết, theo đầu mối.

Tại Agribank, dư nợ cho vay Hợp tác xã năm 2023 đạt 1.693 tỷ đồng, tăng 165 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2020-2023, dư nợ cho vay Hợp tác xã luôn chiếm tỷ lệ từ 0,11% đến 0,12% dư nợ cho vay nền kinh tế của ngân hàng, với chất lượng tín dụng khá tốt.

Còn theo ông Tô Hoài Thanh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank), nhà băng này luôn ưu tiên cho vay điều hòa vốn các Quỹ Tín dụng Nhân dân. Tuy nhiên, công tác cho vay gặp nhiều khó khăn, dư nợ cho vay chưa cao, do địa bàn nông nghiệp nông thôn chủ yếu sử dụng vốn vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng, sản xuất kinh doanh tương đối nhỏ lẻ, số lượng món vay nhiều nhưng tổng dư nợ cho vay không lớn.

Cùng với đó, vì đặc thù phục vụ nông nghiệp nông thôn nên hoạt động cho vay Quỹ Tín dụng Nhân dân cũng mang tính mùa vụ, thường đến nửa cuối năm hoặc giáp Tết Nguyên đán thì Quỹ Tín dụng Nhân dân mới có nhu cầu cần vốn.

Ông Tô Hoài Thanh cho biết, đối với Hợp tác xã, hiện nay vẫn khó tiếp cận vốn, bởi còn tồn tại nhiều vấn đề như giá trị tài sản bảo đảm khi vay vốn thấp, tài sản tại Hợp tác xã thường là tài sản cá nhân dẫn đến đối tượng khách hàng đứng tên vay vốn là cá nhân thành viên trong Hợp tác xã.

Về năng lực tài chính, nguồn vốn tự có của Hợp tác xã còn hạn chế, nhiều Hợp tác xã hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu bắt buộc và cơ bản là phải có tối thiểu 20 - 30% vốn đầu tư của dự án.

Tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước cho biết, phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là Hợp tác xã luôn là một chủ trương lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao.

Theo Phó Thống đốc, mặc dù nền kinh tế đất nước chịu ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khách quan, quá trình chỉ đạo thực hiện, hoạt động của Liên minh Hợp tác xã đã đạt nhiều mặt tích cực liên quan đến tín dụng.

Phó Thống đốc nhấn mạnh thời gian tới tiếp tục nghiên cứu đề xuất giải pháp tăng trưởng tín dụng, phát triển mạng lưới cho vay, các chính sách khác để khuyến khích, hỗ trợ cho vay hợp tác xã, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung cho vay, xây dựng nhiều chính sách ưu đãi.

Mặc dù vậy, để đảm bảo sự hiệu quả của những chính sách này, cũng như khả năng tiếp cận vốn tín dụng của các Hợp tác xã, cần phải đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tài chính, hiệu quả trong hoạt động quản trị.

Ngoài những chính sách, định hướng và kế hoạch đến từ các cơ quan nhà nước thì sự nỗ lực của bản thân từng Hợp tác xã của từng thành viên đóng vai trò vô cùng quan trọng để tổ chức hoạt động, quản lý một loại hình kinh tế tập thể phù hợp, hiệu quả, đúng bản chất.

Hậu Lộc
Phiên bản di động