Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu 5 nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng thời gian tới
Ngân hàng MB lọt top 3 doanh nghiệp niêm yết được nhà đầu tư yêu thích nhất MB sẽ tập trung vốn cho phục hồi kinh tế sau khi được nới room tín dụng |
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 16/9/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 10,47% so với cuối năm 2021 và tăng 17,19% so với cùng kỳ năm 2021. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, nhờ đó đã góp phần kích hoạt mạnh mẽ các hoạt động kinh tế, tạo đà phục hồi các chỉ số vĩ mô, từ đó giúp nền kinh tế dần khôi phục và tăng trưởng.
Đối với chính sách miễn, giảm lãi, phí giữ nguyên nhóm nợ, đến cuối tháng 6/2022 (thời điểm kết thúc chính sách), lũy kế giá trị nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ là 722.334 tỷ đồng với hơn 1 triệu khách hàng, dư nợ cuối tháng 7/2022 còn 157.746 tỷ đồng; lũy kế giá trị nợ được miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 92.425 tỷ đồng với gần 562 nghìn khách hàng, dư nợ cuối tháng 7/2022 còn 16.465 tỷ đồng.
Về chính sách hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 10.700 tỷ đối với gần hơn 580 khách hàng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 9.820 tỷ đồng.
Thời gian tới, bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú |
Do vậy, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Trên cơ sở đó, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra 5 nhiệm vụ của ngành trong thời gian tới.
Thứ nhất, tập trung vào nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Phó Thống đốc nhấn mạnh đây là mục tiêu quan trọng, cần ưu tiên.
Thứ hai, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp và thực hiện các mục tiêu khôi phục nền kinh tế sau dịch COVID-19, góp phần đảm bảo tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu đặt ra.
Thứ ba, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản của các TCTD đối với nền kinh tế.
Thứ tư, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Thứ năm, tiếp tục phối hợp các bộ ngành liên quan triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách tín dụng.
Về giải pháp cụ thể, Phó Thống đốc cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành chính sách tiền tệ tiếp tục thận trọng, linh hoạt, đồng bộ, sử dụng các công cụ trong chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác đảm bảo các mục tiêu cân đối lớn của nền kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như các mục tiêu kinh tế vĩ mô khác.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát và thị trường trong và ngoài nước, tiếp tục chỉ đạo tổ chức tín dụng giảm chi phi hoạt động để có thể giảm lãi suất cho vay đối với một số lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đao của Chính phủ.
Về lãi suất cho vay trên tinh thần kêu gọi các ngân hàng thương mại đổi mới, ứng dụng công nghệ tiện ích, hiện đại, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người vay vốn.
Đối với hạn mức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% năm 2022 có xem xét điều chỉnh khi cần thiết. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, mục tiêu kiểm soát lạm phát là yêu cầu cao nhất. Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi giám sát, đánh giá kịp thời tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, không chỉ cho năm 2022 mà còn tạo tiền đề kiểm soát tín dụng một cách hợp lý, phù hợp, hiệu quả cho năm 2023 - được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn.