Phi công, tiếp viên hàng không các nước phải cách ly phòng dịch Covid-19 như thế nào?
Gần 100.000 sinh viên TPHCM nghỉ học tập trung do 2 bệnh nhân mắc Covid-19 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Thần tốc, quyết liệt hơn nữa trong truy vết, khoanh vùng |
Sau khi xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng xuất phát từ tiếp viên của Vietnam Airlines, công tác tổ chức cách ly của các doanh nghiệp như Vietnam Airlines bị đánh giá là lỏng lẻo, không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng, chống dịch.
Vậy, quy định cách ly, phòng chống dịch đối với các thành viên của tổ bay - những người có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao trên các chuyến bay quốc tế - tại Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đang được thực hiện như thế nào?
VIỆT NAM
Quy trình cách ly đối với tổ bay thực hiện các chuyến bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam được áp dụng theo hướng dẫn tại công văn 3588/CV-BCĐ ngày 2/7/2020 của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo đó, đối với phi công trên các chuyến bay chở khách từ các nước về Việt Nam, ngoài áp dụng biện pháp phòng chống lây bệnh trong toàn bộ hành trình bay (mặc đồ bảo hộ, đeo khẩu trang, găng tay); không tiếp xúc với hành khách và thành viên còn lại của tổ bay và nhân viên mặt đất tại sân bay nước ngoài.
Khi về đến Việt Nam, phi công thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Nếu phi công, các thành viên tổ bay còn lại và tất cả hành khách có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 thì phi công được phép rời khỏi khu cách ly và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú cho tới khi thực hiện chuyến bay khác (trước chuyến bay khác phải xét nghiệm lại).
Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với Covid-19 khi xét nghiệm lần 1, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với phi công và tất cả thành viên còn lại của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2.
Đối với các thành viên còn lại của tổ bay (tiếp viên, nhân viên kỹ thuật, mặt đất, điều phối bay) trên các chuyến bay chở khách từ các nước về Việt Nam, ngoài áp dụng các biện pháp như của phi công, còn phải hạn chế tiếp xúc với hành khách trên chuyến bay.
Khi về đến Việt Nam, tiếp viên và các nhân viên kỹ thuật thực hiện cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm như với hành khách. Nếu tất cả hành khách và các thành viên tổ bay có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 thì tiếp tục lẫy mẫu lần 2 với các thành viên tổ bay.
Xét nghiệm lần 2 sau ít nhất 72 giờ (tức 3 ngày) kể từ lần lấy mẫu lần 1. Nếu các thành viên còn lại của tổ bay có kết quả xét nghiệm lần 2 âm tính, các thành viên tổ bay được rời khu cách ly tập trung và tiếp tục thực hiện cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú tới khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế tiếp theo (yêu cầu thực hiện xét nghiệm 24h trước chuyến bay quốc tế tiếp theo).
Nếu có hành khách hoặc thành viên tổ bay dương tính với Covid-19 khi xét nghiệm lần 1, thực hiện cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả thành viên còn lại của tổ bay theo quy định. Nếu xét nghiệm lần 2 có kết quả dương tính, thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày đối với tất cả thành viên còn lại của tổ bay kể từ ngày có kết quả xét nghiệm lần 2.
NEW ZEALAND
Cùng với Việt Nam, New Zealand được đánh giá là một trong những quốc gia kiểm soát dịch thành công trên thế giới. Ngày 26/6/2020, Bộ Y tế New Zealand ban hành bảng hướng dẫn phòng chống dịch sửa đổi đối với các thành viên phi hành đoàn thực hiện chuyến bay từ nước ngoài về nước.
Văn bản này nêu rõ, do tầm quan trọng của việc duy trì các đường bay quốc tế, nên các thành viên phi hành đoàn hầu như được miễn thực hiện các yêu cầu về cách ly. Tuy nhiên, những thành viên của tổ bay sống tại New Zealand và trở về từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao được yêu cầu tự cách ly tại nơi cư trú trong 14 ngày. Họ cũng phải thực hiện xét nghiệm Covid-19 vào ngày thứ 2 sau khi trở về New Zealand và tiếp tục cách ly cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm.
Bên cạnh đó, việc miễn cách ly không áp dụng với các thành viên phi hành đoàn ra nước ngoài làm nhiệm vụ luân phiên, cũng như những người ở nước ngoài lâu hơn 7 ngày.
Các hãng hàng không và nhân viên xử lý mặt đất chịu trách nhiệm đảm bảo các yêu cầu của Bộ Y tế New Zealand. Đồng thời, các hãng hàng không phải có quy trình kiểm tra để đảm bảo phi hành đoàn tuân thủ các quy định.
Những thành viên phi hành đoàn không tuân thủ, hoặc những người đã tiếp xúc với trường hợp dương tính với Covid-19, có thể được lấy mẫu xét nghiệm ngay khi nhập cảnh và/hoặc được yêu cầu cách ly theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
AUSTRALIA
Tháng 4/2020, Bộ Y tế Australia công bố danh sách các trường hợp được miễn cách ly bắt buộc sau khi trở về từ nước ngoài, trong đó có các thành viên phi hành đoàn. Việc miễn cách ly này được đưa ra dựa trên thực tế rằng đã có các quy định và đào tạo phòng chống dịch Covid-19 riêng của từng ngành, cũng như tầm quan trọng của ngành đó tại Australia.
Đối với các thành viên phi hành đoàn của chuyến bay quốc tế, dù không phải cách ly bắt buộc 14 ngày sau khi nhập cảnh, phải tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, tự cách ly tại nơi cư trú (hoặc khách sạn) trong vòng 14 ngày hoặc cho tới khi thực hiện chuyến bay quốc tế tiếp theo.
Còn đối với các thành viên phi hành đoàn của chuyến bay nội địa, phải thực hiện các yêu cầu tự cách ly theo quy định của từng bang.
LIÊN MINH CHÂU ÂU,
MỸ
Theo hướng dẫn của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA) ngày 30/6/2020, các thành viên phi hành đoàn được khuyến cáo theo dõi tình hình sức khỏe của bản thân sau khi kết thúc các chuyến bay từ nước ngoài về.
Trong trường hợp nhà chức trách thông báo về một trường hợp hành khách nhiễm Covid-19 trên một chuyến bay, hãng hàng không được khuyến cáo thông báo ngay cho các thành viên phi hành đoàn trên những chuyến bay liên quan. Và các thành viên phi hành đoàn được khuyến cáo tự cách ly 14 ngày, kể từ khi kết thúc chuyến bay tương ứng.
Khuyến cáo này cũng được áp dụng đối với các chuyến bay được thực hiện trong vòng 5 ngày trước khi lấy mẫu xét nghiệm của hành khách nhiễm Covid-19 trên (không có triệu chứng) hoặc trong vòng 3 ngày với trường hợp có triệu chứng, trừ phi có các quy định khác của cơ quan y tế địa phương.
Theo văn bản hướng dẫn của EASA, với các chuyến bay được khai thác ngoài các khoảng thời gian trên, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong chuyến bay được xem là ở mức thấp.
Ngoài ra, trong trường hợp một thành viên phi hành đoàn có các triệu chứng của Covid-19 như sốt, ho liên tục, khó thở hoặc các triệu chứng giống cúm khác, hoặc từng tiếp xúc với trường hợp nhiễm Covid-19, họ được khuyến cáo lập tức báo cho cơ quan y tế địa phương và làm theo hướng dẫn. Sau đó, họ có thể được hướng dẫn cách ly hoặc tự cách ly theo quy định tại địa phương cho tới khi có kết quả xét nghiệm.
Nếu kết quả dương tính, thời gian cách ly sẽ kéo dài cho tới khi thành viên phi hành đoàn được xem là phục hồi hoàn toàn (sau 2 lần xác nhận âm tính với các lần lấy mẫu xét nghiệm cách nhau 24 giờ). Nếu xét nghiệm âm tính, họ có thể tiếp tục làm việc.
Những thành viên phi hành đoàn tiếp xúc gần (dưới 1 mét trong vòng hơn 15 phút) với thành viên nghi nhiễm trong vòng 3 ngày trước khi xuất hiện các triệu chứng cũng được khuyến cáo cách ly cho tới khi có kết quả xét nghiệm của người nghi nhiễm. Nếu kết quả là dương tính, họ cũng nên cách ly 14 ngày, tính từ thời điểm tiếp xúc cuối cùng. Còn nếu kết quả âm tính, họ có thể tiếp tục làm việc.
Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ có hướng dẫn chung về kiểm soát dịch bệnh đối với thành viên phi hành đoàn, không có hướng dẫn riêng dành cho dịch Covid-19.