Ở nhà mùa dịch: Sểnh mắt là con gặp tai nạn
Phòng ngừa trẻ em bị rơi ngã từ chung cư, nhà cao tầng Người bố lao như bay giải nguy đứa bé khỏi tai nạn Phòng chống thương tích cho trẻ em: Bài học từ những tai nạn đau lòng |
Nhiều tai nạn trẻ rơi chung cư, đuối nước, hóc dị vật
Tối ngày 22/7, một bé trai khoảng 3 tuổi rơi từ tầng cao chung cư The One (khu đô thị Gamuda, Hoàng Mai, Hà Nội) xuống đất. Ngay sau khi xảy ra sự việc, người dân và lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường đưa cháu bé đi cấp cứu. Tuy nhiên, do vết thương quá nặng nên bé trai đã tử vong. Được biết, gia đình cháu bé đã làm lưới an toàn. Hiện công an vẫn đang điều tra nguyên nhân vụ việc.
Trước đó đã có hàng loạt vụ các bé rơi từ tầng cao của chung cư như bé 10 tuổi rơi từ cửa sổ tầng 5 chung cư The K Park khu đô thị văn Phú (Hà Đông), bé 5 tuổi rơi từ tầng 11 chung cư Vinaconex 1 (Trung Hòa, Cầu Giấy), rồi vụ bé gái 2 tuổi rơi từ tầng 12A của chung cư 60B Nguyễn Huy Tưởng được anh Nguyễn Ngọc Mạnh cứu sống thần kỳ...
Không chỉ rơi chung cư vì những giây phút lơ đễnh của người lớn, các bé còn gặp nhiều tai nạn thương tích liên quan tới sinh hoạt khác trong thời gian ở nhà phòng dịch.
Mới đây, bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng suy hô hấp do bị đuối nước khi chơi bể bơi phao tại nhà. Bé cùng anh trai 3 tuổi được gia đình cho chơi bể bơi phao tại nhà với mực nước sâu khoảng 50cm. Sau khoảng 10 phút không có sự giám sát, gia đình phát hiện trẻ nằm úp mặt xuống đáy bể bơi phao. Trẻ có biểu hiện tím tái khi được vớt lên. Được chẩn đoán viêm phổi do đuối nước trong bể bơi phao tại nhà, bé được cấp cứu, điều trị chăm sóc đặc biệt suốt 1 tuần mới hồi phục và ra viện.
Một trường hợp bệnh nhi tại khoa Cấp cứu – Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: BVCC |
Mới đây, mạng xã hội cũng đồng loạt chia sẻ về 2 trường hợp hóc dị vật khi bố mẹ không chú ý tới hoạt động của con.
Trường hợp thứ nhất là một clip bé trai khoảng 3-4 tuổi nằm chơi trên ghế, vừa ăn kẹo vừa lắc lư. Có lẽ vì vậy mà vô tình em bị hóc kẹo, giãy giụa, đạp chân loạn xạ, ú ớ rồi mặt mũi tím tái dần. Nghe thấy tiếng kêu của con trai, người bố đã kịp thời xuất hiện, tiến hành sơ cứu, bế dốc ngược bé lên để viên kẹo rơi ra ngoài, cứu con trai một phen thoát chết.
Trường hợp thứ 2 do chính người mẹ đăng đàn kể lại về cô con gái 5 tuổi của mình bị hóc khi đang ăn nhãn. Trường hợp này, gia đình phải đưa em vào viện cấp cứu và nhờ các bác sĩ gắp dị vật ra, em mới thoát chết.
Cả 2 gia đình đều được một phen hú hồn và chia sẻ trên mạng xã hội để cảnh tỉnh các phụ huynh khác cần chú ý hơn đến hoạt động của con trẻ khi ở nhà.
Phụ huynh hãy đảm bảo trẻ luôn trong tầm mắt của mình
Một số thống kê cho thấy, ở lứa tuổi từ 1-5 tuổi, trẻ thường gặp tai nạn liên quan đến bỏng do lửa, điện, nước sôi hoặc đuối nước, hóc dị vật, ngã cầu thang,... Trong độ tuổi từ 6-10 tuổi, trẻ lại thường bị tai nạn do tiếp xúc môi trường bên ngoài như gãy tay, chân do leo trèo, tai nạn giao thông. Đặc biệt, khi ở lứa tuổi dậy thì (14-15 tuổi), trẻ thường gặp các tai nạn giao thông với những chấn thương rất nặng ở sọ não, ngực bụng, gãy tay chân…
Một tình huống trẻ gặp tai nạn thương tích trong nhà |
Theo thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có tới 370.000 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tình trạng đuối nước ở khu vực nông thôn cao gấp 4 lần so với khu vực thành thị, chủ yếu xảy ra vào những tháng học sinh nghỉ hè và xảy ra tại nơi cộng đồng chiếm tới 77,6% (ao, hồ, sông, suối, biển, ngã xuống hố ga, hồ xây dựng), 15,8% xảy ra tại gia đình và 6,6% tại nơi khác.
Để hạn chế nguy cơ trẻ nhỏ bị tai nạn thương tích, ThS.BS. Nguyễn Đức Long, Trưởng Khoa Cấp cứu - Trung tâm Sản Nhi Phú Thọ khuyến cáo các bậc phụ huynh cần phải hết sức quan tâm, chú ý đến trẻ, nhất là trong dịp trẻ được nghỉ học ở nhà để phòng, tránh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay. Tuyệt đối không để trẻ ở một mình trong môi trường có nước; cần làm rào, nắp đậy chắc chắn, lấp kín những ao hồ không cần thiết; các bậc thềm, cầu thang cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn; … Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Đồng thời cũng cần trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhất để có thể tự bảo vệ được mình trước các nguy cơ tiềm ẩn. Khi không may xảy ra tai nạn, dù là tai nạn nhỏ cũng cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, xử trí kịp thời các vết thương, loại trừ các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.