Nước lũ về thấp, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn sẽ khốc liệt

Mùa mưa năm 2020 trên lưu vực sông Mê Công xuất hiện muộn so với trung bình nhiều năm. Dự báo mùa khô năm nay có nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.
ĐBSCL: Đầu nguồn khát nước giữa mùa lũ Chống hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Bộ TN&MT giữ vai trò "nhạc trưởng" Hỗ trợ kinh phí cho 5 tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp về hạn mặn

Hạn mặn sẽ khốc liệt

Theo thông tin từ Tổng cục Khí tượng Thủy văn, sau đợt hạn mặn khốc liệt năm 2020, bước vào mùa lũ lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Công vẫn tiếp tục bị sụt giảm.

Từ đầu tháng 6 đến nay, tổng lượng mưa khu vực thượng nguồn Trung Quốc thấp hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 25% và cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10%. Tổng lượng mưa ở vùng thượng lưu sông Mê Công ở mức cao hơn trung bình nhiều năm và năm 2019 từ 10-25%, ở vùng trung, hạ lưu phổ biến thấp hơn trung bình nhiều năm và năm 2019 từ 25-45%.

Ông Vũ Đức Long, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết: Tổng lượng mưa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ở mức xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10-40%.

Hiện tại, mực nước cao nhất vùng đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm từ 1,15-2,0m, thấp hơn cùng kỳ năm 2019 từ 1,05-1,65m và năm 2015 từ 0,1-0,45m.

Nước lũ về thấp, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn sẽ khốc liệt
Dự báo mùa khô năm nay tại Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn.

Lượng dòng chảy qua trạm thủy văn Tân Châu, Châu Đốc từ tháng 6 đến tháng 8/2020 đều thấp hơn trung bình nhiều năm từ 31- 49%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 từ 6-20% và năm 2019 từ 10-36%. Mực nước đầu mùa lũ cũng ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 0,2 đến 1,6 m và thấp hơn mức lũ cấp 1 tới 1,7 m. Tổng lượng dòng chảy vào Đồng bằng sông Cửu Long tại 2 trạm Tân Châu và Châu Đốc từ tháng 6 đến nay chỉ bằng 55% giá trị trung bình nhiều năm, nghĩa là thiếu tới 65 tỷ m3.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 5, tại trung lưu sông Mê Công có mưa to đến rất to, lượng mưa tập trung chủ yếu trong ngày 19/9 tại một số trạm như Khong Cham (Thái Lan) 175,9mm, Pakse (Lào) 129,4mm. Mực nước tại các trạm trung lưu lên nhanh trong ngày 19/9 với biên độ từ 1,5-2,5m, hiện tại mực nước đang lên chậm. Trong 3-4 ngày tới, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long lên chậm và ở mức 2,2-2,4m, sau đó biến đổi chậm.

Chủ động dự trữ nước ngọt

Theo ông Vũ Đức Long, cuối tháng 9 và tháng 10 lượng mưa trên lưu vực có thể sẽ được cải thiện và lượng mưa sẽ tăng tới mức trung bình nhiều năm. Tuy nhiên, thường vào đầu mùa lũ, các hồ chứa bắt đầu tích nước theo quy trình.

Do vậy, mặc dù có thể có sự gia tăng đóng góp dòng chảy của mưa nhưng vì nền tài nguyên nước trên lưu vực nửa đầu mùa lũ đang ở mức rất thấp (kể cả mực nước các hồ chứa), nên mực nước dọc dòng chính sông Mê Công không thể tăng cao và vẫn bị thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Các hồ chứa vẫn tiếp tục tích cực tích nước để đảm bảo phát điện trong mùa khô tới.

Trong các tháng tiếp theo vùng hạ lưu sông Mê Công vẫn tiếp tục có mưa, tuy nhiên tổng lượng mưa trên toàn lưu vực sông Mê Công vẫn thiếu hụt nhiều so với trung bình nhiều năm.

Đỉnh lũ năm 2020 tại đầu nguồn sông Cửu Long (tại trạm thủy văn Tân Châu và Châu Đốc) ở mức thấp (dưới báo động 1) và xuất hiện muộn vào giữa tháng 10 (chậm khoảng 3 tuần và thấp hơn giá trị đỉnh lũ trung bình nhiều năm khoảng 5.000 m3/s) và sau đó sẽ giảm nhanh.

Nước lũ về thấp, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn sẽ khốc liệt
Tình hình hán hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt

Theo đánh giá sơ bộ, tổng lượng dòng chảy qua hai trạm này trong toàn bộ mùa lũ năm 2020 dự kiến chỉ đạt khoảng 55% trung bình nhiều năm (thiếu khoảng 130 tỷ m3) và thấp hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 15%.

Như vậy, về tổng lượng nước lũ, năm 2020 có thể sẽ có mùa lũ thấp nhất trong vòng 10 năm vừa qua. Các trạm vùng hạ nguồn sông Cửu Long lên theo triều, đỉnh lũ phổ biến ở mức báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại một số vùng trũng thấp, ven sông, đặc biệt tại các thành phố Cần Thơ, Vĩnh Long.

Tình hình hán hán, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, thủy sản và diện tích trồng cây ăn trái ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt tại các huyện: Thủ Thừa, Bến Lức, Tân Trụ, Cần Đước, Cần Giuộc (Long An); huyện Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông (Tiền Giang); Ba Tri, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Chợ Lách (Bến Tre); huyện Trà Ôn, Vũng Liêm, Mang Thít, Long Hồ, Tam Bình (Vĩnh Long); huyện Trà Cú, Châu Thành (Trà Vinh)...

Ngoài ra, do thiếu hụt nguồn nước dẫn đến mực nước trên sông và các kênh rạch ở mức thấp, nguy cơ cao xảy ra sạt lở bờ sông và các kênh rạch trong thời gian này, đặc biệt là trên các sông chính.

Trước nguy cơ thiếu hụt nước ngọt trong mùa khô, ông Vũ Đức Long khuyến cáo: Mỗi hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, chủ vườn cần chủ động trữ nước ngọt cho sinh hoạt, sản xuất kinh doanh.

Đồng thời, người dân cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến nguồn nước, dự báo đủ tin cậy, thông tin kịp thời về nguồn nước để triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp. Tập trung chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, nhất là về thời vụ và chuyển đổi cơ cấu sản xuất phù hợp với điều kiện nguồn nước.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động