Chống hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL: Bộ TN&MT giữ vai trò "nhạc trưởng"
Chủ động ứng phó với nắng nóng, hạn hán và xâm nhập mặn khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên Đà Nẵng: Người trồng rau khốn khổ vì xâm nhập mặn ĐBSCL: Xâm nhập mặn tăng trở lại và đạt đỉnh vào cuối tuần |
Đã hoàn thành việc thu thập số liệu
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng ban điều tra tài nguyên nước (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia) cho biết, đến nay, trung tâm đã tổ chức thu thập thông tin, số liệu, tài liệu và các báo cáo chuyên ngành phục vụ xây dựng các nội dung phân tích, đánh giá hiện trạng tài nguyên nước.
Tuyến kênh ở xã Long Hòa, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, bị khô cạn (chụp tháng 3/2020). Ảnh;: HUỲNH XÂY
Đến nay, ở ĐBSCL chưa có một giải pháp tổng thể, toàn diện về vấn đề trữ nước cho toàn vùng và các tiểu vùng, mang tính liên vùng, trên cơ sở tầm nhìn dài hạn và định hướng chuyển đổi mô hình phát triển ĐBSCL theo tinh thần của Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.
Vì vậy, việc xây dựng giải pháp trữ nước tổng thể cho toàn vùng là một yêu cầu cấp thiết.
Đối với nước mặt, trung tâm đã thiết lập và hiệu chỉnh mô hình mưa - dòng chảy Mike -NAM phục vụ đánh giá tài nguyên nước và cung cấp số liệu làm biên đầu vào cho các mô hình thủy lực, cân bằng nước toàn vùng ĐBSCL.
Hoàn thiện xây dựng sơ đồ tính toán thủy lực 1 chiều (hơn 3.000 mặt cắt, hơn 1.000 công trình) và tiếp tục bổ sung mặt cắt, tiến hành hiệu chỉnh, kiểm định mô hình cho toàn hệ thống ĐBSCL.
Đối với tài nguyên nước dưới đất, theo ông Nguyễn Ngọc Hà, hiện có kết quả đánh giá tài nguyên nước dưới đất cho các tỉnh và toàn vùng ĐBSCL trên cơ sở bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000. Đã thiết lập xong mô hình nước dưới đất để phục vụ tính toán các phương án khai thác nước dưới đất.
Dự kiến, Cục Quản lý tài nguyên nước sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt thẩm định nhiệm vụ quy hoạch vùng ĐBSCL trong tuần tới. Bên cạnh đó, Cục cũng đã xây dựng dự thảo báo cáo quy hoạch vùng ĐBSCL và dự thảo báo cáo ĐMC đối với quy hoạch (dự kiến hoàn thành tháng 8/2020) và lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương (tháng 9/2020), đồng thời họp hội đồng thẩm định, hiện thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (tháng 12/2020).
Ông Lê Anh Đức - Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước nêu vấn đề: Trước tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL diễn biến ngày càng gay gắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân trong vùng, các giải pháp trữ nước đã và đang được các bộ, ngành, địa phương đề xuất như là một trong những biện pháp ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn hiệu quả nhất. Tuy nhiên, các giải pháp trữ nước đã và đang thực hiện vẫn còn mang tính đơn lẻ, địa phương thiếu tính liên kết vùng.
Bộ sẽ giữ vai trò "nhạc trưởng"
Ông Châu Trần Vĩnh - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước cho rằng, giải pháp trữ nước của đồng bằng đối với các công trình cần có thêm hoạt động rà soát, cân nhắc lại, không thể như "đào ao đắp đập" sẽ làm vai trò của ngành tài nguyên và môi trường rất yếu, không thành vai trò "nhạc trưởng" được. Cần phải tổ hợp các giải pháp trong đó tận dụng những cái gì đang có, đã có để biến thành của chúng ta, kể cả giải pháp công trình và phi công trình.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Công Thành đồng ý với ý kiến cho rằng lĩnh vực tài nguyên nước phải cùng làm với quy hoạch vùng và giao cho Cục Quản lý tài nguyên nước làm đầu mối.
Về tiến độ thực hiện quy hoạch, Thứ trưởng hoan nghênh Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia đã triển khai các nhiệm vụ quy hoạch một cách kịp thời. Về vấn đề phân vùng, theo Thứ trưởng cần chọn tiêu chí dựa vào quan điểm nào để phân vùng. "Chúng ta phân vùng trên quan điểm của tài nguyên nước" - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị Trung tâm Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước quốc gia thu thập đầy đủ báo cáo kinh tế xã hội của địa phương để lựa chọn thông tin, từ đó có các giải pháp sát với thực tế.
Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của tài nguyên nước trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, tài nguyên nước cần phải hiện diện khắp nơi, gây tiếng vang để mọi người cùng hiểu. Quan trọng nhất là cần có kịch bản tài nguyên nước, ứng với nó là có giải pháp ra sao. Thứ trưởng khẳng định, Bộ TNMT là "nhạc trưởng" về tài nguyên nước, đưa ra các giải pháp quản lý tổng thể; còn các giải pháp cụ thể thuộc về các bộ, ngành, địa phương như xây dựng, nông nghiệp...