Nữ Thiếu úy bén duyên với lĩnh vực hiến, ghép tạng

Thiếu úy, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh (28 tuổi, sống tại quận 4, TP Hồ Chí Minh) được biết đến là tấm gương điển hình tiêu biểu với phương châm hành động theo tinh thần “7 dám” (dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; dám hành động vì lợi ích chung).
Nữ Thiếu úy Lương Thị Thu: Cho đi là nhận lại rất nhiều...

Cống hiến sức trẻ cho cộng đồng

Là học sinh chuyên Văn song với niềm đam mê theo đuổi ước mơ trở thành bác sĩ, Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đã chọn màu áo blouse trắng để theo đuổi công việc chữa bệnh cứu người. Với sứ mệnh thiêng liêng đó, chị đã luôn cố gắng thực hiện tốt thiên chức của nghề Y.

Hiện tại, Thiếu úy Đỗ Phạm Nguyệt Thanh đang là bác sĩ, trợ lý phòng Khoa học Quân sự, Bệnh viện Quân y 175 trực thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Nhiệm vụ của nữ Thiếu úy là cùng các đồng nghiệp tham mưu, thực hiện công tác đối ngoại và quản lý, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học, triển khai kỹ thuật mới theo sự chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Đảng ủy - Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175.

Nữ Thiếu úy bén duyên với lĩnh vực hiến, ghép tạng
Thiếu úy, bác sĩ Đỗ Phạm Nguyệt Thanh, 28 tuổi, sống tại Quận 4, TP Hồ Chí Minh

Năm 2021, chị Thanh ghi dấu ấn bởi những đóng góp trong lĩnh vực tình nguyện vì cộng đồng. Theo đó, với vai trò Phó Tổng chỉ huy Tổng đài Cấp cứu 115 TP Hồ Chí Minh, chị đã trực tiếp đồng hành cùng hơn 200 tình nguyện viên xung phong ra tuyến đầu chống dịch, tiếp nhận từ 600 - 700 cuộc gọi cấp cứu hàng ngày. Chị cũng vận động các “mạnh thường quân” trao tặng nhiều suất quà ý nghĩa đến các bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ do COVID-19…

Không dừng lại ở đó, bác sĩ Nguyệt Thanh còn được biết đến là người có nhiều đóng góp tiêu biểu trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu khoa học.

Nổi bật trong số đó phải kể đến đề tài “Cộng đồng nguồn tạng sống” năm 2017. Đề tài được xây dựng từ hiệu quả các ca ghép tạng thành công trên thế giới, nhất là mô hình từ Hoa Kỳ. Nữ bác sĩ đã phân tích thực trạng, những khó khăn trên nhiều khía cạnh về chính sách, văn hóa, tôn giáo... của việc hiến tạng, ghép tạng mà Việt Nam đang phải đối mặt. Từ đó, nâng cao số lượng tạng được hiến, mở thêm cơ hội được sống “một cuộc đời mới” cho các bệnh nhân không may mắn mắc các bệnh hiểm nghèo.

Trong cuộc thi “Giải pháp sáng tạo y tế cộng đồng” do Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức, đề tài “Cộng đồng nguồn tạng sống” đã giành giải Nhì chung cuộc.

Bén duyên với lĩnh vực hiến, ghép tạng từ khi còn là sinh viên đại học, chị Thanh được Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện Quân y 175 tin tưởng, giao nhiệm vụ và tham gia vào Tổ Thư ký - hành chính, chương trình ghép thận, dự án Ghép tạng từ năm 2022 đến nay.

Nữ Thiếu úy bén duyên với lĩnh vực hiến, ghép tạng
Thiếu úy, bác sĩ Nguyệt Thanh 2 lần được vinh danh là Thanh niên sống đẹp của năm

Chị Nguyệt Thanh kể: “Tôi vừa làm, vừa học hỏi từ chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, các anh chị đồng nghiệp trong và ngoài đơn vị. Tại đây, tôi học hỏi thêm được phương thức xây dựng, thiết kế và viết một dự án để được cấp phép; đào tạo thêm về công tác pháp lý, công tác điều phối trong việc thực hiện hiến, ghép tạng”.

Cuối cùng, sau thời gian triển khai gần một năm, Bệnh viện Quân y 175 đã thực hiện thành công 6 cặp hiến, ghép thận từ người hiến sống. Từ đây, đội ngũ y, bác sĩ cố gắng tối ưu hóa, đưa phẫu thuật hiến, ghép thận đến gần với người dân hơn và phấn đấu triển khai thêm phẫu thuật hiến, ghép ở các tạng khác.

Hiện tại, bác sĩ Nguyệt Thanh cũng là Chủ nhiệm Câu lạc bộ "Thầy thuốc trẻ Quận 4". Chị cũng bày tỏ mong muốn xây dựng được một cộng đồng nguồn tạng sống. Nơi đó, người dân đã đăng ký hiến tạng được giao lưu cùng nhau, trở thành các hạt giống lan tỏa “hành động nhân văn” đến gia đình, đồng nghiệp và cộng đồng.

Những bước chân “không mỏi”

Không mỏi không phải vì không đi, cũng không vì chọn cho mình một công việc văn phòng nhàn nhã mà vì phía trước còn biết bao người bệnh đang trông chờ bàn tay chăm sóc, tin tưởng và giao phó sinh mệnh cho nữ Thiếu úy, bác sĩ trẻ.

Nữ Thiếu úy bén duyên với lĩnh vực hiến, ghép tạng
Thiếu úy, bác sĩ Nguyệt Thanh bày tỏ niềm hạnh phúc, biết ơn và trân trọng khi 2 lần được Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tuyên dương là một trong 20 gương Thanh niên sống đẹp vào năm 2021 và 2023.

Trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, bác sĩ Nguyệt Thanh nói, tinh thần "7 dám" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là “kim chỉ nam” giúp thay đổi tư duy, nhận thức. Nhờ đó, chị đã cụ thể hóa bằng các hoạt động.

Tính tới thời điểm hiện tại, bác sĩ Nguyệt Thanh đã đặt chân đến 20 quốc gia, tham gia 7 chương trình giao lưu thanh niên, chương trình tình nguyện và các hội thảo, hội nghị khoa học của khu vực và trên thế giới.

Chính bởi chữ "dám" mà chị Thanh đã thực hiện được nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y tế và khoa học sức khỏe, mang về các phần thưởng danh giá.

Thiếu úy, bác sĩ Nguyệt Thanh cũng trở thành đại biểu tham gia Hội nghị Các nhà khoa học trẻ ASEAN 2020; có nhiều bài báo được đăng tải trên các tạp chí khoa học y khoa uy tín... vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2022 với thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Mới đây, khi tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản năm 2023, với vai trò Lãnh đạo Thanh niên Đoàn đại biểu Việt Nam, chị Thanh may mắn được tham gia chào xã giao ngài Kishida Fumio - Thủ tướng Nhật Bản tại Văn phòng Thủ tướng ở Tokyo vào ngày 6/12.

Bên cạnh đó, nữ bác sĩ cũng là đại diện phát biểu trước Văn phòng Nội các Nhật Bản, Đại sứ và lãnh đạo quốc gia, thanh niên các nước Đông Nam Á - Nhật Bản, thể hiện tiếng nói, trách nhiệm của thanh niên Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của các quốc gia trong khu vực và trên toàn thế giới.

Nữ Thiếu úy bén duyên với lĩnh vực hiến, ghép tạng
Bác sĩ Nguyệt Thanh (hàng đầu, thứ 2 bên phải) chụp ảnh cùng đại biểu đại diện thanh niên các quốc gia tại Nhật Bản

Cố gắng nỗ lực là vậy song với chị Thanh, việc sắp xếp thời gian cho công việc và cân bằng cuộc sống là điều rất quan trọng. Chị tự xây dựng cho mình một mục tiêu của năm; trong đó bao gồm các mục tiêu về phát triển cá nhân, công việc và cả các dự án cộng đồng; theo dõi tiến độ hoàn thành vào mỗi tháng. Mỗi ngày, trước khi bắt đầu làm việc, chị Thanh đều dành ít phút ghi lại danh mục những đầu việc theo thứ tự ưu tiên phải hoàn thành trong ngày. “Tôi luôn cố gắng hoàn thành công việc tại cơ quan trước khi về nhà. Quan trọng nhất, tôi luôn tự tìm niềm vui, động lực trong chính công việc, để từ đó cảm thấy việc gì cũng nhẹ nhàng và hạnh phúc”, Thiếu úy, bác sĩ Nguyệt Thanh kết lời.

Chia sẻ quan điểm về sự rèn luyện của thế hệ trẻ hiện nay, chị Thanh nhắn nhủ: “Bên cạnh trau dồi kiến thức chuyên ngành, thanh niên Việt Nam cần phải chú trọng việc trau dồi kiến thức xã hội, ngoại ngữ và kỹ năng hội nhập để có thể trở thành một “công dân toàn cầu”, bắt nhịp nhanh với bạn bè quốc tế”.

Quỳnh Giang
Phiên bản di động