Nóng ruột với thị trường vàng
Thanh tra thị trường vàng ngay trong tháng 4 này "Nóng" giá vàng: Phó Thống đốc nêu giải pháp can thiệp |
Theo lý giải của các chuyên gia, giá vàng trong nước tăng điên cuồng trong những ngày qua là do thị trường đang có nhiều yếu tố hỗ trợ, chủ yếu là tác động từ những biến động trên thị trường thế giới.
Trong đó, giá vàng lập kỷ lục nhờ khối lượng giao dịch tăng cao sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell mới đây nhấn mạnh rằng những số liệu gần đây sẽ không làm thay đổi tình hình kinh tế tổng thể. Kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng tích cực, các chuyên gia đánh giá Fed vẫn giữ quan điểm điều chỉnh lãi suất trong năm nay.
Bên cạnh đó, căng thẳng ở Trung Đông ngày càng gia tăng cũng thúc đẩy nhu cầu tìm đến các tài sản an toàn như vàng.
Ở trong nước, các chuyên gia cảnh báo nhà đầu tư và người dân nên cân nhắc trước khi giao dịch và thường xuyên theo dõi giá vàng trên các kênh chính thống để có quyết định đúng đắn nhất, tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư nên thận trọng khi đầu tư vào vàng thời điểm này bởi thị trường vàng biến động khó lường; khoảng cách chênh lệch giá vàng trong nước hiện nay đang ở ngưỡng cao, đẩy rủi ro về phía người đầu tư.
Thị trường vàng diễn biến phức tạp trong thời gian qua. |
Thực tế, không phải bây giờ mà từ cuối năm ngoái, lường trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng, lãnh đạo Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan đã khẩn trương thực hiện các biện pháp quản lý, giám sát hoạt động thị trường vàng.
Mới đây nhất, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, trong đó theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới, trong nước và theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, với các công cụ, điều kiện đã có, chủ động thực hiện kịp thời, hiệu quả các giải pháp, công cụ điều hành thị trường vàng theo quy định để can thiệp kịp thời.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu xử lý ngay và luôn tình trạng giá vàng miếng trong nước và giá vàng quốc tế chênh lệch ở mức cao, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, lành mạnh, công khai, minh bạch, hiệu quả; đặt lợi ích chung của quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; khuyến khích sản xuất và xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động.
Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời nguồn cung cho sản xuất vàng miếng, vàng trang sức mỹ nghệ, phù hợp với diễn biến thị trường, bảo đảm hoạt động, giao dịch trên thị trường được quản lý, kiểm soát chặt chẽ bằng các công cụ đã có, không ảnh hưởng đến tỷ giá, dự trữ ngoại hối nhà nước, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, nhất là việc cương quyết phải có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng để nâng cao tính minh bạch, cải thiện hiệu quả giám sát, điều hành, bảo đảm thị trường vàng hoạt động an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch; xử lý thu hồi ngay giấy phép hoạt động đối với doanh nghiệp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24 để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Thanh tra Chính phủ và các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng.
Ngân hàng Nhà nước và các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp bình ổn và quản lý thị trường vàng được giao; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.
Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà đã lên tiếng nêu các giải pháp để bình ổn thị trường vàng.
Theo ông Phạm Thanh Hà, để ổn định thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp; đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023…
Cụ thể, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.
Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.
Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.
Đối với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
Đối với Nghị định số 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.