Nông nghiệp thông minh trên sa mạc
UAE trồng lúa mì trên sa mạc 3,5 tỷ người có thể phải sống như ở Sahara Phát triển tương lai từ 'nền đất chết' |
Hơn một nửa đất nước Israel khô cằn hoặc bán khô hạn, ít màu mỡ và phần còn lại của đất nước chủ yếu là các sườn đồi dốc và rừng rậm. Ở quốc gia này, lĩnh vực nông nghiệp thành công nhờ khoa học công nghệ tới 95%, chỉ có 5% từ sức lao động của con người.
Ngay từ sớm, Chính phủ Israel đã tập trung đầu tư xây dựng hệ thống trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhờ sức mạnh của nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ cao, bức tranh nền nông nghiệp Israel đã có sự thay đổi đáng kinh ngạc, biến vùng đất khô cằn bậc nhất trở thành đất nước có nền nông nghiệp rất phát triển, làm hoa nở giữa sa mạc.
Chỉ 2,2% dân số làm nông nghiệp nhưng mỗi năm Israel xuất khẩu khoảng 3,5 tỷ USD nông sản, là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Đó là kết quả ứng dụng nông nghiệp thông minh và bền vững tại quốc gia này.
Nông nghiệp thông minh thực sự là thế mạnh, là nét khởi sắc về kinh tế của Israel (Ảnh: Israel21c.org) |
Họ sử dụng phương pháp khử mặn đất, phát minh công nghệ tưới nhỏ giọt hiệu quả và thậm chí nuôi cá ngay trên sa mạc cằn cỗi để cải tạo đất và tăng năng suất nông sản.
Israel cũng là quốc gia duy nhất mà sa mạc đang được đẩy lùi. Quốc gia này đứng đầu thế giới về tái chế nước, với tỉ lệ đến 70% nước được tái chế.
Tiêu biểu, Israel đã cho xây dựng hệ thống dẫn nước quốc gia (NWC) để đưa nước từ biển hồ Kinneret ở phía Bắc đến sa mạc Negev ở phía Nam. Đây là quyết định làm thay đổi hoàn toàn hệ thống phân phối nước của quốc gia này, cho phép họ canh tác trên sa mạc.
“Không có gì là không làm được khi chưa được chứng minh là bất khả thi”, Giám đốc Trạm Nghiên cứu công nghệ nông nghiệp Eden Farm (Israel) Zion Deko nhấn mạnh.
Israel còn sở hữu hệ thống nuôi cá giữa sa mạc vô cùng ấn tượng mang tên GFA (Grow Fish Anywhere). Hệ thống nuôi cá này là thành quả lớn nhất trong ngành chăn nuôi của Israel. Nó cho phép người nông dân có thể nuôi cá trong bất kì điều kiện thời tiết nào mà không phải phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường.
Bên cạnh đó, việc phát triển những vi khuẩn có lợi để xử ý chất thải trong nước cùng các mầm bệnh giúp người Israel có thể nuôi cá trong các hồ chứa mà không cần lo lắng đến việc thay nước ở bể nuôi. GFA đã biến Israel thành một quốc gia có thể xuất khẩu cá cho các thị trường khác trên thế giới.
Nông dân chăm sóc lúa mì trên sa mạc Sharjah (Ảnh: Reuters) |
Khoảng 10 năm trở lại đây, ý tưởng về phát triển nông nghiệp trên các vùng sa mạc đã không còn quá xa vời. Trên nền cát sa mạc ở Trung Đông, ngày càng nhiều dự án canh tác mới mọc lên. Gần đây nhất là cánh đồng lúa mì ứng dụng công nghệ cao do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đầu tư thực hiện.
Theo đó, Chính phủ UAE đã xây dựng một trang trại rộng 400ha ở thị trấn Mleiha của Sharjah và sử dụng nước khử muối để tưới tiêu. Trang trại Mleiha dự kiến sẽ đạt sản lượng khoảng 1.600 tấn lúa mì/năm - một bước tiến tới mục tiêu lớn hơn của quốc gia vùng Vịnh sản xuất dầu này là tăng cường trồng trọt. Trang trại không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất và hạt giống biến đổi gene.
Trang trại sử dụng trí tuệ nhân tạo và hình ảnh nhiệt để thu thập dữ liệu về thời tiết và thổ nhưỡng nhằm điều chỉnh tốc độ tưới và theo dõi quá trình tăng trưởng của cây trồng.
Kế hoạch xây dựng các nhà kính và trang trại tiết kiệm nước trên sa mạc cũng được giới chức UAE thúc đẩy nhằm mở rộng quy mô dự án trong thời gian tới; Đồng thời tối ưu chi phí năng lượng để khử muối mỗi ngày đáp ứng nhu cầu tưới tiêu.
Hồi tháng 5, báo cáo về khủng hoảng lương thực toàn cầu (GRFC) được Mạng lưới Chống khủng hoảng lương thực (GNAFC) công bố. GNAFC là liên minh của UN, EU và nhiều cơ quan chính phủ, phi chính phủ khác, nhằm giải quyết khủng hoảng lương thực.
Theo đó, năm ngoái, số người rơi vào tình trạng cần thực phẩm khẩn cấp và hỗ trợ dinh dưỡng đã tăng năm thứ tư liên tiếp. Nhóm này lên tới 258 triệu người ở 58 quốc gia và vùng lãnh thổ - cao nhất 7 năm.
Điều này đặt ra thách thức về an ninh lương thực và bài toán tăng năng suất nông nghiệp toàn cầu vì thế giới sẽ cần sản xuất thêm khoảng 70% lương thực vào năm 2050 để nuôi khoảng 9 tỷ người.
Thách thức càng gia tăng bởi tính dễ bị tổn thương của nông nghiệp đối với biến đổi khí hậu. Các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như nhiệt độ ngày càng tăng, sự biến đổi thời tiết, chuyển đổi ranh giới hệ thống nông nghiệp, cây trồng và sâu bệnh xâm lấn, và các hiện tượng thời tiết cực đoan thường xuyên hơn.
Do đó, sản xuất nông nghiệp truyền thống bắt buộc phải có bước chuyển mình theo xu hướng tái cơ cấu và cách mạng hóa theo hướng thông minh và bền vững. Trên khắp thế giới, các nước đều có cuộc chạy đua ở nhiều mức để ứng dụng các phương pháp thông minh vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất trong khi vẫn đảm bảo yếu tố an toàn.