Những nội dung mới trong Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi)
Quảng Bình: Khen thưởng đoàn viên thanh niên dũng cảm cứu sống 5 người bị đuối nước Hành trình viết tiếp trang sử vàng Những chàng trai, cô gái lan tỏa “thiên sử vàng” Điện Biên |
Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) gồm 7 chương, 67 điều; tăng 1 chương và 31 điều so với Luật năm 2005. Dự thảo xây dựng trên cơ sở các chính sách đã được Chính phủ thông qua. So với Luật thanh niên năm 2005, dự thảo có một số nội dung mới, chủ yếu nằm trong Chương I - Quy định chung.
Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi) có nhiều điểm mới (ảnh TTTĐ) |
Cụ thể:
- Bổ sung 1 điều quy định về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và nghĩa vụ của thanh niên để các cơ quan nhà nước làm căn cứ khi ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và nghĩa vụ đối với thanh niên.
- Bổ sung quy định về nguồn lực, kinh phí bảo đảm thực hiện chính sách phát triển thanh niên như sau: Nhà nước bảo đảm nguồn lực để xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật đối với thanh niên.
Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm bảo đảm nhân lực và bố trí kinh phí thực hiện chiến lược, chương trình, dự án phát triển thanh niên của Quốc gia và địa phương.
- Bổ sung 1 Điều quy định về Tháng thanh niên nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước về Tháng thanh niên trong luật; đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước chăm lo, bồi dưỡng và phát huy vai trò của thanh niên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Cụ thể: Tháng 3 hằng năm là Tháng Thanh niên. Hằng năm, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì tổ chức Tháng Thanh niên. Các bộ, ngành ở Trung ương, chính quyền địa phương các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện, hỗ trợ Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp tổ chức Tháng Thanh niên.
- Bên cạnh đó, dự thảo bổ sung 1 Điều quy định về đối thoại với thanh niên để cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng như sau: Thủ tướng Chính phủ, Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức đối thoại với thanh niên ít nhất mỗi năm một lần về các vấn đề liên quan đến thanh niên. Hình thức đối thoại là hội nghị, diễn đàn, tọa đàm.
- Sửa đổi, bổ sung 1 điều quy định hợp tác quốc tế về thanh niên và công tác thanh niên theo hướng xác định rõ các hoạt động hợp tác quốc tế của cơ quan quản lý nhà nước và hoạt động đối ngoại nhân dân của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
- Điều chỉnh, sắp xếp, bổ sung các quy định về quyền và nghĩa vụ của thanh niên (Điều 3, Luật Thanh niên năm 2005) và quy định trách nhiệm của nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên (Điều 4, Luật Thanh niên năm 2005) và quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với thanh niên (Điều 8, Luật Thanh niên năm 2005) đảm bảo phù hợp hơn.