Những người trẻ gieo niềm thương nhớ...

Với tình yêu Hà Nội nồng nàn, bằng những việc làm thiết thực, thế hệ trẻ Thủ đô đang lan tỏa tình yêu ấy đến với bạn bè khắp muôn phương.
Khi những bạn trẻ khá, giỏi chọn “làm thợ”
Góp sức trẻ vì một Hà Nội trầm lắng, nên thơ

Với tình yêu Hà Nội nồng nàn, bằng những việc làm thiết thực, thế hệ trẻ Thủ đô đang lan tỏa tình yêu ấy đến với bạn bè khắp muôn phương. Những người trẻ ấy khiến Hà Nội nên thơ, đáng yêu hơn bất cứ nơi nào.

aê

Không gian phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) sôi động, trẻ trung nhưng vẫn có một góc lắng đọng với những sản phẩm tò hè truyền thống. Ở đó, nghệ nhân trẻ Đặng Văn Tiên (làng nghề tò he Xuân La, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) luôn miệt mài mang đồ nghề, bột nặn đến trực tiếp biểu diễn nặn tò he.

Vừa nhanh tay vê bột anh Tiên vừa giới thiệu về làng nghề. Chỉ trong ít phút một anh đã tạo ra bông hoa hồng xinh xắn với màu hồng phấn quyến rũ. Thời gian nhanh quá, cách đây 20 năm, anh còn lẽo đẽo theo ông ngoại học nghề rồi bập bõm những bước đi đầu tiên đến các lễ hội, hội chợ nặn và bán tò he. Thế mà…

Góp sức trẻ vì một Hà Nội trầm lắng, nên thơ

Dịp lễ hội từ tháng giêng đến tháng ba, Tết thiếu nhi 1/6 hay Trung thu, Tiên "chạy sô" không hết việc. Nền kinh tế mở cửa, hàng Trung Quốc ùa vào đẩy những sản phầm truyền thống như nặn tò he vào thế khó. Thế nhưng anh và nhiều nghệ nhân khác vẫn bám và sống với nghề nặn tò he.

"Mình phải nắm bắt được xu hướng các em nhỏ thích mặt hàng gì, tìm tòi sáng tạo ra những sản phẩm mới. Vì thế, có khi mình nặn siêu nhân, người nhện, lúc thức thời với các nhân vật trong truyện tranh hay phim hoạt hình như: Songoku, Naruto, Elsa" – anh Tiên bật mí.

Anh Tiên và gần chục nghệ nhân tò he khác được bố trí ngồi tại các địa điểm phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm như đang làm sống lại làng nghề dân gian. Trước đây, con tò he được làm bằng bột gạo nếp nên trẻ con rất thích. Chúng vừa chơi tò he vừa được ăn. Điều anh trăn trở, mỗi ngày một nghệ nhân khéo tay có thể nặn từ 100-150 con tò he nhưng nếu bán không hết thì chỉ sau 2-3 ngày, bột nếp bị mốc, đành phải vứt đi. Điều này vừa tốn công sức của nghệ nhân vừa lãng phí.

aê

Nghệ thuật nặn tò he là một nét văn hóa cổ truyền đặc sắc tại Thủ đô

Anh quyết tâm nghiên cứu, tìm tòi ra loại bột mới thay thế nguyên liệu truyền thống nhưng chẳng hề dễ dàng. Hành trình tìm ra loại bột mới của anh Tiên kéo dài hơn ba năm nhưng anh không hề bỏ cuộc. Trong quá trình làm việc anh luôn suy nghĩ và quan sát thế giới xung quanh. Điều đó đã giúp anh đã chế tạo được loại bột cao cấp khiến các chú tò he có thể để được từ một đến hai năm. Loại bột này cũng có thể nặn ra loại hoa, con vật có kích thước lớn.

Với ưu điểm giữ được lâu ngày, những chú tò he đã theo chân không ít bạn bè quốc tế ra thế giới. Vì thế, nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam được nhiều người biết tới. Khi tới Hà Nội họ cũng quên ghé thăm nơi những nghệ nhân trẻ tạo ra các chú tò he.

aê

Cùng trên phố đi bộ Hồ Gươm vào tối thứ bảy, Chủ nhật hàng tuần, khu vực trước Tượng đài Vua Lê lại trở thành điểm hẹn lý tưởng của những người yêu âm nhạc dân gian. Ở đó, không chỉ các nghệ sĩ trong nhóm Xẩm Hà thành mà cả khán giả cùng hòa vào niềm đam mê âm nhạc, giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống.

Chiếu xẩm Hà thành sáng đèn biểu dường như đã mang lại cho phố đi bộ Hồ Gươm nét khác biệt chẳng nơi nào có được. Âm thanh của những ca khúc “Công cha ngãi mẹ sinh thành”, “Bốn mùa hoa Hà Nội”, “Cái trống cơm”… cùng tiếng đàn bầu, đàn nhị dìu dặt níu giữ người nghe. Vì thế không chỉ những người lớn tuổi mà rất đông bạn trẻ nếu đến phố đi bộ vào những tối cuối tuần đều không quên ghé vào để được thưởng thức nghệ thuật dân tộc độc đáo này.

Đã nhiều năm, nhóm Xẩm Hà thành biểu diễn trên phố đi bộ Hồ Gươm. Trước đây chỉ có vài người trong ê - kíp chính thì nay có lượng cộng tác viên đông đảo là những nghệ sĩ trẻ tham gia biểu diễn với khát khao đưa nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với khán giả. Vì thế, những năm qua, nhóm Xẩm Hà thành nỗ lực thổi làn gió mới vào thể loại âm nhạc dân gian, từ chứng khoán, giao thông đến chuyện ở quán trà đá vỉa hè đều trở thành đề tài để nhóm ứng tác nên những tác phẩm mới.

aê

Đặc biệt, các nghệ sĩ đã đưa xẩm trở về không gian diễn xướng truyền thống của loại hình nghệ thuật này, đó là trên đường phố. Bên cạnh hát xẩm, sân khấu âm nhạc truyền thống trên phố đi bộ Hồ Gươm cũng được các nghệ sĩ giới thiệu đa dạng các "đặc sản" cha ông ta đã trao truyền: hát văn, chèo, ca Huế, quan họ, dân ca, độc tấu và hoà tấu nhạc cụ cổ truyền...

Theo anh Phạm Đình Dũng (thành viên nhóm Xẩm Hà thành) tất cả những nỗ lực đó của nhóm nhằm mở rộng đối tượng khán giả, giúp cho các bạn trẻ nghe xẩm nói riêng, âm nhạc truyền thống nói chung nhiều hơn.

“Ngày xưa các cụ hát rất dí dỏm, đề tài trong các tác phẩm cũng gần gũi với người dân. Ngày nay, chúng tôi đan xen những yếu tố mới nhưng vẫn giữ nét truyền thống. Nhạc xẩm ngày nay tiết tấu nhanh, chủ đề thời sự hơn để truyền tải các thông điệp về: an toàn giao thông, ơn nghĩa sinh thành…”, anh Dũng chia sẻ.

aê

Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách là niềm tự hào của người dân huyện Quốc Oai (Hà Nội). Giờ đây, đến với chùa Thầy du khách có thêm nhiều trải nghiệm mới lạ nhờ sự chủ động, sáng tạo của người trẻ.

Với việc “Số hóa tổng quan di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách”, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh quét mã QR, du khách sẽ có đầy đủ thông tin về di tích với hình ảnh 360 độ, video quay toàn cảnh, cận cảnh các điểm thuộc di tích.

Đặc biệt khi ứng dụng công nghệ quan sát thực tế ảo, du khách sẽ có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu thông tin, tra cứu dựa vào tính năng chỉ đường. Nhờ những ưu điểm nổi trội này, công trình được ví như cuốn “cẩm nang du lịch số”.

aê

Theo anh Nguyễn Văn Đồng, Bí thư Huyện đoàn Quốc Oai, để công trình thực sự hiệu quả, Huyện đoàn Quốc Oai và Phòng văn hoá thông tin huyện đã rà soát các địa điểm trong khu vực chùa Thầy, đặt 3 biển công trình để thuận tiện cho du khách thập phương và Nhân dân trong quá trình truy cập tour thăm quan ảo. Huyện đoàn cũng đẩy mạnh giới thiệu mã QR code trên các trang fanpage, hội nhóm..... của tổ chức Đoàn, Hội, Đội để giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên đồng thời tuyên truyền, quảng bá di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy.

Khi đến tham quan di tích chùa Thầy và trải nghiệm công trình anh Nguyễn Huy Cường (Long Biên, Hà Nội) đã rất bất ngờ. Anh Cường cho biết: “Với việc ứng dụng công nghệ mới nhất VR 360 (thực tế ảo) trong việc mã hóa địa chỉ đỏ, toàn bộ di tích sẽ đc giới thiệu một cách chân thực, sắc nét bằng video toàn cảnh, cận cảnh, hình ảnh đa chiều, lời thoại được thực hiện tự động bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Du khách có cảm giác như đang trải nghiệm thực tế, dễ dàng tìm hiểu, tra cứu thông tin dựa vào tính năng chỉ đường.

Cùng với Quốc Oai, tuổi trẻ quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng sớm vào cuộc thực hiện số hóa các di tích. Sau thời gian gấp rút triển khai, cùng sự hỗ trợ, đánh giá của các phòng, ban công trình thanh niên “Mã hoá dữ liệu địa chỉ đỏ” được Quận đoàn Hoàng Mai hoàn thành tại 5 địa điểm gồm: Khu tưởng niệm liệt sĩ Hoàng Văn Thụ (phường Tương Mai); Nhà lưu nhiệm anh hùng Đặng Trần Đức (phường Thanh Trì); Bia chiến thắng B52 (phường Định Công); Đình Khuyến Lương (phường Trần Phú); Đình Trung Lập (phường Lĩnh Nam).

aê

Ấn tượng sâu sắc với chương trình "Đêm Thiêng liêng 1: Sáng ngời tinh thần Việt", bạn trẻ Nguyễn Mai Anh (Hà Đông, Hà Nội) quyết tâm đăng ký để được trải nghiệm các phân còn lại của tour du lịch "Đêm thiêng liêng" tại di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò.

Tour du lịch đặc biệt này được xây dựng từ những câu chuyện ý nghĩa và tái hiện lại những khoảnh khắc lịch sử đắt giá tại chính "địa ngục trần gian" với ba phần:

"Đêm Thiêng liêng 1: "Sáng ngời tinh thần Việt" tái hiện không gian, đời sống các tù nhân tại nhà tù Hỏa Lò, đưa khách tham quan quay lại quá khứ để tri ân nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

"Đêm Thiêng liêng 2: "Sống như những đóa hoa" là câu chuyện về những người phụ nữ yêu nước, các nữ chiến sỹ cách mạng bị bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò trong giai đoạn từ năm 1930 đến năm 1954. Chương trình đã tái hiện hình ảnh những người phụ nữ yêu nước âm thầm nuốt nước mắt khi tiễn chồng con ra trận; lại sẵn sàng cầm vũ khí chiến đấu khi Tổ quốc cần.

"Đêm thiêng liêng" 3: "Lửa thanh xuân" ra mắt từ 14/2, kết hợp giữa tham quan di tích với nhiều hoạt cảnh tái hiện chân thực: Hoạt cảnh về đồng chí Nguyễn Hoàng Tôn hiên ngang đón nhận cái chết bởi máy chém trước cổng chính Nhà tù Hoả Lò, năm 1931; Cuộc đấu tranh tuyệt thực năm 1933; Cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ…

Góp sức trẻ vì một Hà Nội trầm lắng, nên thơ

"Không đơn thuần là một sản phẩm du lịch, "Đêm Thiêng liêng" đưa người xem trở lại những năm tháng hào hùng của dân tộc. Những người trẻ như mình sinh ra trong hòa bình hay những du khách đến với Hà Nội đã có những trải nghiệm thực sự ấn tượng. Bất cứ ai khi rời Nhà tù Hỏa Lò đều có cảm xúc vô cùng tự hào”, Mai Anh chia sẻ.

Không chỉ Mai Anh rất nhiều bạn trẻ, du khách tìm đến Nhà tù Hỏa Lò để trải nghiệm “Đêm thiêng liêng”. Nguyễn Kim Tùng, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội là một trong số đó. Tùng cho biết: “Mình nhớ như in từng chi tiết trong phần 3 của “Đêm thiêng liêng” tái hiện lại cuộc gặp gỡ cuối cùng của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và mẹ.

Mình và nhiều bạn trẻ đã lặng đi vì xúc động, thậm chí không cầm được nước mắt. "May quá! May là tour đêm nên chắc không ai thấy mình lén lau nước mắt. Chắc không ai biết mình sụt sịt vì khóc. Cảm ơn tất cả vì chuyến hành trình văn hoá đặc biệt mà mình được trải nghiệm…".

Tùng cho biết thêm, việc tự làm mới mình đã giúp di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò ngày càng thu hút nhiều du khách, nhất là các bạn trẻ, thậm chí cả khách quốc tế. Lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam luôn khiến cả thế giới ngưỡng mộ. Rất nhiều bạn bè quốc tế đặt câu hỏi điều gì mà một đất nước nhỏ bé lị có thể thắng những đế quốc to lớn? Họ đến đây trải nghiệm để có câu trả lời và hiểu hơn về lịch sử dân tộc, thêm yêu mảnh đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến.

aê

Góp sức trẻ vì một Hà Nội trầm lắng, nên thơ

aê

Bài viết: Phương Thanh

Biên tập nội dung: Anh Vũ

Trình bày: Thành Trung

Bài viết liên quan:

Bài 1: Dù đi 5 châu, 4 bể vẫn thích đến Thủ đô

Bài 2: Hà Nội, muôn vàn lý do để yêu

Bài 3: Cầu nối từ những "đại sứ" trẻ tuổi

Phương Thanh - Anh Vũ
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động