Những điều cần biết về Lễ hội Khai ấn đền Trần 2019
Nguồn gốc Lễ hội Khai ấn đền Trần
Lễ Khai ấn trước hết là một tập tục văn hóa có từ thế kỷ XIII, chính xác là vào năm 1239 của triều đại nhà Trần thực hiện nghi lễ tế tiên tổ. Tại phủ Thiên Trường, vua Trần Nhân Tông, sau khi chiến thắng giặc Nguyên Mông cho mở tiệc mừng suốt ba ngày liền gọi là “Thái bình diên yến”.
Trần Quang Khải đã sáng tác điệu múa mừng chiến thắng mang tên múa “Bài bông”. Vũ công là những cô gái xinh đẹp mặc quần áo dân tộc, mỗi người đặt một chiếc đòn gánh ngắn trên vai, hai đầu quẩy hai chiếc giỏ xếp đầy hoa hoặc hai chiếc đèn lồng bằng giấy. Người múa cầm chiếc quạt phụ hoạ. Múa “bài bông” chia thành bát dật, lục dật, tứ dật đến thời Nguyễn đã thành quy củ. Đến nay phường Phương Bông, ngoại thành Nam Định vẫn hình thành đội múa có trình độ điêu luyện. Còn hát văn có người cho rằng bắt nguồn từ một lối hát chầu thời Trần được phổ biến và hoàn chỉnh ở thời Lê Mạt.
Những năm kháng chiến chống Nguyên - Mông sau đó, Lễ Khai ấn bị gián đoạn cho tới năm 1262 được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Trải bao thế kỷ, ấn cũ không còn. Năm 1822, vua Minh Mạng cho khắc lại ấn. Ấn cũ khắc là "Trần triều chi bảo", ấn mới khắc là "Trần triều tự điển" để nhắc lại phong tục tốt đẹp cũ. Dưới đó có thêm câu "Tích phúc vô cương".
Và từ đây, Lễ Khai ấn trở thành một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc. Tương truyền các vua Trần nghỉ tết âm lịch hàng năm đến rằm tháng Giêng thì Khai ấn trở lại quốc sự.
Rước kiệu ấn trong lễ khai ấn đền Trần (Nam Định). Ảnh: TTXVN
Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2019
Lễ hội đền Trần (Nam Định) năm nay sẽ diễn ra từ ngày 15/2/2019 đến 20/2/2019, tức ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch. Thời gian quản lý lễ hội từ ngày 5/2 đến 20/3/2019, tức ngày 1 đến 29 tháng Giêng âm lịch.
Cụ thể, vào sáng ngày 11 tháng Giêng âm lịch, tại đền Trần sẽ tổ chức lễ rước kiệu Ngọc Lộ. Đây là nghi lễ rước kiệu đặt bát hương thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Phổ Minh sang đền Thiên Trường. Nghi thức này của Vương triều Trần đã bị mai một từ rất lâu, mới được phục dựng vào năm 2015. Qua ngày 12 tháng Giêng, ban tổ chức sẽ làm lễ rước nước, tế cá.
Tối ngày 14, bắt đầu nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường,... sau đó khách thập phương vào đền tế lễ, xin lá ấn với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài. Sáng sớm 15, lễ phát ấn sẽ diễn ra.
Theo BTC, năm nay thời gian tổ chức lễ hội đền Trần dù không rơi vào ngày nghỉ cuối tuần nhưng lượng khách được dự báo vẫn khá lớn. Vì vậy, BTC vẫn sẽ lên phương án cụ thể để đảm bảo lễ hội thành công tốt đẹp.
Đền Trần là nơi thờ phụng 14 vị vua nhà Trần cùng gia quyến và các quan lại có công phù tá. Nơi đây còn nổi tiếng với Lễ khai ấn đầu xuân và Hội đền tháng 8, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự, tri ân công đức các vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.