Các quyết sách phải sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn
Khẩn trương gỡ các "điểm nghẽn", "nút thắt" về pháp luật |
Nền tảng tạo đà cho nền kinh tế bứt phá
Sau 20 ngày làm việc, đợt 1 của kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV (diễn ra từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11) đã kết thúc và hoàn thành các nội dung theo chương trình đề ra.
Kết thúc đợt 1, Quốc hội đã bầu Chủ tịch nước, kiện toàn các chức danh đặc biệt; xem xét nhiều nội dung quan trọng như thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030 và nhiều nội dung quan trọng được đại biểu, cử tri và Nhân dân đánh giá cao.
Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025 với tỷ lệ tán thành cao.
Theo đánh giá của đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An), việc Quốc hội nhất trí cao thông qua các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An). |
Theo bà Dung, 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Trong đó, chỉ tiêu đặt ra của năm 2025 là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%...
"Với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, quyết liệt đã đề ra, kết quả đạt được của năm 2024 sẽ là nền tảng quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá trong năm 2025", bà Dung chia sẻ.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đánh giá, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều biến động, điều này thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và phát triển, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025.
Đáng chú ý, tại các phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách Trung ương vào năm 2025; công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được các đại biểu Quốc hội tập trung phân tích sâu sắc, khoa học, tâm huyết, thẳng thắng.
Những tồn tại, khó khăn, bất cập được các đại biểu chỉ ra trong các báo cáo cũng như từ thực tiễn triển khai ở các địa phương, từ đó có kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt hơn các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 và ban hành các chính sách điều hành kịp thời.
Nhóm vấn đề chất vấn rất sát, rất nóng
Đặc biệt, điểm nhấn trong đợt 1 là phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 2 ngày (11/11 - 12/11) với 3 nhóm vấn đề được chọn là những vấn đề rất sát, nóng được cử tri, xã hội đặc biệt quan tâm như quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay, trong đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ vừa qua; tình hình về thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe người dân…
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. |
Các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, trọng tâm, thẳng thắn. Điều này thể hiện đại biểu đã rất tích cực nghiên cứu các báo cáo, nắm chắc tình hình và hết sức trách nhiệm với tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri, các phát biểu tranh luận của đại biểu đã làm cho phiên chất vấn thêm sinh động, dân chủ, sâu sát đến cùng vấn đề mình quan tâm.
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đặc biệt là 3 "tư lệnh" ngành Y tế, Thông tin - Thuyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự nắm chắc, vững, toàn diện nhiệm vụ trên quản lý ngành, lĩnh vực mình phụ trách...; giải trình nghiêm túc, làm rõ nhiều vấn đề và cũng đề ra giải pháp để khắc phục, đặc biệt rất cầu thị nhìn nhận trách nhiệm, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu; quyết tâm tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các giải pháp, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực ngành.
Cùng với đó, dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã không né tránh, đi thẳng vào nội dung trọng tâm cần trả lời chất vấn.
"Mong rằng, các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ giữ lời hứa, thực hiện theo đúng tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay” như Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị, nhằm thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra", đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chia sẻ.
Tương tự, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra rất sôi nổi, khoa học, linh hoạt, tạo không khí cởi mở giữa các "tư lệnh" ngành với các đại biểu Quốc hội.
"Các đồng chí trả lời chất vấn đều rõ ràng, ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung. Nhiều giải pháp, lời hứa được đưa ra nhằm tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong thực tiễn, những nội dung được cử tri và Nhân dân gửi gắm", bà Ngọc chia sẻ.
Ngoài ra, các tài liệu của đợt họp lần này nhìn chung được gửi sớm hơn trước để các đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu sâu, đóng góp ý kiến chất lượng hơn. Với tinh thần này, đại biểu Châu Quỳnh Dao (đoàn Kiên Giang) kỳ vọng, đợt họp sau sẽ thành công hơn nữa.
"Khi đó các quyết sách sẽ được ban hành kịp thời, sát thực tiễn tạo động lực để cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững", bà Giao chia sẻ.