Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công ông Táo

Đồ cúng lễ 23 tháng Chạp năm nay rất phong phú, giá cả không có sự đột biến.
"Mục sở thị" chợ cá lớn nhất Hà Nội trước ngày tiễn ông Công ông Táo về trời Giải nghĩa các lễ vật dùng để cúng ông Công ông Táo

Giá cả ít biến động

Ngày 23 tháng Chạp tiễn Táo Quân về trời, nhà nhà người người đều mong mâm cỗ, vật phẩm và “xe” dành tặng các vị thần Bếp được chu toàn nhằm cầu mong một năm mới bình an, ấm no hạnh phúc. Năm nay, thị trường cá chép vàng có tín hiệu vui. Tiểu thương tại các khu chợ dân sinh như Nhân Chính, Cống Vị, Xuân Thủy,... cho biết, cá chép vàng được mùa, số lượng sinh sản nhiều với mẫu mã đẹp, khỏe mạnh nên giá nhập cá giảm đi nhưng chất lượng cá lại tốt hơn năm trước nhiều. Chị Trần Huyền – chủ một ki ốt hải sản tại chợ Cống Vị - cho biết: “Năm ngoái, ba con cá chép vàng cỡ nhỏ có giá bán lẻ từ 40-50k thì năm nay bằng giá đó, khách hàng có thể mua được ba con cá to hơn, đẹp hơn. Đồng thời chủ hàng như tôi cũng “dễ thở” hơn, bớt bị khách hàng chê giá quá đắt”.

Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công ông Táo
Cá chép vàng năm nay to hơn mà chỉ bằng giá cá chép vàng nhỏ năm ngoái

Khoảng 3-4 ngày trước, thị trường cá chép vàng đã bắt đầu nở rộ không chỉ tại các khu chợ dân sinh, chợ cây cảnh mà còn cả thị trường online trên các nền tảng mạng xã hội. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, giá cả online hay offline đều không chênh lệch nhau nhiều, đa phần các chủ hàng cá chép đều đưa ra giá hợp lý, có tính cạnh tranh trong thời gian cao điểm.

Giá bán cá chép vàng cỡ nhỏ dao động từ 15.000 đồng - 25.000 đồng/3 con tùy vào mã cá đẹp hay mức trung bình. Cá chép vàng cỡ nhỡ (dài vừa lòng bàn tay người lớn) có giá từ 35.000 đồng đến 60.000 đồng một bộ cá ba con. Giá bán lẻ một con cá chép vàng sẽ phụ thuộc vào tiểu thương điều chỉnh nhưng cũng ở mức 7.000 đồng đến 10.000 đồng một con tùy kích thước. Cá lớn sẽ có giá từ 70.000 đồng đến 95.000 đồng một con.

Các tiểu thương cho biết, nếu chọn cá lớn, khách hàng thường chỉ mua một con nên tùy người bán sẽ đưa ra mức giá phù hợp, hấp dẫn khách hàng nếu khách có nhu cầu mua. Nhưng thường kích thước cá chép vàng ở cỡ trung bình hoặc nhỏ sẽ cho ra màu sắc đậm, đều đẹp nhất. Cá chép vàng lớn sẽ có màu ánh kim nhạt hơn và đôi khi không đều màu nên ít được ưa chuộng cho dịp 23 tháng Chạp.

Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công ông Táo
Chị Trần Huyền (bên trái) cho biết, cá đẹp và giá cả hợp lý nên khách hàng có phần "nhẹ nhõm" hơn khi mua sắm

Phóng viên đã ghi nhận tại chợ Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội), tình hình giao thông trên đường Vũ Trọng Phụng trở nên tấp nập từ 6h sáng. Các cửa hàng, tiểu thương bày bán dọc trên phố tới chợ. Hàng hóa phổ biến trong ngày hôm nay là hoa quả tươi, vàng mã và xôi, gà, giò,.. Cá chép đỏ, vàng là mặt hàng bán rất chạy trong ngày hôm nay. Cá từ các làng nghề, trang trại chăn nuôi được các tiểu thương đặt hàng từ 1-2 tháng trước tết để chuẩn bị nguồn cung sẵn sàng cho ngày lễ.

Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công ông Táo
Từ sáng sớm, chợ Nhân Chính (Thanh Xuân) đã rất tấp nập

Không chỉ cá chép vàng, thị trường đồ hàng mã những ngày giáp Tết cũng trở nên bận rộn tấp nập. Theo phản ánh của một số gia đình có truyền thống làm hàng mã và các tiểu thương buôn bán mặt hàng này, năm nay do giá cả thị trường nguyên liệu đầu vào biến động nên giá đồ mã có “nhỉnh” hơn so với năm trước. Cụ thể, một bộ đồ mã ông Công, ông Táo truyền thống những năm trước có giá từ 55.000 đồng đến 140.000 đồng tùy vào mẫu mã. Nhưng năm nay giá thị trường chung của mặt hàng này tăng lên từ 65.000 đồng đến 165.000 đồng một bộ.

Bà Lê Xuân Thảo (tiểu thương tại chợ Nhân Chính) cho biết: “Giá cả tăng nên khách hàng thường lựa chọn bộ mũ áo Táo Quân tầm trung chứ không “chịu khó” đầu tư hơn vào những bộ đẹp như thời gian trước. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm cần thiết cho dịp 23 tháng Chạp nên tình hình buôn bán cũng không khó khăn. Những tiểu thương như tôi tại chợ Nhân Chính cũng đã lường trước được xu hướng thị trường nên đã chuẩn bị các sản phẩm hàng mã giá trung bình, mẫu mã đẹp vừa phải, chắc chắn chứ không nhập quá nhiều những loại hàng quá đẹp, chất lượng cao do sợ không tiêu thụ kịp”.

Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công ông Táo
Năm nay, khách hàng có xu hướng lựa chọn những loại sản phẩm hàng mã tầm trung với giá vừa phải, không yêu cầu quá xuất sắc mà chỉ cần đạt đủ tiêu chuẩn, mẫu mã chắc chắn.

Đồ cúng sẵn lên ngôi

Song song cùng với thị trường cá chép, hàng mã là các loại hoa, thực phẩm như xôi, gà, quả các loại... cũng ở tình trạng “sốt” hàng ở thời điểm này. Người dân đang dần có xu hướng mua sẵn các vật phẩm phục vụ cúng, lễ thay vì tự tay chuẩn bị từng khâu tại nhà như trước.

Chị Đỗ Thị Hoa (tiểu thương chợ Ngọc Hà) cho biết: “Mỗi năm sức mua của người dân lại càng tăng đối với các mặt hàng như gà luộc ngậm hoa, xôi ép khuôn, giò chả,... Một phần vì lịch trình bận rộn không có thời gian chuẩn bị, một phần nữa là tâm lý khách hàng ngày nay rất ngại “bày vẽ”. Họ chuộng những món hàng tiện lợi, có thể sử dụng ngay mà không cần sơ chế, nấu nướng. Tuy nhiên, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng của sản phẩm được những người nấu đảm bảo để không bị “mất khách”. Chỉ cần sản phẩm đẹp, chất lượng thực phẩm tươi ngon, giá cả ổn định thì những vị khách này luôn quay trở lại tìm đến chúng tôi mỗi khi cần”.

Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công ông Táo
Xôi, gà, bánh chưng, giò là mặt hàng "đắt khách" mùa Tết

Những sản phẩm như gà luộc ngậm hoa hồng, xôi gấc, bánh chưng,... tuy có giá cao hơn so với tự chuẩn bị ở nhà nhưng vẫn được người dân ưa chuộng. Chị Lê Hồng Minh (Thanh Xuân) chia sẻ: “Mình có thể mua một con gà ta giá từ 110.000 đồng đến 120.000 đồng nhưng khi về phải làm sạch, chế biến rồi quan trọng nhất là bước tạo dáng cho gà ngậm hoa thật đẹp. Thay vì chọn cách “vất vả”, mình nghĩ việc bỏ ra từ 180.000 đồng đến 400.000 đồng tùy hầu bao để mua về một con gà đã trang trí sẵn, hợp vệ sinh, sẵn sàng bày lên mâm lễ là rất hợp lý. Tương tự như xôi, giò chả cắt hoa sẵn cũng vậy”.

Trong ngày tiễn ông Công ông Táo về trời, mỗi gia đình đều cần chuẩn bị một bàn ăn mặn và hương hoa để dâng cúng. Đáp ứng nhu cầu này, nhiều nhà hàng và cá nhân cung cấp dịch vụ lễ cúng Táo quân trọn gói, kèm theo hàng mã, cá vàng, trầu cau, đồ cúng chay và mặn, với giá dao động từ 1-1,3 triệu đồng/mâm, phụ thuộc vào sự lựa chọn của khách hàng.

Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công ông Táo
Giá cả thị trường hoa đang tăng đôi chút

Hoa tươi cũng đang trở thành một trong những mặt hàng được ưa chuộng, tuy nhiên, do thời tiết lạnh giá, nhu cầu mua sắm tăng cao, dẫn đến việc giá bán của loại sản phẩm này đã tăng lên gấp đôi so với bình thường. Hiện nay, giá của các loại hoa như hoa cúc, hoa hồng nằm trong khoảng 8.000 - 15.000 đồng/bông, hoa ly có giá 15.000 đồng/cành, và cành đào có mức giá từ 50.000 - 200.000 đồng/cành.

Giá của những sản phẩm trái cây như bưởi Diễn là 20.000 - 35.000 đồng/quả, quýt Sài Gòn 35.000 - 40.000 đồng/kg, cam canh có giá từ 40.000 - 50.000 đồng/kg,...Đặc biệt, giá của phật thủ đã tăng đáng kể so với ngày thường với giá 30.000 - 80.000 đồng/quả. Giá của trầu, cau tươi tăng mạnh, từ 15.000 - 18.000 đồng/lễ.

Nhộn nhịp không khí mua sắm ngày ông Công ông Táo
Một bà nội trợ bên chiếc xe đã đầy đủ vật phẩm dâng lễ Táo Quân

Có thể thấy, thị trường cận Tết dịp ông Công, ông Táo năm 2024 đã trải qua biến động. Sau một năm khó khăn của nền kinh tế chung, nhiều mặt hàng, sản phẩm phải điều chỉnh giá cả nhằm cân bằng thu nhập của cả người bán và người mua. Nhưng điều đó vẫn không làm ảnh hưởng đến sức mua của người dân cho dịp Xuân Giáp Thìn sắp tới. Các khách hàng đang có nhiều nguồn cung đa dạng từ mẫu mã, chất lượng... để đưa ra lựa chọn mua sắm phù hợp với mức chi tiêu của mỗi gia đình.

Tùng Linh
Phiên bản di động