Nhiều vướng mắc về cơ chế đang là rào cản giải ngân đầu tư công
Thủ tướng phê bình 33 bộ, cơ quan và 28 địa phương chậm giải ngân đầu tư công Thủ tướng: Làm rõ tại sao nơi làm tốt, nơi làm chưa tốt về đầu tư công |
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách Nhà nước ước thực hiện từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng giao, cùng kỳ năm 2023 đạt 35,49% tổng kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng giao.
Theo đó, lũy kế thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 188.406,3 tỷ đồng, đạt 26,15% kế hoạch (720.377,8 tỷ đồng), đạt 28,15% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 4.490,22 tỷ đồng (đạt 73,28% kế hoạch Thủ tướng giao), chương trình mục tiêu quốc gia là 8.638,3 tỷ đồng, đạt 31,74% kế hoạch.
Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 là 232.091,4 tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 35,49% tổng kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng giao). Trong đó, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội là 4.685,13 tỷ đồng (đạt 76,46 kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), chương trình mục tiêu quốc gia là 11.840,8 tỷ đồng, đạt 43,50% kế hoạch.
Đến hết tháng 7 tháng đầu năm 2024, có 11/44 bộ, cơ quan trung ương và 38/63 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân đạt trên mức bình quân chung của cả nước. Tuy nhiên, có 33/44 bộ, cơ quan Trung ương và 25/63 địa phương giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước.
Ảnh minh họa. |
Trong báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ Tài chính cho biết, các vướng mắc, khó khăn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân các dự án của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã báo cáo tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 16/7/2024 với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước về đánh giá tình hình kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm và triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư 6 tháng cuối năm 2024.
Theo đó, chủ yếu là các vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách (Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu...); nhiều bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết cho các dự án nên không thể giải ngân; các dự án trọng điểm giao thông gặp vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA...
Do đó, để thực hiện mục tiêu giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ ngày 16/7/2024 về giải ngân vốn đầu tư công và khẩn trương triển khai các giải pháp cụ thể thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024.
Đồng thời, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2024 giữa các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương ngay sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết điều chỉnh.
Cùng đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương có ý kiến về việc giao cho các đơn vị không trực thuộc làm chủ đầu tư tại một số Bộ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã có thông báo và hướng dẫn việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Trung ương năm 2023 sang năm 2024, đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tập trung khẩn trương giải ngân nguồn vốn được phép kéo dài.
Bộ Tài chính cũng đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát các bất cập, vướng mắc trong các quy định pháp luật (Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán,...) để các bộ, ngành chủ trì, soạn thảo tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành một luật sửa đổi, bổ sung một số luật giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.