Nhiều tiến bộ mới trong chẩn đoán và quản lý bệnh lý tiêu hoá và gan mật
Gần 100 nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia Hội thảo khoa học quốc tế KSE 2022 Bé trai 9 tháng tuổi bị xơ gan mật được ghép gan thành công 5 biến chứng nguy hiểm của trào ngược dạ dày thực quản |
Ngày 11/12, Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật phối hợp với Phòng khám Đa khoa Hoàng Long tổ chức Hội nghị khoa học chuyên đề:“Các tiến bộ mới trong quản lý và điều trị bệnh lý tiêu hoá và gan mật”. Hội nghị đã quy tụ nhiều chuyên gia trong lĩnh vực gan mật và tiêu hóa tại Việt Nam và trên thế giới như: GS.TS.BS Đào Văn Long - Chủ tịch hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hóa, Gan mật; PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng - Viện trưởng Viện nghiên cứu & Đào tạo tiêu hóa, gan mật; PGS.TS.Phạm Thị Thu Hồ, Tổng thư ký Hội khoa học Tiêu hoá Việt Nam - PGS.TS. Vũ Văn Khiên; GS. Robert Gish - Trường Đại học Y khoa thuộc Đại học Nevada, Las Vegas, PGS.TS; Đào Y Doãn - Đại học Johns Hopkins, PGS.TS.BS. Lê Thị Thanh Thuỷ - Bệnh viện thành phố Osaka, trường Đại học Osaka Nhật Bản.
Các chuyên gia lĩnh vực gan mật và tiêu hóa cập nhật tiến bộ kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị |
Tại đây, các chuyên gia đã trình bày báo cáo về những tiến bộ mới trong chẩn đoán và quản lý bệnh lý tiêu hoá và gan mật như: Tiềm năng ứng dụng các xét nghiệm gen trong thực hành lâm sàng ung thư tiêu hoá; gan mật; Vai trò của trí tuệ nhân tạo trong phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm đại tràng. Đây đều là những chủ đề mới, mang tính ứng dụng cao trên thế giới và tại Việt Nam trong những năm tới, hứa hẹn sẽ giúp kết nối giữa các chuyên gia trong và ngoài nước.
Cũng tại đây, vấn đề ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi tiêu hóa đã được các chuyên gia lĩnh vực tiêu hóa và gan mật cập nhật. Theo PGS.TS.BS. Đào Việt Hằng - Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi không chỉ phù hợp với xu thế chuyển đổi số, sử dụng công nghệ y tế 4.0 hiện nay mà còn là hướng đi cần thiết bởi những lợi ích to lớn như góp phần nâng cao tỷ lệ phát hiện, tránh bỏ sót tổn thương cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực y tế còn đang thiếu hụt. Theo một nghiên cứu dọc trong 10 năm, mỗi 1% tăng được tỉ lệ phát hiện u tuyến trong đại tràng sẽ giúp bệnh nhân giảm 3% tiến triển thành ung thư đại tràng.
Hội nghị quy tụ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế |
Vì vậy, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nội soi đường tiêu hóa là xu thế tất yếu và mang đến những kết quả đột phá trong lĩnh vực nội soi tiêu hóa. Các báo cáo đã cập nhật xu thế mới nhất trong ứng dụng AI ở lĩnh vực này từ tuần lễ tiêu hóa châu Âu (UEG 2022); các kết quả nghiên cứu đạt được trong thực tế tại Việt Nam khi sử dụng hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo của Fujifilm (CADEYE) cũng như các bước đã đạt được của dự án xây dựng thuật toán trí tuệ nhân tạo do nhóm các chuyên gia Việt Nam triển khai.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề cập đến ứng dụng app GERDCare trong tiếp cận quản lý bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Chỉ với những thao tác cài đặt ứng dụng GERDCare trên các nền tảng IOS và Android đơn giản, người bệnh có thể nhận được những thông tin hữu ích về bệnh, theo dõi triệu chứng, chế độ ăn uống sinh hoạt khoa học, nhắc lịch uống thuốc và đặc biệt là có thể tương tác trực tiếp với bác sĩ. Theo đó, người bệnh hoàn toàn có thể theo dõi, quản lý tình trạng bệnh của mình ngay trên ứng dụng một cách nhanh chóng, tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, cũng tại hội nghị lần này, chủ đề “Tiềm năng ứng dụng các xét nghiệm gen trong thực hành lâm sàng ung thư tiêu hoá gan mật” cũng được các chuyên gia phân tích, từ đó thấy được những bằng chứng khoa học cụ thể, tiềm năng phát triển thực tế trên thế giới cũng như tại Việt Nam.