Nhiều tài xế gọi điện nhờ vả khi vi phạm độ cồn

Khi bị phạt vì vi phạm nồng độ cồn, nhiều tài xế ở Hà Nội, Nghệ An gọi điện cho người thân, nhờ kết nối với cảnh sát "xin được bỏ qua". 
Tài xế nói bỏ xe khi bị phạt nồng độ cồn Quán nhậu vãn khách khi luật có hiệu lực ‘Mục sở thị’ vi phạm trong ngày đầu thực hiện Luật phòng chống tác hại của rượu, bia

Rạng sáng 4/1, nam tài xế 36 tuổi ở quận Hà Đông, Hà Nội, chạy tốc độ cao trên đường Nghiêm Xuân Yêm, quận Hoàng Mai. Khi bị tổ Y9/141 Công an TP Hà Nội ra hiệu lệnh dừng xe, tài xế tăng ga chạy thẳng khiến một cảnh sát phải nhảy lên vỉa hè.

Trung tá Phạm Tuấn Anh, Tổ trưởng Tổ Y9/141, cho biết khi bị cảnh sát chốt tiếp ở phía trước, tài xế xuống xe, chân đi không vững, hơi thở nồng nặc mùi rượu. Anh ta còn không chấp hành thổi vào máy đo nồng độ cồn mà rút điện thoại gọi cứu viện, liên tục xin bỏ qua vi phạm.

"Chúng tôi phải mất 3 giờ mới xử lý được. Nồng độ cồn trong khí thở của tài xế tới 1.191 mg/lít, cao gấp 3 lần nồng độ cồn có mức phạt cao nhất", Trung tá Tuấn Anh cho biết. Tổ công tác đã lập biên bản xử phạt tài xế 35 triệu đồng, tước bằng lái 23 tháng và tạm giữ xe 7 ngày.

Tại TP Vinh, Nghệ An, từ 19h30 ngày 4/1 gần 10 cảnh sát giao thông lập chốt tại đại lộ Lê Nin để kiểm tra nồng độ cồn ngẫu nhiên với tài xế ôtô. Không phải xuống xe nên trung bình mỗi tài xế khi dừng ngay tại làn chỉ mất chừng 20 giây kiểm tra.

nhieu tai xe goi dien nho va khi vi pham do con
Một tài xế ở TP Vinh, Nghệ An, thử nồng độ cồn. Ảnh: Nguyễn Hải.

Sau 3 giờ, hơn 100 tài xế được kiểm tra. Cảnh sát phát hiện 6 người vi phạm nồng độ cồn, trong đó người có nồng độ cao nhất là 0,359 mg/lít khí thở, thấp nhất 0,077 mg/lít khí thở. Những trường hợp này lập tức được yêu cầu rời xe, xuất trình các giấy tờ liên quan.

Theo ghi nhận, tất cả trường hợp khi bị phát hiện vi phạm đã tìm cách gọi điện cho người thân (có vai vế, quan hệ quen biết), nhờ kết nối với cảnh sát làm nhiệm vụ "xin được cho qua". Trong đó có nam tài xế cố tình thổi nhẹ vào máy đo nồng độ cồn khiến cảnh sát phải hướng dẫn nhiều lần.

Giới thiệu làm việc trong cơ quan nhà nước, nam tài xế phân trần: "Tối nay tôi tiếp đoàn khách ở Hà Nội nên có uống rượu và được xác định 0,228 mg/lít khí thở. Tôi biết mình đã vi phạm và mong được xem xét để giảm bớt, chứ mức phạt 17 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 17 tháng thì nặng quá".

Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát giao thông TP Vinh, tâm lý người vi phạm thường cố gắng kết nối với người thứ ba nhằm xin được bỏ qua, song phía cảnh sát kiên quyết lập biên bản tất cả trường hợp vi phạm, không có vùng cấm.

nhieu tai xe goi dien nho va khi vi pham do con
Tài xế (áo đen) soát lại nội dung vi phạm để ký vào biên bản. Ảnh: Nguyễn Hải.

Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng tuyên truyền phổ biến pháp luật, Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho biết, trong 3 ngày đầu áp dụng Nghị định 100/2019 (từ đêm mùng 1 đến ngày 4/1), cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử phạt 890 triệu đồng với 668 tài xế ôtô, xe máy. Trong đó phần lớn tài xế xe máy bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn, tài xế xe ôtô chiếm phần ít và chưa ghi nhận trường hợp nào đi xe đạp bị phạt.

Việc xử phạt nồng độ cồn với tài xế ôtô, xe máy được cảnh sát giao thông toàn quốc làm thường xuyên nên không gặp khó khăn. "Tuy nhiên, quá trình xử phạt, nhiều tài xế cố tình không chấp hành, viện nhiều lý do như không biết mức xử phạt mới để không bị kiểm tra nồng độ cồn. Việc này gây khó khăn, mất nhiều thời gian cho lực lượng thực thi", thượng tá Nhật nói.

Lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông cho biết, tất cả tài xế cố tình chống đối, để lại xe, không hợp tác với cảnh sát sẽ bị xử phạt ở mức cao nhất với hành vi vi phạm nồng độ cồn. Cụ thể, tài xế ôtô 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng; xe môtô 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Nguồn: VNE
vnexpress.net
Phiên bản di động