Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc
Khách quốc tế chuộng đến Việt Nam |
Ngày 11/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị gửi đi thông điệp quan trọng của Việt Nam với thế giới, với các nước quan tâm về bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người.
Tại Việt Nam, việc bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người được thực hiện thường xuyên, xuyên suốt, được khẳng định trong đường lối, chính sách, tổ chức thực hiện với tất cả trách nhiệm, không hình thức, với mục tiêu cuối cùng là hướng tới người dân với vai trò trung tâm, là chủ thể.
Thủ tướng nhấn mạnh, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống xã hội, giúp mọi người nâng cao nhận thức, hiểu biết về quyền con người; có ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân và tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; có ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội. Bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện của cả nước, cũng là vấn đề mang tính toàn cầu.
Về quyền con người và giáo dục quyền con người, Thủ tướng cho biết ngay từ năm 1948, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã có Tuyên ngôn Phổ quát về quyền con người. Từ đó đến nay, Liên Hợp Quốc đã thông qua 5 giai đoạn của giáo dục quyền con người; trong đó giai đoạn thứ 5 chính thức phát động trên toàn thế giới vào ngày hôm qua (10/12/2024).
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị toàn quốc về giáo dục quyền con người, ngày 11/12. |
Đối với Việt Nam, vấn đề quyền con người và giáo dục quyền con người là một trong những nội dung cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh, là quan điểm xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta. Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển, không hy sinh tiến bộ, công bằng và an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã xác định không có mục tiêu nào khác là mang lại độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc, ấm no cho nhân dân. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã khẳng định quyền bình đẳng, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Hiến pháp năm 2013 có 120 điều thì gồm 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: "không để một số điều luật trở thành điểm nghẽn cản trở thực hiện quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội".
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành, chỉ đạo triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, nghị quyết, kết luận về quyền con người và giáo dục quyền con người.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. |
Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, việc bảo đảm quyền con người, triển khai giáo dục về quyền con người tại Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực, khía cạnh, với nhiều kết quả nổi bật.
Trong đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Sau gần 40 năm đổi mới từ một nước bị tàn phá nặng nề sau nhiều cuộc chiến tranh, bị bao vây, cấm vận suốt 30 năm, Việt Nam trở thành quốc gia điển hình thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc, là hình mẫu về hàn gắn và khôi phục sau chiến tranh.
Tỷ lệ nghèo đa chiều theo chuẩn mới năm 2024 chỉ còn khoảng 1%. Theo Báo cáo Phát triển con người của UNDP, Chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam năm 2024 tăng 8 bậc so với kỳ trước, từ 115 lên vị trí 107/193 quốc gia.
"Nhân quyền lớn nhất của Việt Nam là làm sao để hơn 100 triệu người dân được sống trong tự do, ấm no và hạnh phúc, an ninh, an toàn, an dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp thiên tai, bão lũ được hỗ trợ; người nghèo được tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và thoát nghèo bền vững; bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội trên tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Mọi người dân đều được sống trong môi trường hòa bình với độc lập chủ quyền được giữ vững, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; mọi người dân đều được hưởng quyền tự do dân chủ, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, tự do sáng tạo và bình đẳng trước pháp luật.
Thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ những quan điểm, bảo vệ quyền con người và giáo dục quyền con người là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, mang tính bao trùm, toàn diện, của cả nước; bảo vệ, giáo dục quyền con người đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của người dân; giáo dục quyền con người là chương trình chính thức chứ không phải chương trình lồng ghép, đặt trong tổng thể hệ thống giáo dục Việt Nam, với tinh thần lấy học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực, nhà trường là nền tảng, thực hiện học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Theo Thủ tướng, quyền con người tại Việt Nam gồm các nội hàm quan trọng về quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền bình đẳng, cụ thể gồm: Thứ nhất, được sống vui, sống khỏe, sống an toàn, sống xanh; thứ hai, được tự do hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật để bảo vệ, phát huy tối đa lợi ích chính đáng của cá nhân mình và đóng góp lợi ích cho cộng đồng, cho xã hội; thứ ba, có cuộc sống ấm no hạnh phúc ngày càng tăng theo từng năm; thứ tư, bảo đảm bình đẳng, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đối với việc bảo đảm quyền con người nói chung, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm quyền con người.
Đồng thời thể chế hóa đầy đủ và thực hiện hiệu quả các nội dung về quyền con người đã được Hiến pháp năm 2013 quy định. Đưa nguyên tắc tiếp cận dựa trên quyền con người trở thành một yêu cầu và tiêu chí đánh giá bắt buộc trong các hoạt động xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật ở mọi cấp độ.
Cạnh đó là tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội theo hướng toàn diện, hiện đại, bao trùm, bền vững trên tinh thần lấy người dân là trung tâm, là chủ thể; thực hiện tốt chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, trợ giúp các đối tượng yếu thế...
Thủ tướng tin tưởng rằng với sự đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân ta, công tác bảo vệ quyền con người, giáo dục quyền con người ngày càng đạt kết quả tốt đẹp, góp phần hiện thực hóa khát vọng xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh và thịnh vượng của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.