Nhạc sĩ Phú Quang, NSND Lê Khanh xúc động khi nhớ về những tháng năm khốc liệt ở Hà Nội
Tối qua (9/10), chương trình “Hà Nội - Những năm tháng không quên” phát sóng trên VTV1 đã cho khán giả được thấy trọn vẹn những dấu mốc, quãng đường phát triển từ thời bao cấp cho tới hiện tại của Hà Nội sau ngày giải phóng thủ đô 10/10.
Hình ảnh các đoàn quân giải phóng tiến về tiếp quản Thủ đô trong ngày 10/10/1954 được tái hiện trong chương trình. |
Chương trình đã không chỉ bao quát về các chặng đường phát triển của Hà Nội từ năm 1954 đến thời điểm hiện tại mà thông qua những lời tự sự, chia sẻ của các khách mời, người xem như được sống lại không khí của thủ đô trong những năm tháng không thể nào quên ấy. Với những con dân của Thủ đô, những người đã được chứng kiến khoảnh khắc trong ngày lịch sử đó, không khí ngày 10/10/1954 vẫn như còn vẹn nguyên trong họ dù 65 năm đã trôi qua.
“Trước hôm tiếp quản Thủ đô, tôi, chị tôi và anh tôi đã thức đến 12 giờ đêm để treo đèn kết hoa... Những ngày đó nhà tôi rất náo nức vì bố tôi là một cán bộ Việt Minh hoạt động nội thành bí mật. Buổi sáng hôm ấy (tức ngày đoàn quân giải phóng trở về tiếp quản Thủ đô) bờ Hồ vắng tanh, không ai dám ra cả.
Tôi còn lấy một cái gương thò tay ra để nhìn lính Pháp rút lui. Sau đó bộ đội về mọi người mới ùa ra. Ngày hôm đó náo nức lắm, mọi người hoan hô ầm ĩ cả lên rồi ùa ra tặng hoa, trước cửa nhà tôi còn có một người đàn ông mang accordion ra kéo. Tôi nhớ lắm”, bà Hoàng Lan Hương, nhà ở phố Hàng Đào nhớ lại.
“Sự đón tiếp của nhân dân vô cùng hân hoan. Về đến thành phố là cờ hoa, náo nhiệt. Tôi chưa bao giờ thấy nhiều hoa như thế. Mọi cùng náo nức đổ ra đường hoà vào niềm vui chung khiến cho con người rất gần gũi nhau…
Chúng tôi về đến khu vực nhà thuỷ tạ ở bờ hồ thì có một nhóm thanh niên đang ca hát những bài ca cách mạng rất là cảm động” - Đại tá Hoàng Bảo, nguyên Trưởng Ban Công tác Chính trị, Tiểu đoàn 265, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304, nhớ lại không khí ngày tiếp quản thủ đô.
PGS Sử học Lê Văn Lan bồi hồi nhớ lại những ngày Thủ đô giải phóng. |
PGS Sử học Lê Văn Lan kể: “Tôi hồi ấy tròn 18 tuổi. Sáng ngày 10/10, bước ra khỏi nhà thì tôi bắt gặp cảnh cờ hoa rực rỡ và các cổng chào được trang trí rất bắt mắt, vì thế không thể không vui.
Những người trẻ gốc Hà Nội mà tôi cũng là hạt nhân đã chủ động tham gia vào sự thay đổi đó. Đi đắp đường Thanh Niên, đi đào sông Kim Ngưu, đi vật bùn để làm công viên Thống Nhất… Nhiều người lên vùng cao xây dựng đời sống kinh tế mới. Không có gì là chúng tôi không thể làm. Tất cả những điều ấy là nhờ phẩm chất của người Tràng An”.
Nhớ về những năm tháng Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom tàn phá, nhạc sĩ Phú Quang không giấu được nghẹn ngào. Ông chia sẻ: “Nhà tôi ở phố Khâm Thiên, bây giờ chỗ đó đã thành đài tưởng niệm. Mấy chục năm trôi qua rồi nhưng tôi không bao giờ quên được những kỷ niệm đau đớn trong những năm tháng ấy.
Cả khu phố Khâm Thiên hoang tàn và đổ nát hết. Hình ảnh bà cụ già đứng bất động nhìn cảnh người ta vào khiêng con cháu của bà ra chỗ chôn đã khiến tôi khóc lặng. Nhà bà có tới 27 người thì chết mất 26 người. Tôi cứ ám ảnh mãi hình ảnh đó. May mắn là sau này tôi đã gửi được những đau đớn của mình vào bản giao hưởng “Hồi ức”.
Nhạc sĩ Phú Quang nghẹn ngào khi nhớ lại những hình ảnh ám ảnh tuổi thơ. |
Nhà văn, hoạ sĩ Đỗ Phấn và NSND Lê Khanh cũng là những người đã lớn lên giữa Hà Nội trong những năm tháng bao cấp, mọi thứ thiếu thốn, cuộc sống khó khăn. Và những ngày tháng ấy vẫn đậm sâu trong ký ức của mỗi người.
NSND Lê Khanh kể, chị sinh năm 1963, khi sinh ra đất nước đang trong thời kỳ chiến tranh ác liệt. Tuổi thơ của chị gắn liền với thời bao cấp. “Ngày xưa, mẹ tôi đẹp lắm! Nhưng vì bà phải đi diễn rồi chăm sóc các con nên bà không còn là “hoa khôi” nữa. Thậm chí, cuộc sống nghèo khó khiến bà gầy ốm chỉ còn có 34 kg.
Vì ngoại hình gầy yếu đó mà bà đã ý nhị xin rút khỏi đoàn văn công. Trở về cuộc sống, bà nhận làm rất nhiều việc, miễn ra tiền để nuôi 3 chị em và để bố tôi yên tâm làm nghề. Dù khó khăn và thiếu thốn như vậy nhưng bà luôn căn dặn các con “Có nghèo khó cũng phải sống cho tử tế các con nhé!”.
NSND Lê Khanh chia sẻ thêm rằng, chị sinh ra thiếu tháng nên chỉ nặng có 1,7kg. Thời bé, chị nhiều lần ốm đau, nguy cơ đến tính mạng. Có những lần vì nhà không còn gì quý giá nên nghệ sĩ Lê Mai – mẹ chị đã định bỏ cuộc. Nhưng may mắn lúc đó, có người bác của chị đi tàu từ Hải Phòng lên cho mẹ chị 5 hào để mua thuộc và nhờ 5 hào tiền thuốc đó mà từ đó chị không còn đau ốm nữa.
Nhà văn Đỗ Phấn cũng kể, thế hệ của ông thời đó gắn liền với văn hoá xếp hàng để mua đồ mậu dịch. Và ai ở trong những năm tháng đó đều chứng kiến cảnh nhà cửa vô cùng chật chội. Trong một ngôi nhà có thể phải chia cho 4 - 5 hộ cùng ở. Những giờ lấy nước, các hộ phân chia nhau một cách rất công bằng. Nay hộ này lấy vào giờ đó thì mai sẽ đến lượt hộ khác, không ai tranh giành của ai.
Những bức ảnh đầy kỷ niệm của gia đình nghệ sĩ Lê Khanh thời đó. |
“Đám của chúng tôi thời đó làm một công việc vẽ. Công việc này đỏi hỏi rất nhiều vật liệu mà thời đó trong nước không sản xuất được, cái gì cũng phải đi mua, kể cả cái bút chì. Chính vì thế mà thời đó tôi đã có được rất nhiều tác phẩm đẹp”, nhà văn Đỗ Phấn tâm sự.
“Thời ấy, mấy chị em chăm nhau và phải lo cái Tết. Chị lớn của tôi là Lê Vân lo lắng lắm. Có một lần chị về báo tin là xin được chân làm gia công hộp đựng mứt. Mấy chị em háo hức lắm, đêm về làm liền tay liền chân… vèo một cái đã có một xe chở đầy hộp mứt đến Hàng Chuối.
Bố tôi là nghệ sĩ Trần Tiến lúc đó cảm thấy rất thẹn khi đường đường là nghệ sĩ nổi tiếng mà lại đẩy một cái xe kéo chất đầy hộp mứt đi ra phố giao cho người ta. Vì ngượng nên lúc buộc dây thừng ông thắt không kỹ và khi đẩy lên đến phố Hàng Chiếu thì dây thừng bục tung ra. Bao nhiêu hộp mứt vung vãi ra đường.
Rồi đêm đến còn cố làm thật nhanh để còn được làm tiếp nhưng cũng không làm được nhiều vì phải phân chia cho người khác. Chúng tôi lại quay sang làm công việc gián ni lông, quấn thuốc lá, đóng phi-la-tốp… Thời đó đúng là cuộc sống rất khó khăn và thiếu thốn nhưng đã tôi luyện cho chúng tôi một ý chí và nghị lực”, NSND Lê Khanh nhớ lại.
Nữ nghệ sĩ bày tỏ thêm rằng, thời đó vì mọi thứ thiếu thốn nên công việc làm phim cũng rất vất vả. Nhưng mọi người vẫn cố gắng làm ra những thước phim để mang đi thi thố với quốc tế và lay động cảm xúc của người xem. Sở dĩ làm được như thế là vì những bộ phim ấy có đời sống thật. Cái khiến người ta rung động đó chính là khát vọng sống và những điều giản dị.
“Trải qua những năm tháng khó khăn ấy đã cho chúng ta một nghị lực. Chúng ta phải sống và sống đàng hoàng. Bước qua những khốc liệt, thử thách, khó khăn… con người ta vươn tới những điều dễ dàng, đầy đủ và giá trị hơn. Nhưng khi bước qua rồi người ta mới thấy trân trọng quá trình vượt qua đó”, NSND Lê Khanh nói thêm.