Nhà báo tác nghiệp điều tra, phản biện: Thách thức và trách nhiệm

Phóng sự điều tra - những tác phẩm báo chí đi sâu vào bản chất của sự việc, mang đến cho công chúng cái nhìn chân thực nhất về cuộc sống, đồng thời phơi bày được những sự thật trần trụi nhất mà khán giả đang quan tâm. Vậy viết bài điều tra, phản biện có thực sự “nhàn”? Những loạt bài điều tra, phản biện đã mang đến giá trị như thế nào cho cộng đồng?
Điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa nhà báo thực hiện bài điều tra phản ánh Lãnh đạo TP Hà Nội chúc mừng các cơ quan báo chí Trung ương, thành phố Báo chí góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam

Nhà báo Anh Tuấn - Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital): Vượt lên mọi cám dỗ để làm nghề

Nhà báo tác nghiệp điều tra, phản biện: Thách thức và trách nhiệm
Nhà báo Anh Tuấn – phóng viên Trung tâm Sản xuất và Phát triển nội dung số (VTV Digital) cùng đồng nghiệp

Để có được những phóng sự điều tra chất lượng, hình ảnh sắc nét, chân thực nhất xuất hiện trên sóng truyền hình mà khán giả thấy chỉ tính bằng giây hay một vài phút nhưng đó là cả một sự chuẩn bị kỹ lưỡng đoàn kết của ê-kíp.

Trước khi thực hiện một đề tài nào đó, mình phải tìm hiểu, cân nhắc thật kỹ xem, nếu phóng sự đó phát trên truyền hình, thông tin được công bố ảnh hướng hay tác động như thế nào đến xã hội. Đôi khi một vài lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng đến cả cộng đồng thì hành vi đó đáng lên án.

Nhà báo tác nghiệp điều tra, phản biện: Thách thức và trách nhiệm
Nhà báo Anh Tuấn phỏng vấn Thiếu tướng Trần Minh Lệ - Cục trưởng Cục cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Bộ công an

Công việc nào cũng vậy, bạn càng làm, càng đam mê và hứng thú, kinh nghiệm cũng lớn dần theo thời gian. Thời điểm mới bước chân vào nghề tôi cũng tràn nhiệt huyết, có thể vụng về khi thu thập thông tin, đưa ra những quyết định vội vàng khi thực hiện một phóng sự nào đó. Đã có độ từng trải nhất định, việc tác nghiệp cũng bài bản, khoa học và chuyên nghiệp hơn. Cách tiếp cận đề tài chậm rãi hơn, chứng cứ được chuẩn bị chặt chẽ và đầy đủ hơn.

Công việc của người làm báo điều tra luôn phải đặt tính pháp lý lên hàng đầu, thông tin phải khách quan, đa chiều. Đam mê là một lợi thế để bạn gắn bó với công việc mình đang làm, nhưng làm phóng sự điều tra, bạn quá đam mê mà thiếu sự tỉnh táo khi xử lý tình huống lúc tác nghiệp là điều không nên. Điều quan trọng bạn phải vượt lên mọi cám dỗ để làm nghề, không bao giờ được thỏa hiệp với cái xấu mà mình đang đấu tranh. Có như vậy, mình mới phơi bày được bản chất của sự việc. Đó là đạo đức của người làm báo, là ý nghĩa nhân văn mà mình hướng đến.

Tôi làm loạt phóng sự “Chia sẻ lợi ích của người dân nơi khai thác khoáng sản ở huyện Kim Bảng và Thanh Liêm (Hà Nam)”. Bà con chịu nhiều thiệt thòi, những gì họ nhận được chưa tương xứng với lợi ích mà doanh nghiệp khai thác khoáng sản cũng như chính quyền địa phương thu lại. Không chỉ dừng lại ở đó, bà con phải sống trong môi trường ô nhiễm. Vị trí các hộ dân ở vùng khai thác đá tới các mỏ khai thác cũng không an toàn...

Nhà báo tác nghiệp điều tra, phản biện: Thách thức và trách nhiệm
Hình ảnh phóng viên VTV bị "lôi đi" khi đang dẫn hiện trường tại UBND huyện Kim Bảng, Hà Nam

Sau khi phóng sự phát sóng trong chương trình Chuyển động 24h đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ người xem cũng như các đồng nghiệp. Cùng với đó, người dân địa phương gọi điện, chia sẻ khó khăn mà ê-kíp gặp phải.

Đặc biệt, vệt phóng sự đã nhanh chóng lan tỏa mạnh mẽ trên mạng xã hội, các cấp chính quyền vào cuộc. Điều này là niềm vui nho nhỏ, là động lực để chúng tôi tiếp tục thực hiện công việc của mình.

Hay như năm 2018, tôi làm phóng sự về “Thâm nhập tụ điểm buôn bán ma túy giữa Thủ Đô”, đã mất hơn 3 tháng để bám địa bàn để theo dõi toàn bộ diễn biến sự việc này.

Có lúc tôi ở đó cả ngày, thậm chí phải túc trực cả đêm, thay đổi nhiều vị trí ẩn nấp để có thể ghi hình cận cảnh vào mọi thời điểm. Nguy hiểm là những chiếc bơm kim tiêm còn dính máu vứt la liệt ở đường đi lối lại, trên nền nhà và cắm trên tường… Chỉ cần vô tình giẫm phải có thể trở thành mối hiểm họa cho bản thân chúng tôi.

Niềm vui lớn nhất sau khi phóng sự lên sóng, người cung cấp thông tin cho tôi đã nhắn rằng: Cảm ơn anh, nhờ anh mà cuộc sống của người dân nơi đây mới được bình yên trở lại, không còn cảnh sáng ngủ dậy là thấy người nghiện sốc thuốc tử vong trước cửa nhà. Người dân không phải thấy hình ảnh con nghiện đánh nhau, tranh giành thuốc. Các cư dân cũng không phải bán nhà đi nơi khác, họ đã tìm lại được cuộc sống bình yên ngay trên mảnh đất, ngôi nhà của mình.

Nhà báo Quán Tuấn - Trưởng ban Nội chính Pháp luật - Báo Nhà báo & Công luận: “Thành công lớn nhất là tác phẩm của mình tạo ra hiệu ứng xã hội”

Loạt 5 kỳ về hành trình đi tìm công lý cho cán bộ đi B Nguyễn Ngọc Lợi của nhóm tác giả Quán Tuấn - Minh Diễn - Trần Quốc - Hà Đương của Báo Nhà báo và Công luận đoạt Giải B Giải Báo chí Toàn quốc về Phòng chống tham nhũng, tiêu cực năm 2020 là “quả ngọt” cho những nỗ lực của người làm báo trong hành trình góp phần vạch trần góc khuất, tháo nút rối cuối cùng để kết thúc một vụ khiếu kiện kéo dài suốt 32 năm qua, giải oan cho một hội viên, nhà báo, cựu chiến binh.

Đây là vụ việc ly kỳ nhất trong rất nhiều vụ việc tôi đã thực hiện. Nó ly kỳ đến mức mà với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề nhưng khi tiếp nhận hồ sơ của ông Lợi tôi vẫn đặt câu hỏi có phải hồ sơ giả không? Bởi có quá nhiều chứng lý quan trọng như Công văn 400, Quyết định 54 của Ủy ban thống nhất Chính phủ cử ông ấy đi học hay nhiều văn bản chỉ đạo, đặc biệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nay là Chủ tịch nước nhưng không hiểu tại sao hơn 30 năm mà các cơ quan chức năng vẫn không giải quyết.

Thêm vào đó, vụ việc của ông Lợi không có bất cứ thông tin nào trên mạng, trên các báo để đối chiếu với nguồn thông tin ông Lợi cung cấp, nên ban đầu tôi rất băn khoăn. Chỉ đến khi chúng tôi quyết định vào cuộc bằng việc tiếp cận trực tiếp các cơ quan chức năng, tôi mới tin những hồ sơ ông Lợi cung cấp là sự thật. Tôi báo cáo và đề xuất Ban Biên tập báo cho triển khai thực hiện tuyến bài dài kỳ và quyết tâm đưa vấn đề này ra ánh sáng.

Nhà báo tác nghiệp điều tra, phản biện: Thách thức và trách nhiệm
Nhà báo Quán Tuấn tiếp nhận đơn thư phản ánh từ ông Nguyễn Ngọc Lợi

Trong quá trình tác nghiệp, nhóm phóng viên phải mất nhiều thời gian để lập trình, sắp xếp lại tài liệu, tư liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc từ những năm 1976, 1977, 1983 đến nay. Đồng thời, phải xác minh vụ việc ở nhiều cơ quan như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Đại học Y Dược, Đại học Thái Nguyên, Sở Y tế Phú Thọ... Đồng thời, cử phóng viên phỏng vấn, xin ý kiến từ các chuyên gia Luật, Luật sư và Đại biểu Quốc hội phân tích cơ sở pháp lý để đòi quyền lợi chính đáng cho ông Lợi.

Để đi đến được kết quả và giải oan được cho nhân vật của mình, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn trong hành trình đi tìm sự thật. Bởi, các cơ quan có sai phạm phần lớn đều đóng cửa với báo chí, không muốn cung cấp thông tin cho báo chí. Vụ việc của ông Lợi, khi tác nghiệp phải mất rất nhiều thời gian lặn lội ngược xuôi từ Sở Y tế Phú Thọ, Trường ĐH Y Dược Thái Nguyên rồi Bộ GD&ĐT, nhưng có cơ quan không những không cung cấp hồ sơ mà còn có phản ứng ngược lại...

Trong hành trình nghề nghiệp của mình chúng tôi cũng từng nhận không ít những lời cảm ơn của độc giả, của nhân vật và đó thực sự là những hạnh phúc nghề nghiệp không gì hơn thế. Cầm lá thư của ông Nguyễn Ngọc Lợi với nỗi đau dai dẳng trong suốt hơn 30 năm qua, vỡ òa cảm xúc được minh oan thực sự rất khó diễn tả hết được.

Điều ấy đã tiếp thêm cho tôi và các đồng nghiệp rất nhiều động lực để cố gắng hơn nữa. Đâu đó trong cuộc sống sẽ còn nhiều vụ việc oan sai và người dân rất cần được lên tiếng, được bảo vệ. Chúng tôi hy vọng, với những nỗ lực của người làm báo cùng sự quyết liệt từ các cơ quan chức năng, tình trạng ấy sẽ ngày một hạn chế để người dân thêm tin yêu vào công lý, vào lẽ phải.

Nhà báo Vũ Đức Quang - Phó Tổng Thư ký tòa soạn Pháp luật Plus (báo Pháp luật Việt Nam): Cái bắt tay, lời cảm ơn của bạn đọc là niềm tự hào

Các đề tài, bài viết điều tra, phản ánh mang tính phản biện xã hội luôn thu hút được sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Nhưng để nhận ra một tài mới lạ, gai góc… thì không phải bất cứ phóng viên trẻ nào cũng đủ bản lĩnh khai thác.

Chưa kể, nguy hiểm luôn rình rập bất cứ phóng viên nào đang muốn phơi bày những kẻ đứng trong bóng tôi ra ánh sáng.

Nhà báo tác nghiệp điều tra, phản biện: Thách thức và trách nhiệm
Nhà báo Vũ Đức Quang

Hơn 10 năm trước tôi cũng từng là một phóng viên trẻ, năng động, nhiệt huyết, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ nào được tòa soạn giao phó nhưng… khi ấy cái tôi không có đó là sự bình tĩnh, nhận định thiếu căn cứ, khiến đề tài hỏng lên hỏng xuống.

Chính vì vậy, sau nhiều thất bại, tôi đã tìm kiếm và nuôi dưỡng nhiều nguồn tin, xây đắp từ các mối quan hệ cá nhân, các chính trị gia, luật sư, công nhân, nông dân, kỹ sư, tri thức… để làm nguồn tin/kiểm chứng cho mình.

Các bạn cũng vậy nhé, các phóng viên trẻ. Bởi lẽ, bất kỳ một mối quan hệ xã hội nào có thông tin, đó đều là nguồn tin của chúng ta. Tuy nhiên, hãy kiểm chứng chéo, ví dụ từ một nguồn tin có vụ việc phá rừng nguyên sinh tại tỉnh X. Hãy kiểm chứng nó bằng các mối quan hệ cá nhân, người dân… tại tỉnh đó, lật tung các báo cáo của các cấp xem có vụ việc này hay không? Kiếm tìm các hình ảnh liên quan, tới hiện trường xác minh nội dung phá rừng, xây dựng bản đồ vụ việc…

Sau khi nhận định được tính nghiêm trọng của vụ việc, hãy xây dựng kế hoạch báo cáo chi tiết định hướng vụ việc với ban biên tập, để nhận được những định hướng đúng đắn nhằm lột trần cái xấu, đưa ra ánh sáng để những cá nhân “trong bóng tối” đó phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình.

Với tôi, cái bắt tay, lời cảm ơn của bạn đọc là niềm tự hào tột cùng của người làm báo, sẽ chẳng có món quà nào vinh dự hơn lời cảm ơn của nhân dân.

Cần điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa nhà báo thực hiện bài điều tra phản ánh Cần điều tra, xử lý nghiêm đối tượng đe dọa nhà báo thực hiện bài điều tra phản ánh
Lãnh đạo TP Hà Nội chúc mừng các cơ quan báo chí Trung ương, thành phố Lãnh đạo TP Hà Nội chúc mừng các cơ quan báo chí Trung ương, thành phố
Báo chí góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam Báo chí góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam
Anh Đức
Phiên bản di động