Nguy cơ tiền mất tật mang khi đổi tiền lẻ trên mạng xã hội dịp Tết

Cứ mỗi dịp cận kề Tết Nguyên đán thì nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới với mệnh giá nhỏ để lì xì, đi chùa của người dân ngày càng tăng cao.
Hành vi đổi tiền lẻ để kiếm lời dịp Tết có thể bị phạt tới 80 triệu

Như thường lệ, cứ mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhất là thời điểm cận kề Tết Nguyên đán, nắm bắt xu hướng, lợi dụng tâm lý, nhu cầu tăng cao của người dân, nhiều người đã tạo lập nhiều diễn đàn, hội, nhóm, trang cá nhân trên mạng xã hội để đăng tải thông tin quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới… thu hút số lượng thành viên tham gia rất đông.

Bên cạnh những lời mời chào hết sức hấp dẫn như phí đổi thấp, cam kết tiền thật, tiền nguyên seri, các đối tượng còn sẵn sàng giao hàng tận nơi, người đổi tiền được yêu cầu kiểm tra trước khi nhận hàng.

Mức phí dịch vụ cho việc đổi tiền cũng dao động linh hoạt tùy vào từng thời điểm và tùy mệnh giá tiền. Theo đó, đối với các loại tiền mới với mệnh giá cao như 100.000 đồng, 200.000 đồng, mức phí đổi từ 3 - 6%. Đối với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí cao hơn, từ 10 - 14%.

Nguy cơ tiền mất tật mang khi đổi tiền lẻ trên mạng xã hội dịp Tết
Hành vi chào mời đổi tiền lẻ dịp Tết tràn lan trên mạng xã hội

Mặc dù hành vi đổi tiền đã được cảnh báo là trái pháp luật với những quy định cụ thể. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, năm nào tình trạng này cũng nở rộ vào dịp cuối năm, công khai trên các trang xã hội.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động mua, bán ngoại tệ, vàng và thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, bên cạnh nguy cơ bị các đối tượng xấu lừa đảo, hành vi đổi tiền nhằm hưởng % chênh lệch là vi phạm quy định của pháp luật.

Theo đó, cá nhân thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng - 40.000.000 đồng (mức phạt đối với tổ chức gấp 2 lần đối với cá nhân) theo quy định tại Điểm a, Khoản 5, Điều 30 của Nghị định 88/2019/NĐ-CP, ngày 14/11/2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Do đó, Luật sư Hồng khuyến cáo người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyên truyền cho người thân, bạn bè cẩn trọng trước những dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới với mệnh giá nhỏ trên mạng xã hội để tránh “tiền mất tật mang” và các trách nhiệm pháp lý có liên quan đến việc đổi tiền kông đúng quy định pháp luật.

Theo vị này, nhu cầu là có thực, tuy nhiên chúng ta cũng cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng tránh bị thiệt hại. Việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng.

Chính vì vậy, để không rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo cũng như bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, người dân dịp Tết khi có nhu cầu nên đến các ngân hàng để thực hiện đổi tiền.

Hậu Lộc
Phiên bản di động