Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá không đảm bảo

Hè đến lượng đá viên và đá cây được các cơ sở sản xuất đưa ra thị trường tiêu thụ tăng cao. Tuy nhiên chất lượng như thế nào, có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hay không thì không thể kiểm soát hết được.

Đá đắt hàng ngày hè

Sự xuất hiện liên tục của các quán cà phê, trà sữa, giải khát, trà đá và các loại hình quán nước ngày càng đa dạng đã cho thấy sự phát triển của ngành hàng này. Điều này đã kéo theo nhu cầu về đá viên cũng tăng nhanh chóng theo thời gian qua.

Đặc biệt, vào những ngày hè nắng nóng thì đá viên luôn trong tình trạng "cháy hàng". Thậm chí, theo chia sẻ của một chủ đơn vị kinh doanh đá viên tại Hà Nội, vào những đợt nắng nóng, hàng bán ra thị trường rất nhanh chóng, không bao giờ bị lỗ.

Mỗi ngày, xưởng hoạt động hết công suất để bán ra thị trường từ 1.000 – 3.000 túi đá. Mỗi túi đá có khối lượng 5kg. Tổng mức tiêu thụ lên tới 5 – 15 tấn đá viên mỗi ngày. Chính vì vậy, có thể thấy nguồn cầu của thị trường đá viên là rất lớn.

Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá không đảm bảo
Chi cục ATVSTP Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất đá viên trên đại bàn

Chị Nguyễn Thuỳ Linh, chủ một quán cà phê trên phố Đội Cấn, Hà Nội cho biết: “Dù nhiều đơn vị cũng đến chào mời đá giá rẻ nhưng không nhãn mác, không nơi sản xuất rõ ràng nên tôi cũng không nhập.

Dùng đá bẩn hại nhiều hơn lợi. Loại đá này không đảm bảo VSATTP. Sớm muộn gì khách hàng cũng phát hiện điều này. Với tốc độ lan truyền thông tin chóng mặt trên mạng xã hội, sẽ ngày càng nhiều người biết đến sự thiếu uy tín của nhà hàng. Khách hàng quay lưng đồng nghĩa với doanh thu của quán sẽ bị giảm sút nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, cũng có những chủ nhà hàng vô tình sử dụng đá bẩn do thiếu thông tin hay có những chủ quán chọn đá viên kém chất lượng vì giá rẻ. Lợi ích trước mắt của hành động này là giúp doanh nghiệp giảm chi phí đáng kể.

“Trung bình mỗi ngày quán sử dụng khoảng 4 đến 5 bao đá viên. Để bảo đảm VSATTP cho thực khách và giữ uy tín cho quán, mình đã chọn mua đá viên của cơ sở lớn. Nhìn bề ngoài thấy đá sạch và được đựng trong bao bì thì mới lấy, còn chất lượng thế nào làm sao biết được”, anh Ngọc, một chủ quán cà phê tâm sự.

Theo quy định của Bộ Y tế, đá cây chỉ được sử dụng để ướp lạnh trái cây, thực phẩm chứ không được sử dụng trong nước uống, giải khát. Song, thực tế đá cây được sử dụng thế nào thì còn tùy thuộc người mua. Nhiều quán trà đá từ vỉa hè cho đến cửa hàng, quán nhậu vẫn mua đá cây để đảm bảo doanh thu và giá rẻ phù hợp với các đối tượng lao động hoặc sinh viên ít tiền.

“Bán cốc trà đá 5.000 đồng chẳng lãi được bao nhiêu nên tôi chỉ mua đá cây. Mà đá cây hay đá viên cũng chỉ từ… nước mà ra. Quan trọng là mình bán loại nước gì, có vệ sinh không, chứ đá thì không quan trọng. Đông cứng như thế đến người còn chết nói gì vi khuẩn”, một chủ quán trà đá tiết lộ.

Nguy cơ nhiễm bệnh từ đá

Nhu cầu sử dụng nước đá để giải nhiệt trong những ngày nhiệt độ cao là rất lớn. Hiện nay nhiều cơ sở sản xuất đá dùng liền đã có sự đầu tư nâng cấp dây chuyền sản xuất, hệ thống lọc nước đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ngoại cảnh cũng đã được cải thiện…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một vài cơ sở chưa quan tâm đến việc đầu tư cơ sở vật chất, nhân viên chưa được tập huấn đầy đủ các kiến thức về an toàn thực phẩm, còn sử dụng tay trần bốc đá viên…

Tại các bến xe, cổng bệnh viện, nơi công sở… dễ dàng bắt gặp các quán giải khát, trà đá di động sử dụng loại đá "3 không": Không nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh, không tiêu chuẩn chất lượng để pha chế nước giải khát cho người tiêu dùng.

Tại nhiều quán hàng, người kinh doanh còn bảo quản đá lạnh trong những thùng xốp nhỏ cáu bẩn, dùng tay trần bốc đá. Đáng lưu ý là một số quán còn sử dụng đá cây - loại đá chỉ được dùng để ướp thực phẩm để pha chế..

Các chuyên gia đưa ra cảnh báo, nước đá nếu sản xuất theo dây chuyền không bảo đảm an toàn và sử dụng nguồn nước giếng khoan, hay nguồn nước không qua xử lý sẽ tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nguy cơ nhiễm bệnh từ nước đá không đảm bảo
Mùa hè, nhu cầu dùng đá viên là rất lớn

Các xét nghiệm đã chỉ ra rằng, nước đá bẩn dễ nhiễm vi khuẩn E.coli, Coliforms, Feacal streptoccoc có thể gây bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số gây suy thận, nhiễm khuẩn đường huyết. Riêng vi sinh Pseudomonas aeruginosa (còn gọi trực khuẩn mủ xanh) có trong nước đá bẩn nếu xâm nhập vào phổi, thận, đường tiết niệu... còn gây tử vong.

Hơn nữa sản xuất nước đá chưa xử lý nguồn nước còn có nguy cơ tồn dư kim loại nặng, hóa chất (như thủy ngân, chì, asen, kẽm...) là mối nguy hại nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Đối với đá nhiễm khuẩn thì trong quá trình làm đông (từ 1-40C), một số vi khuẩn chỉ bị ngưng hoạt động nên khi ăn vào vi khuẩn sẽ hoạt động trở lại.

Do đó, người tiêu dùng nên sử dụng nước đá viên và đá cây tại những cơ sở sản xuất nước đá có đăng ký chất lượng và công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Riêng nước đá được sử dụng tại các quán vỉa hè, hay các hàng quán trong chợ, người tiêu dùng nên thận trọng, vì những điểm này có thể sử dụng nước đá không rõ nguồn gốc, nguy cơ mất VSATTP rất cao.

Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ các chợ dân sinh Nỗi lo mất an toàn thực phẩm từ các chợ dân sinh

Chợ dân sinh đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống hằng ngày. Tuy nhiên, đây cũng là nơi tồn tại nhiều vấn đề ...

"Khóc dở, mếu dở" vì những bữa tiệc chia tay

Mùa hè đến, cũng là lúc các em học sinh háo hức chào đón những ngày nghỉ hè sau một năm học tập. Bên cạnh ...

Hình thành những thói quen tốt để đảm bảo thực phẩm an toàn Hình thành những thói quen tốt để đảm bảo thực phẩm an toàn

Hà Nội đã bắt đầu bước vào những ngày nắng nóng, thực phẩm có nguy cơ ôi thiu, mất an toàn rất cao. Chính vì ...

Tụê Uyên
Phiên bản di động