Nguy cơ đột quỵ và biến chứng tim mạch khi trời trở lạnh
Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, ông H đau ngực, nôn ói, khó thở được gia đình đưa đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh Tuyên Quang.
Được biết, ông H có tiền sử tăng huyết áp nhưng không uống thuốc thường xuyên. Khi vào viện, ông H được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp giờ thứ 3 kèm theo rối loạn huyết động và rối loạn nhịp tim.
Mùa lạnh, chúng ta ít vận động và ăn uống không lành mạnh. Điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn |
Bác sĩ Phạm Ngọc Tân, Khoa Nội - Tim mạch, trưởng đơn vị Can thiệp tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi tiếp nhận bệnh nhân đã trong tình trạng nguy hiểm, cần phải can thiệp tim mạch ngay lập tức nếu chậm trễ, bệnh nhân sẽ tử vong.
Bác sĩ Tân cũng chia sẻ thêm, nguyên nhân gây ra nhồi máu cơ tim cấp là do mảng xơ vữa trong lòng mạch bị nứt hoặc vỡ, các tế bào máu gồm tiểu cầu và hồng cầu đến bám vào, tạo thành cục huyết khối gây bít tắc đột ngột lòng mạch, ngưng cấp máu nuôi cơ tim phía xa, dẫn đến cơ tim bị thiếu máu nuôi. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ đưa đến hoại tử cơ tim, suy tim, đột tử.
Ông H có tiền sử tăng huyết áp nhưng lại không được theo dõi điều trị và uống thuốc thuờng xuyên là rất nguy hiểm và điều này gây ra nhiều biến chứng tim mạch.
Bác sĩ Tân khuyến cáo, bệnh nhồi máu cơ tim ngày càng tăng. Đặc biệt vào mùa đông diễn biến thời tiết, thay đổi nhiệt độ nhanh biến cố tim mạch, đột quỵ cũng tăng lên.
Khi có dấu hiệu đau ngực, vã mồ hôi, đau ngực dữ dội bệnh nhân cần vào viện nhanh chóng. Nếu chậm trễ, bệnh nhân đau nhiều quá có thể sốc tim, trụy mạch và tử vong.
Cuối năm thời tiết thay đổi, trời lạnh đột ngột. Đây là mối nguy với nhiều người đặc biệt là người người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, dễ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, đột quỵ tim có thể xảy ra với bất kỳ độ tuổi và thời tiết nào trong năm. Tuy nhiên, vào mùa lạnh nguy cơ đột quỵ tim cao hơn.
Các nghiên cứu cho thấy, khi nhiệt độ trung bình giảm 10 độ C, nguy cơ nhồi máu cơ tim ở người lớn tuổi tăng thêm khoảng 7%. Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm người khác.
Người có tiền sử nhồi máu cơ tim, mắc bệnh tim hoặc trên 65 tuổi dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn nhóm người khác |
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh lý giải, vào những hôm trời lạnh cơ thể dễ bị hạ thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể giảm xuống dưới 35 độ C) khiến tim phải làm việc nhiều hơn để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định, dễ khiến bệnh tim mạch trở nặng nếu không có chế độ chăm sóc phù hợp.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu cũng cho thấy, nhiệt độ giảm có thể làm tăng nồng độ fibrinogen – loại protein chính liên quan đến hình thành cục máu đông dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ CKII Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược (TP HCM) thì cho biết nhiệt độ thay đổi đột ngột đòi hỏi hệ thống mạch máu sẽ phải có các phản xạ để thích nghi với sự thay đổi đó.
Bên cạnh đó, trời lạnh còn khiến người lớn tuổi dễ mắc các bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất là cúm. Đây là bệnh lý do virus gây ra, có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe nguy hiểm, trong đó có suy tim, nhồi máu cơ tim.
Vào mùa lạnh, chúng ta thường ít vận động và ăn uống không lành mạnh. Điều này có thể gây lượng mỡ máu tăng lên, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, gây tắc nghẽn.
Những người trên 65 tuổi hoặc mắc bệnh tim mạch thường dễ bị đột quỵ hơn vào mùa lạnh. Đối với người lớn tuổi, hệ thống miễn dịch và khả năng chịu đựng suy giảm, mạch máu không còn đàn hồi, trở nên cứng hơn và độ quánh của máu cũng tăng. Điều này khiến máu dễ bị vón, lưu lượng máu đến não giảm.
Do đó các bác sĩ khuyến cáo để phòng ngừa bệnh vào trời lạnh, người dân cần phải giữ ấm cho cơ thể, nhất là ở người già, không nên ra lạnh đột ngột. Buổi sáng, khi tỉnh giấc, không nên ra khỏi chăn và xuống giường ngay mà cần nằm lại trên giường, vận động nhẹ nhàng từ 3 - 5 phút để cơ thể dần thích nghi.
Mùa đông nên giữ nhiệt độ trong nhà thấp nhất là từ 16-18 độ C, thường xuyên uống một ly nước ấm trước khi ngủ và dùng các thực phẩm, đồ uống ấm có thể giúp tăng năng lượng đồng thời giúp giữ ấm cho cơ thể
Ngoài ra, cần tập thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế thuốc lá, rượu bia, đồ ăn nhiều dầu mỡ, vận động cơ thể phù hợp. Đồng thời, kiểm soát tốt các bệnh lý đang có, cần ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao, ổn định đường huyết ở người bệnh đái tháo đường (người bị bệnh đái tháo đường thận trọng với các mảng xơ vữa gây thiếu máu não)…