Nguồn vốn dài hạn từ kênh trái phiếu, cổ phiếu rất quan trọng
Chưa thể loại trừ nguy cơ đổ vỡ thị trường trái phiếu, bất động sản Chủ tịch Quốc hội: Kiểm toán phải hướng vào đánh giá thị trường tài chính, bất động sản |
Theo Bộ Tài chính, với quy mô huy động vốn ngày càng tăng, thị trường vốn đã dần khẳng định sự quan trọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn hiệu quả cho doanh nghiệp theo đúng định hướng của Nhà nước về phát triển cân bằng thị trường vốn và thị trường tín dụng; giảm áp lực cung ứng vốn cho nền kinh tế của kênh tín dụng ngân hàng.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, so với tiềm năng và tương quan với thị trường trong khu vực thì quy mô tại Việt Nam còn khá khiêm tốn.
Hiện dư nợ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở mức trên 15% GDP. Trong khi đó, Chiến lược tài chính đặt ra mục tiêu quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đến năm 2025 là 20% GDP và đến năm 2030 đạt tối thiểu 25% GDP.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng. |
Về tổng thể, vốn huy động qua thị trường chứng khoán hiện chiếm khoảng 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế; trong đó, trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% và cổ phiếu chiếm khoảng 3,5%.
Vào nửa cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chứng kiến “cú sốc” tâm lý lan rộng khi nhà đầu tư chứng kiến các vụ việc xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát.
Niềm tin suy giảm kết hợp với thanh khoản dòng tiền trả nợ trái phiếu của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn đã khiến thị trường này gia tăng rủi ro.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, khi nói đến kênh dẫn vốn cho doanh nghiệp, chúng ta nói kênh tín dụng đang chiếm tỷ trọng lớn.
Tuy nhiên, nếu tính quy mô thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu hiện tại, thì các kênh này gần tương đương nhau.
Trong đó, riêng kênh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong thời gian vừa qua chịu tác động của những biến cố trong thị trường này.
Trước tình hình đó, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ hoàn thiện chính sách pháp luật, tổ chức các buổi tọa đàm gặp gỡ doanh nghiệp và các nhà đầu tư để kết nối họ với nhau, tạo thông tin thông suốt, tránh tâm lý hoang mang trên thị trường.
Cũng trong tháng 7/2023 vừa qua, Bộ Tài chính cũng thiết lập kênh giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và đến nay đã có khoảng hơn 1.600 mã đang được giao dịch trên thị trường với quy mô giao dịch hằng ngày vài nghìn tỷ đồng.
Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá, đây là kênh quan trọng để tạo sự thanh khoản trên thị trường, tăng cường tính công khai, minh bạch và củng cố niềm tin, giúp thị trường này phát triển.
"Thị trường có định hướng phát triển đúng, chúng ta sẽ phát triển thị trường vốn dài hạn thông qua trái phiếu, cổ phiếu thay vì tín dụng mang tính ngắn hạn", ông Hưng nói.