Người trẻ làm du lịch “xoay sở” mưu sinh vượt đại dịch

Giữa cơn bão Covid-19 với diễn biến khó lường, những người làm du lịch phải “xoay sở” bằng đủ mọi cách để mưu sinh.
Hải Phòng hoả tốc dừng các hoạt động du lịch, sinh hoạt tôn giáo từ 25/6 TP Hồ Chí Minh tiếp tục được đề cử là điểm đến du lịch MICE hàng đầu Châu Á

Mất việc nhiều lần

Nghiêm Quang Linh (26 tuổi) từng là một hướng dẫn viên du lịch nổi tiếng tại Hà Nội. Dịch bùng phát, dù đang làm việc tại một trong những công ty du lịch hàng đầu Việt Nam nhưng do dịch bệnh nên từ đầu năm đến giờ, Linh phải nghỉ việc và ở nhà thường xuyên.

Linh bộc bạch: “Mình cảm thấy khá chán nản và hụt hẫng. Khi còn đang theo học ngành du lịch, mình kỳ vọng vào nghề du lịch vì nó phát triển rất tốt tại Hà Nội, bản thân cũng có cơ hội được cộng tác tại một công ty du lịch lớn nên mình càng tự tin hơn. Đùng một cái thì dịch tới, mọi thứ như sụp đổ trước mắt mình vậy”.

Người trẻ làm du lịch “xoay sở” mưu sinh vượt đại dịch
Ngành du dịch tiếp tục có một năm đầy khó khăn

Nghỉ việc từ đầu năm, thấy tình hình dịch không khả quan, chàng trai trẻ xin vào làm phục vụ tại một quán ăn với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng. Dù không bằng công việc hướng dẫn viên du lịch nhưng phần nào đó, tiền lương giúp Linh duy trì cuộc sống. Dù vậy, anh vẫn không từ bỏ niềm yêu thích với nghề.

Cuối tháng 4 năm nay, khi mọi thứ tưởng chừng như ổn định trở lại, du lịch tưởng như tiếp đà hồi sinh thì chỉ chưa đầy 2 tuần, dịch Covid-19 lại bùng phát trở lại. Linh lại một lần nữa phải nghỉ việc. “Chưa kịp vui mừng thì mình đã phải thất vọng. Mình lại phải quay về tình trạng thất nghiệp, trong khi đáng lẽ ra nếu không có dịch thì mình đã có công việc ổn định ở Hà Nội và thậm chí có thể trở thành một hướng dẫn viên quốc tế bay ra nước ngoài rồi”, Linh buồn bã nói.

Xoay sở để mưu sinh

Không có việc, Linh buộc phải về quê để tìm kiếm công việc. Tuy vậy, tại Quảng Ninh tình hình dịch bệnh cũng phức tạp không kém Hà Nội và rất khó khăn trong việc tìm kiếm công việc. Vì vậy, sau khi suy nghĩ thật kỹ, Linh quyết định quay trở lại Hà Nội và làm công việc giao đồ ăn (shipper).

Quang Linh từ một HDV du lịch đầy tiềm năng trở thành shipper bất đắc dĩ
Quang Linh từ một HDV du lịch đầy tiềm năng trở thành shipper bất đắc dĩ

Công việc shipper tuy vất vả, ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trong cái nắng cháy da cháy thịt khắc nghiệt của Thủ đô nhưng lại đem lại thu nhập khoảng 9, 10 triệu đồng/tháng cho Linh. Với mức thu nhập này, dù vẫn chưa thể nào bằng được thu nhập mà du lịch đã mang lại nhưng cũng đã giúp Linh vũng tin hơn trong chặng đường phía trước.

Giống như Quang Linh, Trần Phương (23 tuổi) - một điều hành tour du lịch cũng đã phải tìm đến công việc mới cho mình trong mùa dịch. Công việc mà Phương chọn là trở thành một nhân viên bất động sản. Tuy nhiên, không may mắn, hơn 3 tháng qua, cô chưa thể ký được bất kỳ một hợp đồng nào và chỉ nhận mức lương cố định là 3 triệu đồng.

Trần Phương (bên trái) trở thành một nhân viên tư vấn bất động sản để kiếm thêm thu nhập
Trần Phương (bên trái) trở thành một nhân viên tư vấn bất động sản để kiếm thêm thu nhập

“Chuyển sang một ngành nghề mới thật khó khăn, phải thay đổi tất cả mọi thứ và học lại rất nhiều điều. Đây còn là một mảnh đất vốn đã có rất nhiều sự cạnh tranh, để có thể tìm kiếm được khách hàng và ký được hợp đồng với một người vừa chân ướt chân ráo như mình tương đối vất vả. Song, mình đã quyết tâm sẽ theo nghề này nên mình sẽ cố gắng tới cùng”.

Còn đối với Quốc Anh, một hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh, Quốc Anh chọn cách trở thành một gia sư tiếng Anh để có thể mưu sinh giữa mùa dịch. Vốn tiếng Anh suốt hơn 10 năm qua giúp chàng trai sinh năm 1990 tự tin trở thành 1 gia sư cho các bạn học sinh có nhu cầu.

Quốc Anh chọn cách trở thành gia sư để chống chọi với đại dịch
Quốc Anh chọn cách trở thành gia sư để chống chọi với đại dịch

“Tiếng Anh từ trước đến giờ luôn là đam mê của mình. Tuy vậy nhưng để xin việc trở thành một gia sư tiếng Anh với tấm hành trang là một hướng dẫn viên du lịch thì thực sự rất khó. Mình tuy sử dụng tốt tiếng Anh nhưng bằng cấp của mình khiến cho nhiều phụ huynh lắc đầu và chưa thực sự tin tưởng. Tuy vậy, thật may mắn là một người bạn đã giới thiệu cho mình một nhóm học sinh. Sau hơn 2 tháng làm việc này, mình đã có thêm học sinh và thấy thực sự thích nghề này”, Quốc Anh chia sẻ.

Câu chuyện về Quang Linh, Trần Phương hay Quốc Anh không phải là câu chuyện hiếm đối với các bạn trẻ làm du lịch. Giữa dịch bệnh đầy khó khăn, việc phải xoay sở, tìm cho mình những hướng đi mới là điều tất yếu.

Giữa con sóng lớn, bằng sự đồng lòng của Chính phủ và người dân, cơn đại dịch rồi đến một lúc nào đó cũng sẽ chấm dứt. Để phát triển sau dịch, ngành du lịch vẫn cần nhiều hơn nữa nguồn nhân lực trẻ. Mùa dịch trở thành khoảng thời gian cho những bạn trẻ làm mới lại bản thân, phát triển lại những kỹ năng của mình để bùng nổ sau đại dịch.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động