Người dân háo hức trước ngày tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành

Trước ngày tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành thương mại, người dân, học sinh sinh viên đều tỏ ra phấn khởi, chờ mong. Đa số cho rằng sự kiện này sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông, tạo thuận lợi cho việc di chuyển của họ.
Rà soát việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội bảo đảm khả thi

Giảm áp lực giao thông, mở ra nhiều lựa chọn

Chiều 7/8, trời nắng như đổ lửa khiến những người chờ xe bus tại điểm ngã tư Nhổn - Quốc lộ 32 đều nhăn nhó, mệt mỏi. Tuyến đường này là cửa ngõ huyết mạch phía Tây Thủ đô, đưa hàng vạn người lao động, học sinh, sinh viên vào khu vực nội thành hàng ngày.

Tuy nhiên, ngoài phương tiện cá nhân, thì giao thông công cộng vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Người dân háo hức trước ngày tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành
Tuyến đường sắt đô thị metro Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km với tổng mức đầu tư 34.826 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA. Trong đó, đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy - ga Hà Nội) dài 4km.

Đang chờ tuyến xe bus số 32, anh Vũ Hoàng Quân (SN 2005, trú tại Ba Vì, Hà Nội) cho biết, do yêu cầu công việc, anh thường xuyên phải di chuyển vào các quận trung tâm. Thời gian đầu, anh sử dụng xe máy làm phương tiện đi lại chủ yếu. Song, cảnh tắc đường khiến anh Quân rất vất vả mỗi khi di chuyển.

Do đó, mấy năm gần đây, anh Quân lựa chọn xe bus cộng cộng phục vụ cho di chuyển. Phương tiện công cộng tuy tiện lợi, nhưng cũng không tránh khỏi đông đúc, hoặc cảnh nắng gắt mưa rào tại các điểm chờ.

Người dân háo hức trước ngày tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành
Anh Vũ Hoàng Quân (SN 2005, trú tại Ba Vì, Hà Nội) mong chờ tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành.

"Khi được biết thông tin tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành từ ngày 8/8, bản thân tôi rất phấn khởi. Qua truyền thông, tôi được thấy hình ảnh hiện đại của các toa tàu và các ga dừng, quả thật rất đáng mong chờ", anh Quân vui mừng nói.

Đối với sinh viên Nguyễn Trần Xuân Tùng (Đại học Công nghiệp Hà Nội), tin tức về tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành mang một ý nghĩa khác.

Người dân háo hức trước ngày tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành
Sinh viên Nguyễn Trần Xuân Tùng (Đại học Công nghiệp Hà Nội) cũng rất háo hức trước thông tin về tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành.

"Do hạn chế về phương tiện, tôi chỉ có thể thuê nhà trọ xung quanh trường, nên điều kiện sinh hoạt khá thiếu thốn và giá thuê phòng cao. Khi có tàu điện, di chuyển thuận lợi hơn, chắc chắn tôi sẽ tìm được nhiều lựa chọn hơn", Xuân Tùng chia sẻ.

Sẵn sàng vận hành tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội

Đáp ứng sự mong chờ của người dân, ngày 7/8, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) và Công ty Đường sắt Hà Nội (HMC) tiến hành dọn dẹp vệ sinh toàn tuyến, chuẩn bị những công tác cuối cùng trước ngày tuyến tàu điện Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao đi vào vận hành thương mại vào ngày mai 8/8.

Người dân háo hức trước ngày tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành
Khu vực nhà ga tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội có thiết kế rộng rãi, thoáng đãng và có nhiều ô thoáng để lấy ánh sáng tự nhiên.

Điểm đầu của tuyến tại ga Nhổn, chạy dọc Quốc lộ 32, qua Cầu Diễn, theo đường Hồ Tùng Mậu vượt qua đường Vành đai 3, Xuân Thuỷ, Cầu Giấy đến trước Công viên Thủ Lệ. Trong đó, 8 ga trên cao (Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chùa Hà, Cầu Giấy).

Theo thiết kế kỹ thuật, tuyến Metro Nhổn - Ga Hà Nội đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách.

Công ty Đường sắt Hà Nội dự kiến vận hành 4-6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 10 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến tối đa đạt mức 9.440 hành khách/giờ/hướng.

Người dân háo hức trước ngày tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành
Điểm đầu của Tuyến tại ga Nhổn, chạy dọc Quốc lộ 32, qua Cầu Diễn, theo đường Hồ Tùng Mậu vượt qua đường Vành đai 3, Xuân Thuỷ, Cầu Giấy đến trước công viên Thủ Lệ. Trong đó, 8 ga trên cao (Nhổn, Minh Khai, Phú Diễn, Cầu Diễn, Lê Đức Thọ, ĐH Quốc gia Hà Nội, Chùa Hà, Cầu Giấy).

Tại các nhà ga, hành khách có thể mua vé trực tiếp qua nhân viên hoặc máy bán vé tự động. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng, vé ưu tiên giảm 50% cho hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên có giá 140.000 đồng. Vé ngày 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Vé qua các ga dọc đường từ 8.000-12.000 đồng.

Được biết, tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội vận hành 10 đoàn tàu liên tục trên đường sắt khổ tiêu chuẩn 1.435mm, sử dụng công nghệ hàn liền đảm bảo tốc độ chạy tàu cao, chống ồn, chống rung và lắp đặt các thiết bị chống trật bánh tàu.

Mỗi đoàn tàu có 4 toa do Alstom (Pháp) sản xuất, sử dụng động lực phân tán với động cơ đặt dưới gầm tàu, chạy bằng điện công suất 750V DC được cấp ở đường ray thứ ba để đảm bảo tính an toàn, tính ổn định và mỹ quan đô thị, theo tiêu chuẩn an toàn của thế giới.

Người dân háo hức trước ngày tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội vận hành
Tuyến metro Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng 10 đoàn tàu được nhà sản xuất Alstom (Cộng hòa Pháp) thiết kế riêng. Với chủ đề “Hành trình xanh”, đoàn tàu gồm ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng.

Ông Nguyễn Bá Sơn - Phó Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho biết, đến nay toàn bộ đoạn trên cao từ ga Nhổn đến ga Cầu Giấy dài 8,5km đã hoàn thành thi công, lắp đặt và vận hành thử, công tác nghiệm thu cũng đã hoàn tất sẵn sàng cho ngày vận hành thương mại.

Vũ Cường
Phiên bản di động