Hà Nội

Người dân cùng chung tay đẩy lùi dịch sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là căn bệnh nhiều người biết, nhiều người mắc, tuy nhiên sự quan tâm đến bệnh của người dân vẫn chưa đúng mức. Trong khi đó, để phòng chống căn bệnh này hiệu quả, rất cần sự quan tâm, chung tay của cả cộng đồng.
Quận Long Biên (Hà Nội): Tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết Người bệnh sốt xuất huyết dễ trở nặng trong giai đoạn nào? Huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc): Tích cực diệt muỗi phòng chống dịch sốt xuất huyết

Người dân chủ quan, lơ là phòng chống dịch

Để đảm bảo công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue một cách hiệu quả, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tích cực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trước lượng bệnh nhân ghi nhận thời gian vừa qua vẫn ở mức tăng cao, đoàn kiểm tra của thành phố Hà Nội, Sở Y tế đã tổ chức kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn nhiều quận, huyện, thị xã..

Vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.
Vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết.

Qua công tác kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố vẫn có những tồn tại, đặc biệt là ý thức của người dân tham gia công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết còn chưa cao, chưa vào cuộc chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho bản thân.

Đặc biệt, ở các khu nhà trọ, có những người dân thuê trọ mới chuyển đến chưa được tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi là biện pháp chủ yếu để phòng bệnh lại chưa được người dân chú ý đúng mức. Muỗi có đặc điểm sinh sản trong các dụng cụ chứa nước, phế thải mà hầu hết mọi gia đình đều có.

Nơi cư trú của muỗi là ở xung quanh nơi con người sinh sống, nhất là những chỗ tối như: gầm giường, hốc tủ, quần áo treo trên vách, chăn màn, dây phơi đồ và đồ dùng trong nhà. Muỗi tồn tại xung quanh chúng ta và muốn không còn bệnh sốt xuất huyết thì chúng ta phải diệt lăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi và việc này cần sự chung tay của tất cả mọi người.

Do đó, để công tác phòng, chống sốt xuất huyết đạt hiệu quả cao, người dân cần chú ý tổng vệ sinh nhà cửa hàng tuần, không tạo môi trường thuận lợi cho muỗi trú ẩn, đẻ trứng và tìm cách loại bỏ trứng muỗi, diệt bọ gậy, diệt muỗi, phòng chống muỗi đốt.

Bên cạnh đó, cần phối hợp tích cực với ngành y tế trong các đợt xử lý môi trường, xử lý ổ dịch. Thực tế, nhiều hộ gia đình chưa quan tâm đến việc diệt lăng quăng, diệt muỗi. Một số khác lại có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào các đợt phun hóa chất của ngành Y tế chứ chưa chủ động phòng dịch hoặc không hợp tác trong việc phun thuốc tại hộ gia đình vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nâng cao tuyên truyền phòng chống dịch sốt xuất huyết

TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh: "Cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tại cộng đồng và tích cực tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát tại các địa bàn quận/huyện/thị xã, các tổ dân phố, cụm dân cư để huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.

Ngoài ra, người dân cần tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch và chung tay với chính quyền địa phương thực hiện phòng chống dịch sốt xuất huyết để có hiệu quả thực sự trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng".

Kiểm tra dụng cụ chứa nước, nguy cơ muỗi đẻ trứng gây dịch bệnh sốt xuất huyết.
TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cùng đoàn kiểm tra dụng cụ chứa nước, nguy cơ muỗi đẻ trứng gây dịch bệnh sốt xuất huyết

Các tổ xung kích diệt bọ gậy, đội giám sát cộng đồng cần hoạt động thực chất, hiệu quả “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phát hiện kịp thời các điểm nguy cơ cao và có biện pháp quyết liệt xử lý kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.

Dự báo tính hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn gia tăng trong thời gian tới với điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh và việc di biến động dân cư trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có đỉnh điểm vào tháng 11, 12 cuối năm.

Để công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết được hiệu quả rõ ràng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Các hình thức tuyên truyền cần phải thay đổi, dễ hiểu, dễ nhớ, đơn giản... để người dân tiếp cận được các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách dễ nhất.

TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Điển hình qua kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Thanh Xuân, chúng tôi cũng đã đề nghị tổ dân phố phải dán rơi các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cụ thể lên tường trước cửa các phòng trọ, nhà trọ, khu trọ để người dân dễ tiếp cận với các tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

Đồng thời, các tổ dân phố cần giao nhiệm vụ rõ ràng, có sự đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền. Phỏng vấn lại người dân để người dân nắm được kiến thức nhất định trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết như diệt muỗi, diệt loăng quang, bọ gậy, tránh muỗi đốt, khi bị sốt có biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý, điều trị kịp thời".

Trong thời gian tới, ngành y tế sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa tại cộng đồng, thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, phát hiện sớm ổ dịch và xử lý rứt điểm những ổ dịch mới bùng phát và những ổ dịch kéo dài, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Cùng với công tác chuyên môn, ngành y tế sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.

"Hà Nội đã thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chính là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chung tay phòng chống dịch của người dân.

Chúng tôi hy vọng với dịch bệnh sốt xuất huyết hiện đang bùng phát trên địa bàn Hà Nội thì cũng nhận được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và người dân, chúng ta ứng sử với dịch bệnh sốt xuất huyết như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp mà cần có sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến các quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn", Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh.

Phương Thu
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động