Người cộng sản kiên trung, tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng
Du khách tham quan di tích Nhà số 5D Hàm Long - nơi đồng chí Ngô Gia Tự và 7 đồng chí khác thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (tháng 3-1929).
Chưa một lần may mắn được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhưng Ngô Gia Tự lại tiếp nhận tư tưởng Nguyễn Ái Quốc như người “đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”. Với tư chất đặc biệt và tình cảm yêu nước nồng nàn, Ngô Gia Tự đã sớm giác ngộ và đi theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra.
Trên ghế nhà trường, Ngô Gia Tự say mê tìm đọc những tác phẩm của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và ngay lập tức bị cuốn hút vào những trang viết đó rồi nhanh chóng có sự chuyển biến về tư tưởng. Đồng chí bỏ học, tham gia các hoạt động yêu nước và cách mạng.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, Ngô Gia Tự đã tham gia tổ chức này ở Bắc Ninh và được giới thiệu sang dự lớp huấn luyện chính trị ở Quảng Châu (Trung Quốc).
Đồng chí thấm nhuần và quán triệt sâu sắc các nội dung thuộc về tư cách của một người cách mạng. Đó là, muốn thực hiện nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản thì trước hết phải có tư cách của một người cách mạng.
Ngô Gia Tự là con người “vị công vong tư”, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói đi đôi với làm và luôn hòa mình vào quần chúng. Về nước từ giữa năm 1927, Ngô Gia Tự tích cực hoạt động tuyên truyền cách mạng trong các tầng lớp nhân dân như: Học sinh, nông dân, dân nghèo thành thị, cả trong binh lính, đồng thời xây dựng các chi bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên.
Luôn tìm tòi, năng động, sáng tạo, không rập khuôn, máy móc, giáo điều, Ngô Gia Tự đã biến các lớp học văn hóa thành những lớp huấn luyện cách mạng, gắn lý luận với thực tiễn. Ngô Gia Tự sớm nhận thức được vai trò, sức mạnh của quần chúng nhân dân, đặc biệt là của công nhân và nông dân.
Năm 1928, Ngô Gia Tự là một trong những người đề xuất và cổ xúy cho phong trào Vô sản hóa. Hiện tượng Vô sản hóa chứng tỏ rằng nhân cách của một người cách mạng là phải hòa mình vào quần chúng, gắn bó mật thiết với quần chúng, cải tạo mình trong đời sống thực tiễn vô cùng phong phú của quần chúng, “từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”.
Chính phong trào Vô sản hóa là một trong những nhân tố quan trọng giúp Ngô Gia Tự đúc kết thành lý luận, từng bước tìm ra quy luật của cuộc đấu tranh cách mạng “một mất một còn” với kẻ thù trong hoàn cảnh cụ thể của nước Việt Nam thuộc địa.
Phong trào Vô sản hóa cho thấy, nhân cách của những người cách mạng là chất cách mạng, thật sự cách mạng. Họ là những người đã tự mình “cách mạng hóa”, từ bỏ những gì không hợp với quần chúng, thâm nhập vào quần chúng, làm bạn với quần chúng, đưa chính trị vào giữa dân gian, nói tiếng nói và thể hiện khát vọng của quần chúng.
Theo Ngô Gia Tự, phong trào cách mạng phải có một đảng cộng sản lãnh đạo thì mới phát triển đúng hướng và vững chắc. Phát hiện xu thế thành lập một đảng cộng sản đã chín muồi, nhóm Ngô Gia Tự đã thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam. Dưới ánh sáng tư tưởng Nguyễn Ái Quốc, xuất phát từ thực tiễn, Ngô Gia Tự khẳng định phải thành lập một đảng cộng sản ở Việt Nam.
Tại Đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên (tháng 5-1929), Ngô Gia Tự nêu ý kiến và dũng cảm đấu tranh bảo vệ quan điểm phải thành lập ngay Đảng Cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng đang lên cao.
Khi ý kiến đó không được chấp nhận, Ngô Gia Tự và các đồng chí của mình bỏ đại hội ra về, thảo Tuyên ngôn kêu gọi các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là công nhân và nông dân ủng hộ việc thành lập Đảng Cộng sản. Ngô Gia Tự đã có công lớn trong việc thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Đảng (tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam).
Những người quyết tâm thành lập Đảng Cộng sản trong bối cảnh lúc bấy giờ thể hiện một nhân cách lớn. Đó không chỉ là nhiệt tình cách mạng mà còn là lý trí cách mạng; không chỉ là lòng yêu nước mà còn là sự hiểu biết khoa học, là sự kết hợp nhận thức khoa học và đặc biệt là tinh thần cách mạng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc và dân tộc.
Tận tụy quên mình, kiên trung bất khuất, đồng chí Ngô Gia Tự luôn nêu cao phẩm chất cách mạng đặt lợi ích của Đảng, của cách mạng, của giai cấp, của dân tộc lên trên hết, trước hết, một lòng vì nước, vì dân.
Những ngày trong Khám Lớn Sài Gòn, bị kết án chung thân đày ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo, Ngô Gia Tự đã biến nhà tù thành trường học cách mạng. Bằng ý chí và nghị lực của mình, Ngô Gia Tự luôn giữ vững tinh thần của một chiến sĩ cộng sản, kiên trung bất khuất.
Trước những thủ đoạn nham hiểm của kẻ thù, Ngô Gia Tự luôn bình tĩnh, đĩnh đạc, tự tin, dành cho mình ở thế chủ động, không khai báo bất cứ điều gì. Bằng lý lẽ đanh thép có sức thuyết phục của một con người ở thế chính nghĩa, được học tập lý luận cách mạng, tôi luyện qua thử thách đấu tranh, Ngô Gia Tự tấn công kẻ thù, biến tòa án đế quốc thành nơi buộc tội đế quốc.
Ngô Gia Tự tỏ rõ khí phách anh hùng, nhân cách cộng sản của một chiến sĩ cách mạng luôn biết đặt lợi ích của Đảng, của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết. Ở trong tù nhưng Ngô Gia Tự vẫn miệt mài nghiên cứu, tổng kết lý luận, giảng dạy và giáo dục lý tưởng cộng sản, tuyên truyền lý luận Mác - Lênin và tư tưởng Nguyễn Ái Quốc cho bạn tù.
Đồng chí Ngô Gia Tự để lại cho chúng ta tấm gương sáng ngời về nhân cách của một người cách mạng. Điều quan trọng nhất trong giai đoạn hiện nay là, mỗi cán bộ, đảng viên; mỗi đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng phải nêu gương chí công vô tư, luôn biết đặt lợi ích của Tổ quốc và nhân dân lên trên hết, trước hết.
Nêu gương chí công vô tư đi liền với chống chủ nghĩa cá nhân - một thứ vi trùng rất độc đẻ ra hàng trăm thứ bệnh khác nhau, là trở lực trên con đường đổi mới, kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, thắng lợi của sự nghiệp đổi mới không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
Phải tin tưởng sâu sắc, chắc chắn vào lực lượng vĩ đại và tương lai vẻ vang của giai cấp và của dân tộc; thấu suốt, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về “dân là gốc”. Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo mà nên hiểu thấu. Biết học hỏi nhân dân, hiểu dân, tin dân, dựa vào dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng tai nghe ý kiến của nhân dân là nhân cách văn hóa của cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu. Quan liêu, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng.
Đúng như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Theo Hà Nội Mới