Ngộ độc methanol do uống cồn sát trùng “rởm”
16.000 người nhiễm HIV/AIDS, người đang uống methadone được điều trị viêm gan C Bộ Y tế cảnh báo người dân không sử dụng loại rượu gây chết người Ngộ độc cồn công nghiệp tái xuất, nhiều ca nguy kịch |
Chỉ vài ngày sau Tết Nguyên đán, Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận và điều trị cho gần chục ca ngộ độc cồn công nghiệp methanol.
Ảnh minh hoạ |
Mới đây, Trung tâm đã tiếp nhận trường hợp một bệnh nhân nam 46 tuổi ở Vĩnh Phúc, nhập viện đêm ngày 29/01/2023, bị ngộ độc, hôn mê, tụt huyết áp, tổn thương não nặng sau khi uống cồn sát trùng mua ở hiệu thuốc, kết quả xét nghiệm máu cũng cho thấy nồng độ methanol trong máu cao, tuy nhiên đã tử vong vào ngày hôm sau nhập viện.
Đáng chú ý nguồn gốc của hóa chất cồn công nghiệp methanol đa dạng. Các ca bệnh đều rất nặng, hôn mê, có tổn thương não, nồng độ cồn methanol trong máu rất cao và đã có trường hợp tử vong.
Trong các bệnh nhân ngộ độc methanol đang điều trị tại Trung tâm có một bệnh nhân nam, 52 tuổi do nghiện rượu nên thường giấu gia đình ra hiệu thuốc mua cồn y tế để uống.
Tuy nhiên, cách đây 3 ngày, ông thấy tự nhiên mắt tối sầm, gần như không nhìn thấy gì. Sau khi đi khám mắt thì được chuyển vào Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, xét nghiệm thấy nồng độ methanol ở mức cao, phải lọc máu cấp cứu.
Thực trạng này cho thấy sau khi Trung tâm chống độc phát hiện nhiều sản phẩm cồn sát trùng rởm chứa hầu hết thành phần là cồn công nghiệp methanol, trung tâm đã thông báo các cơ quan chức năng.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản nghiêm cấm bán các sản phẩm cồn sát trùng chứa methanol ở các hiệu thuốc, thì các nhà sản xuất đã thay đổi nhãn mác, tuy nhiên vẫn lách luật bằng cách giữ nguyên mẫu mã chai lọ giống hệt chai cồn sát trùng và các hiệu thuốc vẫn nhập về bán.
Các sản phẩm cồn sát trùng rởm chứa methanol hoặc các chai hóa chất lau chùi hoặc làm nhiên liệu nhưng lại được đóng chai và bán nhập nhèm gây nhầm lẫn với cồn sát trùng, thực sự còn nguy hiểm rất lớn cho toàn dân và cả hệ thống y tế.
Đặc biệt khi các loại cồn rởm này được đưa vào sử dụng sát trùng, không có tác dụng và không thể bảo vệ người dân trước nguy cơ nhiễm trùng, đồng thời khi sát trùng methanol lại ngấm qua da vào cơ thể và nguy cơ gây ngộ độc.
Các cơ sở y tế hiện nay rất dễ dàng mua phải các loại cồn rởm này về sử dụng cho các bệnh nhân, do giá rẻ nên rất dễ trúng thầu. Hậu quả là biết bao bệnh nhân nặng, bệnh nhân phải phẫu thuật, trẻ sơ sinh, sản khoa… sẽ phải chịu hậu quả.
Để phòng tránh ngộ độc cồn công nghiệp methanol, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chỉ rõ đầu tiên là khâu quản lý hóa chất.
Methanol là hóa chất nhập khẩu hoặc sản xuất công nghiệp lớn, nhưng đã bị “tuồn” ra ngoài, nên cơ quan chức năng cần tăng cường khâu quản lý hóa chất.
Người dân nên hạn chế tối đa việc uống rượu và khi mua rượu uống hoặc mua cồn sát trùng, cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có thông tin trên nhãn mác cụ thể và đầy đủ về thành phần, công dụng và thông tin nhà sản xuất.