Nghịch lý xăng dầu: Giảm nhập khẩu, vì sao giá vẫn theo thế giới?
Giá xăng dầu tăng lần thứ 2 liên tiếp 6 tháng, TP HCM không nhập khẩu lít xăng nào |
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong tháng 6/2019 của Việt Nam đạt 530 nghìn tấn, trị giá 306 triệu USD, giảm 33,4% về lượng và giảm 40,9% về trị giá so với tháng trước.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại đạt 4,39 triệu tấn, trị giá 2,71 tỷ USD, giảm 37,8% về lượng và giảm 41,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xét về thị trường, xăng dầu các loại được nhập khẩu về Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2019 chủ yếu có xuất xứ từ Malaysia với 1,22 triệu tấn, giảm 39,4%; Singapore với 1,09 triệu tấn, giảm 34,8%; Hàn Quốc với 978 nghìn tấn, giảm 48,4 %... so với 6 tháng/2018.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất. |
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, lần đầu tiên trong lịch sử các cửa khẩu TP HCM không có lô xăng nào nhập khẩu, trong khi cùng kỳ năm 2018 kim ngạch mặt hàng này nhập khẩu đạt gần 11 triệu USD, trong khi đó mặt hàng diesel nhập khẩu kim ngạch cũng giảm mạnh chỉ đạt 0,6 tỷ USD, giảm 31,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo tìm hiểu, tính đến thời điểm hiện tại, hai nhà máy Lọc dầu Dung Quất và nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã đi vào vận hành thương mại, đưa Việt Nam từ một nước xuất khẩu toàn bộ dầu thô, nhập khẩu toàn bộ sản phẩm xăng dầu đến nay đã dần chủ động được nguồn cung xăng dầu nội địa.
Được biết, từ năm 2019, nguồn cung xăng dầu nội địa của hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đáp ứng được cơ bản (chưa có thống kê chính xác %) nhu cầu trong nước, còn lại là từ nguồn nhập khẩu và các nhà máy chế biến condensate khác trong nước. Vì vậy, các đầu mối kinh doanh xăng dầu tập trung mua hàng từ hai nhà máy lọc dầu trong nước mà ít nhập khẩu từ nước ngoài hơn.
Như vậy, vì sao trong bối cảnh nửa đầu năm nay Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài và nguồn cung cũng chủ yếu từ hai nhà máy Lọc dầu Dung Quất và nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn nhưng giá trong nước vẫn được điều chỉnh theo thế giới?
Thực tế, tại các lần điều chỉnh xăng dầu, ngoài căn cứ vào các phép tính, quy định từ trong nước đến các Hiệp định thương mại thì Liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn còn một cơ sở nữa để điều chỉnh giá xăng dầu trong nước là giá thị trường thế giới tăng hay giảm. Thậm chí, là phụ thuộc hầu như vào giá thế giới nếu tăng thì trong nước tăng và ngược lại.
Mới đây nhất, trong đợt điều chỉnh ngày 17/7, từ mức tăng của giá thế giới, Liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng E5RON92 là 626 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 718 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 48 đồng/lít... Như vậy, vẫn theo cơ chế "tự động" giá xăng thế giới tăng thì giá trong nước cũng sẽ tăng theo chiều thuận, chưa khi nào mà giá thế tăng nhưng trong nước lại đi xuống.
Vậy "vì sao giảm nhập khẩu, giá vẫn theo thế giới?". Câu hỏi này rất cần có lời giải đáp để thỏa những nghi vấn của người dân bấy lâu nay!