Nghị lực phi thường của thầy giáo viết chữ bằng miệng

Gần chục năm nay, anh Phùng Văn Trường miệt mài dùng miệng viết chữ và dạy học cho trẻ em nghèo. Hai tiếng “thầy Trường” trở nên thân thương với người dân thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Từ nghị lực phi thường và những việc làm nhân ái, anh được tặng danh hiệu người tốt việc tốt tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Thầy thể dục vô cớ đánh học sinh có triệu chứng "loạn thần" Phụ huynh xông vào trường hành hung, thầy giáo nhập viện
nghi luc phi thuong cua thay giao viet chu bang mieng
Anh Phùng Văn Trường chia sẻ với học trò

Khi tìm thấy ý nghĩa cuộc sống

Là con trai đầu lòng của vợ chồng nông dân nghèo, anh Phùng Văn Trường được sinh ra với sự kỳ vọng lớn của bố mẹ. Tuy nhiên, hạnh phúc chẳng trọn vẹn, khi các bạn đồng lứa đến tuổi biết đi, biết chạy thì anh Trường lại không thể làm được những điều đó. Đôi tay, đôi chân của anh yếu dần và không thể tự mình cử động. Rồi những ngày tháng tiếp theo, cuộc sống của anh phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, người thân.

Cố gắng đến trường được 8 năm nhưng tình hình sức khoẻ ngày càng không cho phép, chàng trai nhỏ khi ấy đành phải gác lại niềm vui duy nhất là đi học. Cũng từ đó, cuộc sống của anh gắn liền với chiếc xe lăn.

Lớn lên, nhìn bạn bè cùng trang lứa tung tăng đến lớp, làm những điều mình thích, anh Trường quyết tâm tự lập bằng việc xin bố mẹ ra ở riêng, một phần cũng vì con đường trong làng đi lại khó khăn và ngại phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác. Bố mẹ dựng cho một căn nhà nhỏ ngoài mặt đường, anh Trường đã mở một quầy hàng để bán. Thấy hoàn cảnh của anh, người mua hàng khá đông, tuy nhiên, anh lại không làm được việc ghi chép sổ sách thu chi.

“Khi phải tự mình bươn chải, bàn hàng kiếm sống, tôi mới thấm thía nỗi khổ cực vì không thể viết. Khách hàng muốn mua chịu hàng nhưng tôi không thể ghi nợ được”, anh Trường chia sẻ.

nghi luc phi thuong cua thay giao viet chu bang mieng
Anh Phùng Văn Trường cùng học trò tại lớp học của thầy giáo làng

Nghĩ đến tấm gương thầy Nguyễn Ngọc Ký năm xưa viết chữ bằng chân, trong khi tay chân mình không vận động được, anh Trường quyết tâm học viết chữ bằng miệng. Thế rồi, anh quyết tâm học viết cho bằng được.

Anh Trường kể, những ngày đầu tập viết gian nan vô cùng. Bút chọc thẳng vào họng gây buồn nôn, thậm chí chảy cả máu. Rồi tập nhiều, cả ngày cúi sát xuống vở đau vai mỏi cổ, hoa mắt. Sợ rằng tay chân đã khuyết tật lại hại thêm đôi mắt thì không được nên anh tưởng tượng răng của mình giống như những ngón tay và cắm bút chéo trong miệng. Răng hàm kẹp chặt bút và cổ điều khiển bút đi ngang dọc. Tập luyện ròng rã, những trang giấy ướt đẫm mô hôi, nước mắt và cả nước miếng. Khi thấy mỗi dòng chữ hiện dần lên trên giấy, anh tìm thấy được ý nghĩa cuộc sống.

“Từ ngày có con chữ, tôi tranh thủ vừa bán hàng, vừa trông và dạy học cho đứa cháu 6 tuổi, con của em gái. Hàng xóm xung quanh thấy tôi dạy trẻ được nên họ mang con, mang cháu đến gửi nhờ trông nom dạy dỗ mỗi khi bận việc”, anh Trường cho biết.

Lớp học của thầy giáo làng

Cứ thế căn nhà nhỏ của anh Trường trở thành lớp học lúc nào không hay. Tiếng lành đồn xa, người dân trong thôn Nhân Lý, rồi các thôn khác, địa phương lân cận cũng dần biết đến. Hiện nay, lớp học của anh ngày nào cũng có 2 ca buổi trưa sau khi các cháu tan học trên trường và buổi chiều tối. Đều đặn như vậy, lớp học ghép các độ tuổi của thầy giáo làng luôn vui vẻ. Đứa trẻ nào biết cũng thích đến học thầy.

Mỗi ngày, ai đi qua nhà anh đều nhận thấy lớp học rộn rã tiếng vui cười của trò, tiếng dạy học của thầy giáo khuyết tật vang lên khiến phụ huynh cũng như người dân nơi đây cảm thấy ấm lòng.

Ông Phùng Văn Tùy – ông nội em Phùng Thế Anh, một học sinh trong lớp của anh Trường cho biết: “Không chỉ dạy các cháu đọc chữ, học toán, thầy Trường còn dạy dỗ các cháu kỹ năng sống, biết giúp đỡ bố mẹ, kính trên nhường dưới. Lớp học nhiều lứa tuổi nhưng cháu nào cũng nghe lời anh Trường. Chúng tôi rất yên tâm khi gửi con cháu đến thầy Trường”.

Trước đây, khi được hỏi về mong muốn của mình, anh Trường ước ao có một tủ sách hoặc thư viện nhỏ để các cháu có điều kiện đọc và học nhiều hơn. Chương trình “Điều ước thứ Bảy” của Đài Truyền hình Việt Nam đã hiện thực hóa ước mơ đó bằng việc mở thư viện ngay tại nhà anh lấy tên “Hallo World” - với ý nghĩa xin chào thế giới. Tủ sách lớn dần lên khi quanh xã, địa phương, ai có sách hay cũng mang đến tặng, làm dày thêm kiến thức cho các cháu nhỏ.

Hạnh phúc luôn mỉm cười với những người luôn nỗ lực sống tốt. Một tương lai sáng hơn cho anh khi kết duyên với người vợ hiền. Ngay khi biết hoàn cảnh của anh và lần đầu gặp gỡ, chị đã muốn làm người xây tổ ấm với anh. Đến nay, vợ chồng anh đã có bé trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Hàng ngày, anh Trường luôn cố gắng tự mình làm những việc cá nhân, giúp vợ, dạy trẻ và chăm chút cho thư viện “Hallo World”.

Anh tâm sự, với anh, con trai và những đứa trẻ, học sinh thân yêu là nguồn sống, tương lai, là động lực để anh ham sống tiếp. Từ ngày có con, anh chỉ mong mình sống thật lâu để cùng con bước qua những chông gai của cuộc đời.

“Điều an vui, hạnh phúc của tôi là mỗi sáng thức dậy làm được những điều mình mong muốn như tự lên xe lăn, rửa mặt, lấy cơm cho con ăn... Đặc biệt, tôi muốn khỏe mạnh để dạy chữ cho các học sinh nghèo”, anh Trường bộc bạch.

Bình Minh
Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động