Nghệ thuật sơn mài - Để các “bảo tàng sống” không lụi tàn

Các nhà nghiên cứu thường gọi nghệ thuật sơn mài là tinh túy truyền thống và là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam. Các làng nghề sơn mài cũng được ví như bảo tàng sống lưu truyền giá trị văn hóa dân tộc. Thế nhưng trước vòng xoáy nền của kinh tế thị trường, cả nghệ thuật sơn mài lẫn các làng nghề đều phải đương đầu với thách thức vượt qua chính mình để hòa nhập vào thế giới đương đại.

Bài 1: Vệt màu buồn ở làng nghề sơn mài Hạ Thái

Covid-19 quét qua làm trầm trọng thêm làn sóng bỏ nghề ở làng sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội). Nghề truyền thống có lịch sử 200 được lưu truyền qua nhiều thế hệ tại ngôi làng ven đô đang đứng trước nhiều thách thức, nguy cơ bị mai một theo thời gian.

Đã qua cái thời huy hoàng nhất của làng nghề sơn mài khi làm ngày làm đêm vẫn không kịp đơn đặt hàng từ nước ngoài. Làn sóng bỏ nghề đã bắt đầu xuất hiện khi thu nhập từ sơn mài khó cạnh tranh với các nghề khác. Tác động của đại dịch Covid-19 càng làm nổi lên gam màu ảm đạm của làng nghề sơn mài Hạ Thái (Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội).

Nghệ thuật sơn mài - Để các “bảo tàng sống” không lụi tàn
Tranh sơn mài là nét đặc trưng riêng của hội họa Việt Nam.

Vang bóng một thời

Theo những nghệ nhân của làng sơn mài Hạ Thái, đầu thập kỷ 2000 là thời điểm làng nghề “ăn nên làm ra”. Khi đó, đất nước đang đổi mới; kinh tế mở cửa, làng Hạ Thái nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Đông Nam Á và Đông Âu. Sau 20 năm, không khí làng nghề trở nên đìu hiu, vắng vẻ hơn vì giá bán thấp và “bán chẳng ai mua”.

Theo cha mẹ làm sơn mài từ năm 14 tuổi, anh Đỗ Quang Thắng là chủ một hộ sản xuất sơn mài truyền thống. Gia đình anh chủ yếu làm sơn mài trên bình gốm sứ, lọ cắm hoa và tranh.

Nghệ thuật sơn mài - Để các “bảo tàng sống” không lụi tàn
Anh Thắng và tác phẩm tranh sơn mài mất 2 tháng để hoàn thành.

Anh Thắng thường mất hàng tháng trời để hoàn thành một bức tranh sơn mài theo kiểu truyền thống: sử dụng sơn ta, khảm vỏ trứng, vỏ trai,… Tuy nhiên, giá bán của những bức tranh này chỉ từ 2 - 3 triệu đồng. Nếu chỉ dựa vào bán tranh, thu nhập không đủ nuôi gia đình bốn người.

“Nguyên liệu, nhân công đắt, trong khi đó, giá sản phẩm không lên nhiều. Chi phí làm qua từng năm chỉ có đắt lên, nhưng giá tranh lại không bù vào được phần đắt lên đó”, anh Thắng tâm sự.

Thế nhưng, theo người đàn ông 50 tuổi này, bán được hàng đã là may. Hộ gia đình của anh chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ, do gia đình tự kiếm được, nên đầu ra sản phẩm luôn bấp bênh. Không bán được hàng, phòng khách và khoảng sân trước nhà anh chật kín những bình gốm vừa “bó hom vóc” và thành phẩm.

Nghệ thuật sơn mài - Để các “bảo tàng sống” không lụi tàn
Những lọ gốm sau khi đã được bó hom. Song, vì không có đơn đặt hàng, sản phẩm bị chất đầy trong một góc nhà.

Làn sóng bỏ nghề

Tại các xưởng làm sơn mài công nghiệp, mức thu nhập trung bình của người thợ chỉ từ 100.000 đồng/ngày. Với mức thu nhập đó, sơn mài không cạnh tranh được với những làng nghề lân cận. Cách Hạ Thái chưa đến 2 cây số, Phúc Am là nơi làm vàng mã lớn nhất Hà Nội. Vàng mã là mặt hàng tiêu thụ thường xuyên, trong năm lại có các dịp lễ lớn như Rằm tháng 7, Tết Nguyên Đán,... làm nhu cầu của thị trường tăng gấp bội. Tại đây, một ngày công của của người thợ dao động từ 120.000 - 150.000 đồng.

Thu nhập từ nghề thấp, cuộc sống người dân bấp bênh, lại chịu sự cạnh tranh lớn từ các làng nghề lân cận, Hạ Thái chưa bao giờ khó kiếm tìm thế hệ giữ nghề đến vậy. “Sống bám vào nghề truyền thống vào thời điểm này tương đối khó khăn. Đến lớp tuổi như con tôi có khi nó cũng bỏ hết nghề”, anh Đỗ Quang Thắng lo lắng.

Nỗi lo này không phải câu chuyện của riêng ai. Sống cạnh nhà anh Thắng là cụ Nguyễn Nam, ngoài 70 tuổi, cũng làm sơn mài. Con trai cụ khoảng 40 tuổi, đã bỏ nghề đi làm cơ khí, mỗi tháng thu nhập cao gấp 3 lần khi làm sơn mài.

Cụ chia sẻ: “Giữ nghề truyền thống bây giờ chỉ có những người 60, 70 tuổi thôi. Lao động trẻ làng Hạ Thái chủ yếu là người nơi khác tới học nghề; khi có cơ hội tăng thu nhập, họ sẵn sàng bỏ đi. Bên cạnh đó, tại đây, sơn mài chỉ được coi là nghề phụ cho những lúc nông nhàn. Việc đào tạo và truyền nghề thành công là một chuyện hiếm”.

Nghệ thuật sơn mài - Để các “bảo tàng sống” không lụi tàn
Cụ Nam đang bó hom vóc cho một tác phẩm

Đại dịch Covid-19 đã khiến làn sóng bỏ nghề tại Hạ Thái dữ dội hơn bao giờ hết. Từ trước 2020 đến nay, theo lời của nhiều người làng, cứ 10 doanh nghiệp làm sơn mài, có đến 7 nơi bỏ nghề, cho thuê xưởng.

Chị Nguyễn Kiên là một trong số những người “bỏ cuộc chơi”. Chị chia sẻ:“L àm mất hai tháng mới xong một đơn hàng sơn mài. Trong thời gian đó, sản phẩm rất dễ rơi vỡ, trầy xước. Ngoài ra, sản phẩm cũng bị phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Có những đơn hàng giáp Tết, ngay trước khi làm xong, chuẩn bị xuất lại bị sùi hết vì thời tiết ẩm. Khi sản phẩm tới tay khách hàng, họ trả lại ngay”.

Vợ chồng chị Kiên từng là chủ một xưởng sản xuất sơn mài xuất khẩu đi Malaysia; do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế 2008, kinh tế Malaysia đi xuống, từ đó nhu cầu hàng sơn mài giảm sút mạnh.

“Lúc này, doanh nghiệp chú trọng thị trường trong nước, song tại Việt Nam, đầu tư sơn mài quay vòng vốn chậm, nên đến năm 2016 tôi quyết định bỏ nghề”, chị Kiên nói.

Nỗi niềm “Nghệ thuật cũng chỉ là cái thứ yếu”

Cách nhà anh Thắng khoảng 1 cây số, họa sĩ Trần Công Dũng có những nỗi niềm riêng với nghề.

Anh Dũng gốc Tuyên Quang. Sau khi tốt nghiệp trường mỹ thuật, anh về Hạ Thái làm sơn mài. So với nhiều người trong làng, họa sĩ Dũng cũng là một người “có số má”. 25 năm gắn bó cùng sơn mài, tranh của anh từng được trưng bày tại Hoa Kỳ, xuất hiện trong tòa nhà Quốc hội Việt Nam; giá trị mỗi bức lên đến 10 triệu đồng/m2.

Nghệ thuật sơn mài - Để các “bảo tàng sống” không lụi tàn
Họa sĩ Trần Công Dũng.

Thế nhưng, khi thời khi hoàng kim qua đi, anh Dũng giờ đây phải vẽ những sản phẩm đại trà mà theo anh là “không có giá trị nghệ thuật”. Là người được đào tạo chính chuyên về hội họa, anh Dũng luôn trăn trở khi tìm cách định hình cái riêng của người họa sĩ.

“Nói chung, thẩm mỹ của hầu hết người Việt Nam chưa cao. Nghệ thuật cũng chỉ là cái thứ yếu. Người ta nói nó quan trọng thì chỉ tỏ ra là quan trọng thôi”, họa sĩ Trần Công Dũng ngậm ngùi.

Nghệ thuật sơn mài - Để các “bảo tàng sống” không lụi tàn
Lượng tranh tồn đọng trong kho tăng dần theo thời gian ở xưởng của họa sĩ Trần Công Dũng

Lượng tranh tồn đọng trong kho tăng dần theo thời gian; nhưng anh không có lựa chọn khác với nghề nuôi sống mình. Người họa sĩ thở dài: “Những người làm sơn mài ở làng này chủ yếu là nông dân thuần túy. Cái gì ra tiền thì họ làm. Còn tôi thì không bỏ được vì đây là nghề của mình. Đủ sống thôi đã khó rồi. Khoảng 50 năm nữa, sau thời kỳ của chúng tôi, nghề sơn mài dần dần sẽ mất.”

Tháng 12/2020, sự kiện UBND Thành phố Hà Nội công nhận Hạ Thái là điểm du lịch làng nghề được kỳ vọng là bước đà để xây dựng và lan tỏa thương hiệu làng nghề. Thực tế sau hơn nửa năm, kế hoạch phát triển du lịch mới chỉ dừng ở bước công nhận.

Chị Nguyễn Hồng Xuyến là thành viên của Hội Phụ nữ làng cho biết: “Làng có xây chỗ trưng bày sản phẩm nhưng chỉ trưng bày khoảng 1 tuần các mặt hàng xong lại thôi. Khu du lịch nhưng chủ yếu là các xưởng có phòng trưng bày riêng. Các nơi này cũng chỉ rải rác, tự phát, chưa được quy mô hóa ra toàn khu”.

Tốc độ đô thị hóa nhanh kéo theo sự thay đổi chóng mặt của các làng quê ven Hà Nội. Nhưng cũng giống như nhiều làng nghề khác ở Hà Nội và cả nước, sự thay đổi để truyền thống bắt nhịp với hiện đại ở Hạ Thái đang diễn ra chậm. Những người tâm huyết với sơn mài vẫn đang đau đáu tìm những giải pháp để cứu nguy cho làng nghề truyền thống.

(Còn tiếp…)

Hà Nội hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu Hà Nội hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu

Theo kế hoạch, năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ hỗ trợ 10 làng nghề xây dựng, phát triển thương hiệu và xác lập quyền ...

Minh Quân - Hà Thu
Phiên bản di động