Nghệ An: Khúc mắc cần làm rõ sau án phạt vi phạm tại xưởng gỗ của Công ty Đông Hồi
Nghệ An: Chủ tịch xã và thuộc cấp lập khống hồ sơ quyết toán để rút tiền ngân sách Nghệ An: Khởi tố nguyên Chủ tịch UBND xã Đỉnh Sơn lập chứng từ khống rút tiền Nhà nước |
Án phạt dành cho Công ty Đông Hồi
Cuối tháng 8/2022, theo đề nghị của Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An, UBND thị xã Hoàng Mai đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển Đông Hồi (Công ty Đông Hồi) là chủ đầu tư dự án Xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu đóng tại xã Quỳnh Lập với tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng với nhiều hành vi vi phạm.
Theo quyết định xử phạt, Công ty Đông Hồi đã thực hiện các hành vi vi phạm: Không thực hiện theo đúng nội dung tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Góp vốn bằng quyền sử dụng đất đối với đất được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê hàng năm không đủ điều kiện (góp vốn bằng quyền sử dụng đất 19.995m2 không đủ điều kiện); Xây dựng công trình sai nội dung giấy phép được cấp đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng mới thuộc trường hợp phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng; Đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu.
Công ty Đông Hồi là chủ đầu tư dự án Xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu đóng tại xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Tuy nhiên, Công ty Minh Long lại là đơn vị đầu tư dây chuyền sản xuất. |
Về biện pháp khắc phục hậu quả, UBND thị xã Hoàng Mai buộc Công ty Đông Hồi phải nộp số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong thời gian vi phạm.
Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày quyết định xử phạt được ban hành, Công ty Đông Hồi phải hoàn thành hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng điều chỉnh. Hết thời hạn trên mà không xuất trình được giấy phép xây dựng điều chỉnh thì buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng, bao gồm: xưởng băm, nghiền dăm gỗ; trạm điện và 2 ụ máy gắp nguyên liệu gỗ, mái che trạm cân.
Ngoài ra, trong thời hạn tối đa 3 tháng, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính, Công ty Đông Hồi phải tổ chức nghiệm thu bộ phận công trình, hạng mục công trình, đưa vào sử dụng đối với công trình, hạng mục công trình không phải phá dỡ.
Quyết định xử phạt Công ty Đông Hồi của UBND thị xã Hoàng Mai, Nghệ An |
Được biết, dự án Xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu của Công ty Đông Hồi được Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2016, nhưng mãi đến năm 2019 mới triển khai. Khúc mắc của sự việc này chính là Công ty Đông Hồi và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Minh Long 68 (Công ty Minh Long) ký Hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực hiện hoạt động sản xuất, chế biến gỗ tại dự án.
Ai đúng ai sai và ai sẽ chịu thiệt?
Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Đông Hồi đã nhiều lần có văn bản đề nghị chấm dứt Hợp đồng hợp tác kinh tế với Công ty Minh Long vì cho rằng đối tác có những vi phạm các điều khoản, nghĩa vụ đã thỏa thuận trong hợp đồng khi có sai phạm trong quá trình xây dựng. Tuy nhiên, phía Công ty Minh Long không đồng ý vì chưa hết hạn hợp đồng (hợp đồng có thời hạn 10 năm, ngày ký là 4/10/2019) và cho rằng mình làm đúng theo những điều khoản trong hợp đồng hợp tác nên vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hợp đồng Hợp tác kinh tế giữa Công ty Đông Hồi và Công ty Minh Long |
Trong văn bản gửi Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An vào cuối tháng 4/2022, Công ty Minh Long cho biết, căn cứ theo quy định tại hợp đồng mà hai bên đã ký, Công ty Minh Long và Công ty Đông Hồi cùng hợp tác, chia sẻ lợi nhuận từ việc kinh doanh chế biến và mặt bằng bãi chứa, băm dăm gỗ, gỗ xe thanh ván sàn ... có nguồn gốc từ rừng trồng (chế biến gỗ) tại khu đất tại xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
Theo hợp đồng, Công ty Đông Hồi góp vốn bằng mặt bằng đất và là pháp nhân của dự án. Trong khi đó, Công ty Minh Long góp vốn bằng toàn bộ công trình trên đất và máy móc thiết bị phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh trên mặt bằng mà Công ty Đồng Hồi là chủ đầu tư thực hiện dự án.
Công ty Minh Long cho rằng, việc ký kết hợp đồng hợp tác và thực hiện hợp đồng là hình thức hợp tác phù hợp theo quy định pháp luật: Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC (Hợp đồng hợp tác kinh doanh. Hình thức đầu tư này được cho phép theo quy định tại Khoản 1 Điều 27 Luật Đầu tư).
Trong quá trình hợp tác, Công ty Đông Hồi và Công ty Minh Long có quyền thỏa thuận sử dụng tài sản góp vốn và tài sản hình thành từ việc hợp tác phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh tại dự án theo quy định pháp luật hiện hành.
Trách nhiệm của Ban Quản lý KTT Đông Nam ra sao trong vụ việc này? |
Theo đó, việc Công ty Minh Long và Công ty Đông Hồi cùng sản xuất kinh doanh, xây dựng các hạng mục phục vụ hoạt động của dự án Xưởng chế biến gỗ dân dụng và xuất khẩu hiện tại, cũng như khai thác, vận hành xưởng chế biến gỗ là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật hiện hành, phù hợp với chủ trương của Nhà nước đối với việc khuyến khích phát triển đầu tư trong khuôn khổ điều chỉnh bởi các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Về việc sử dụng đất, Công ty Minh Long cho biết, doanh nghiệp này chỉ thực hiện việc hợp tác đầu tư theo hình thức góp vốn cùng Công ty Đông Hồi, không nhận chuyển nhượng, không thuê lại quyền sử dụng đất trên từ Công ty Đông Hồi mà không nhận được sự chấp thuận của Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An.
Các tài sản trên đất hình thành từ việc hợp tác với Công ty Đông Hồi được hai bên phân định cụ thể căn cứ theo quy định tại Hợp đồng hợp tác kinh tế. Việc khai thác, vận hành nhà máy chế biến gỗ trong quá trình hợp tác là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Mọi hoạt động của Công ty Minh Long tại nhà máy, từ các hoạt động hỗ trợ sản xuất thiết yếu như điện, nước, biển hiệu, quảng cáo,... đều được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và nội dung hợp tác giữa hai công ty.
Theo Công ty Minh Long, dự án Xưởng gỗ được hai doanh nghiệp hợp tác vận hành từ năm 2019 đến nay đã tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Đối với nhiều gia đình, công việc tại nhà máy chế biến gỗ là nguồn thu nhập chính, nuôi sống nhiều thế hệ học tập và làm việc. Do đó, việc duy trì nhà máy chế biến gỗ hoạt động hiệu quả dưới sự vận hành của Công ty Minh Long như thời điểm hiện tại sẽ tiếp tục hỗ trợ ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương, góp phần hoàn thành mục tiêu chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, đóng góp ngân sách Nhà nước.
Như vậy, cái khó trong vụ việc này là đơn vị chấp hành quyết định xử phạt là Công ty Đông Hồi, nhưng tài sản trên đất, máy móc thiết bị trong dự án lại là của Công ty Minh Long. Trong trường hợp, hai doanh nghiệp không tìm được tiếng nói chung đến khi thời hạn khắc phục hậu quả theo quyết định của UBND thị xã Hoàng Mai đã hết thì việc phá dỡ các công trình trong dự án lại gây thiệt hại cho phía Công ty Minh Long.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Văn Phú - Chánh văn phòng UBND thị xã Hoàng Mai cho biết, việc tiến hành cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm sẽ được thực hiện thận trọng, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện phía Công ty Đông Hồi đang trong thời gian chấp hành án phạt, nếu quá thời gian khắc phục hậu quả mà chưa cung cấp được các hồ sơ liên quan thì mới tính đến phương án cưỡng chế.
Khi phóng viên đặt vấn đề mặc dù dự án chưa được nghiệm thu những đã hoạt động sản xuất từ năm 2019 đến nay, đến tháng 8/2022 mới ra quyết định xử phạt, vậy trách nhiệm của UBND thị xã Hoàng Mai ra sao thì ông Phú đẩy trách nhiệm sang phía Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An vì đây mới là cơ quan cấp chứng nhận đầu tư và quản lý trực tiếp.
Trong khi đó, trả lời phóng viên, ông Phan Văn Bình - Phó trưởng Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An cho biết, hiện phía ban đang tập trung làm việc với các bên để xử lý. "Chúng tôi vẫn đang trong quá trình xử lý, kết quả như thế nào sau này sẽ thông tin cho báo", ông Bình nói.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị được trao đổi những nội dung đã gửi phỏng vấn đại diện Ban Quản lý KKT Đông Nam Nghệ An thì ông Bình cho biết đã giao cho đồng chí Khánh (ông Phan Nguyễn Quốc Khánh - Chánh văn phòng) tập hợp hồ sơ tài liệu để trao đổi. Mặc dù vậy, rất nhiều ngày qua, phóng viên đã nhiều lần gọi điện cũng như nhắn tin cho ông Khánh nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào.
(Còn nữa)...
Thời gian qua, theo phản ánh của người dân, dự án Nhà máy chế biến gỗ Thanh Thành Đạt tại thôn 1-2 xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An có một số công trình xây dựng không có trong nội dung giấy phép được cấp, trạm cân của dự án được lắp đặt trong phạm vi đất giao thông.
Ngoài ra, dự án Nhà máy chế biến gỗ Thanh Thành Đạt vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhưng chủ đầu tư đã cho vận hành; Đưa bộ phận công trình, hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu. Cùng với đó, dự án cũng bị phản ánh gây ô nhiễm môi trường khi không có hệ thống xử lý nước thải, xả thải vượt chuẩn. Liên quan đến việc xử lý vi phạm trong quá trình hoạt động, sản xuất của dự án Nhà máy chế biến gỗ Thanh Thành Đạt, phóng viên cũng đã liên hệ trao đổi với đại diện UBND thị xã Hoàng Mai, Ban Quản ký KKT Đông Nam để trao đổi thông tin. Đại diện hai đơn vị trên cho biết sẽ cho kiểm tra và cung cấp thông tin và các hồ sơ liên quan cho phóng viên sau. |