Ngành Tài nguyên và Môi trường chú trọng triển khai thủ tục hành chính trên môi trường điện tử

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ trong Nghị định số 45/2020/NĐ-CP về thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) trên môi trường điện tử, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lên kế hoạch, xúc tiến triển khai kịp thời, thống nhất, khoa học và hiệu quả các nội dung đã được xác định trong Nghị định 45.
Hưng Yên: Xử phạt Công ty ô tô Đông Phong vi phạm lĩnh vực bảo vệ môi trường Những sự kiện tuần qua về lĩnh vực bảo vệ môi trường

Trong cuộc họp cuối tháng 7/2020, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường đã báo cáo về tình hình ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính phủ điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Theo đó, các Trung tâm dữ liệu sử dụng công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, cung cấp tài nguyên tính toán, xử lý chung cho các đơn vị thuộc Bộ, bảo đảm các nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng các cơ sở dữ liệu, hiện đã cung cấp được 16 loại dịch vụ về hạ tầng công nghệ thông tin.

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh giải quyết hồ sơ về lĩnh vực đất đai thông qua dịch vụ công trực tuyến.
Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh giải quyết hồ sơ về lĩnh vực đất đai thông qua dịch vụ công trực tuyến.

Đối với công tác ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chính quyền điện tử tại các Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương, ông Lê Phú Hà cho biết, thực hiện Nghị định số 73/2019/NĐ-CP, Cục đang triển khai thực hiện thu thập, quản lý, khai thác về sử dụng thông tin dữ liệu tài nguyên và môi trường. Trong đó, 38/63 Sở Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng, trình Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ban hành Quy chế thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường theo quy định; 12 tỉnh đã ban hành Kế hoạch điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu nguyên và môi trường năm 2020 và 17 tỉnh, thành phố xây dựng, tổng hợp danh mục thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn, được công bố trên Trang/Cổng thông tin điện tử của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh và Sở Tài nguyên và Môi trường phục vụ tra cứu, tìm kiếm, cung cấp, sử dụng.

Về triển khai Chính quyền điện tử, các Sở Tài nguyên và Môi trường đã ứng dụng phổ biến các hệ thống quản lý văn bản đi đến, hồ sơ công việc; hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), một cửa điện tử, thư điện tử và các phần mềm hỗ trợ công tác quản lý và điều hành công việc theo phân công thực hiện của địa phương, đã góp phần thực hiện công tác cải cách hành chính, giảm giấy tờ, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả chỉ đạo, điều hành và chuyên môn nghiệp vụ.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường, cơ bản các Sở đã xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành và được đưa vào sử dụng chủ yếu với các nội dung: CSDL đất đai; CSDL địa chất - khoáng sản; CSDL tài nguyên nước; CSDL Môi trường; CSDL Quan trắc tài nguyên và môi trường; CSDL biển - hải đảo; CSDL kho lưu trữ số...

Theo thông tin từ Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay các đơn vị trực thuộc Bộ đang thực hiện 116 TTHC, trong đó, Tổng cục Môi trường có 34 TTHC, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam 16 TTHC, Tổng cục Quản lý đất đai 4 TTHC, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam 15 TTHC, Tổng cục Khí tượng thuỷ văn 7 TTHC, Cục Quản lý tài nguyên nước 21 TTHC, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam 4 TTHC, Cục Biến đổi khí hậu 13 TTHC, Cục Viễn thám Quốc gia 1 TTHC và Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc Gia 1 TTHC.

Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào triển khai 104 DVCTT mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công của Bộ, trong đó có 72 DVCTT mức độ 3 và 32 DVCTT mức độ 4 (đạt tỷ lệ 30,8% trên tổng số DVCTT cung cấp).

Văn phòng Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tích cực phối hợp Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường rà soát, dự kiến sẽ cung cấp thêm 22 DVCTT mức độ 4, nâng tổng số DVCTT mức 4 được cung cấp là 54 (đạt tỷ lệ 51,9% tổng số DVCTT cung cấp).

Trong thời gian tới, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các đơn vị cần tiếp tục rà soát các quy trình, nghiệp vụ, thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu để cắt giảm, đơn giản hồ sơ, giấy tờ, trình tự, thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh việc triển khai DVCTT lên mức độ 3, 4 và tăng cường đầu tư hạ tầng, trang thiết bị để hỗ trợ tốt nhất cho việc triển khai DVCTT tại các đơn vị.

Là một đơn vị trực thuộc của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường cũng nỗ lực triển khai thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Chia sẻ với phóng viên, đại diện Tổng cục môi trường cho biết: Từ đầu năm 2020, Tổng cục Môi trường đã tiếp nhận 52 hồ sơ giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến.

Đến nay, Tổng cục Môi trường, đã hoàn thành và đưa vào triển khai 31 DVCTT mức độ 3, 4 trong tổng số 34 TTHC về lĩnh vực môi trường trên Cổng DVCTT (tại địa chỉ https://dvctt.monre.gov.vn) và Hệ thống thông tin một cửa điện tử (tại địa chỉ https://dvc.monre.gov.vn) của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có 13 dịch vụ công mức độ 3 (chiếm 39,4%), 18 dịch vụ công mức độ 4 (chiếm 54,5 %), trong số này, có 5 dịch vụ công kết nối liên thông với Hệ thống hải quan một cửa quốc gia (tại địa chỉ https://vnsw.gov.vn).

Đức Mậu
Phiên bản di động