Ngành Ngân hàng “siết” thanh kiểm tra để chống tiêu cực, tham nhũng
Co-opBank kiến nghị gì với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước? Hoàn thiện thêm quy định can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt ngân hàng |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản về việc phát động phong trào thi đua với chủ đề “Vượt qua khó khăn, vững vàng tự chủ, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2024”.
Theo đó, Thống đốc yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Cùng với đó là điều hành tín dụng hợp lý nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Năm 2024, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt.
Đặc biệt là việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giám sát và phát hiện, xử lý vi phạm qua thanh tra; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và kịp thời phát hiện, xử nghiêm hành vi tiêu cực, tham nhũng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước. |
Thống đốc cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác cải cách hành chính góp phần cải thiện môi trường kinh doanh trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; trọng tâm là cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm tuân thủ nguyên tắc lấy người dùng làm trung tâm.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động ngân hàng; triển khai các nhiệm vụ tại đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025”.
Đối với các tổ chức tín dụng, Thống đốc yêu cầu thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Các tổ chức tín dụng phải triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại hệ thống các các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa phát sinh mới nợ xấu; trích lập dự phòng rủi ro theo quy định.
Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, các khoản chi không cần thiết, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất và đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng phải nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị điều hành; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật và Ngân hàng Nhà nước; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tiêu cực, tham nhũng...