Co-opBank kiến nghị gì với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước?

Trong bối cảnh hoạt động còn gặp một số khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.
Co-opBank khẳng định vai trò trụ đỡ cho hệ thống Quỹ Tín dụng Nhân dân Công đoàn Co-opBank: Hội tụ sức mạnh đoàn viên thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị

Nhân dịp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tham dự Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, bà Phạm Thị Hồng Minh – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam (Co-opBank) đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của nhà băng, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo cao nhất ngành Ngân hàng.

Theo bà Phạm Thị Hồng Minh, Co-opBank với vai trò là ngân hàng đầu mối của các Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND) đã và đang thực hiện tốt công tác điều hòa vốn; hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ ngân hàng hiện đại, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ QTDND.

Đặc biệt, cơ chế lãi suất huy động và cho vay QTDND luôn tuân thủ nguyên tắc lãi suất huy động từ QTDND luôn cao hơn huy động cá nhân và tổ chức cùng kỳ hạn; lãi suất cho vay QTDND luôn thấp hơn lãi suất cho vay doanh nghiệp và cá nhân với cùng sản phẩm.

Co-opBank kiến nghị gì với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước?
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Co-opBank.

Do vậy, lợi nhuận thu được từ mảng huy động, cho vay, chăm sóc, phục vụ QTDND là rất thấp. Đây là nguyên nhân làm hệ số ROA (lợi nhuận/tài sản) của Co-opBank luôn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại và tỷ lệ giữa chi phí hoạt động với tổng thu nhập hoạt động luôn cao hơn các nhà băng thương mại.

Cùng với đó, theo Thông tư 52 của Ngân hàng Nhà nước về “Quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài” đối với 3 chỉ tiêu: “Tỷ lệ giữa chi phí hoạt động với tổng thu nhập hoạt động”, “tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tổng tài sản bình quân” và “tỷ lệ tiền gửi của khách hàng có số dư tiền gửi lớn so với tổng tiền gửi” có chia làm 4 ngưỡng để tính điểm xếp hạng tổ chức tín dụng, mức quy định tại mỗi ngưỡng này đang ở mức chưa phù hợp với tính chất và quy mô hoạt động của Co-opBank. Do vậy, khi xét điểm của chỉ tiêu này, Co-opBank luôn ở mức điểm trung bình hoặc trung bình khá.

Mặt khác, khi các QTDND lâm vào tình trạng khó khăn, yếu kém không có khả năng phục hồi, Co-opBank hỗ trợ về tài chính và nhân sự tham gia vào bộ máy điều hành tại các QTDND này. Tuy nhiên, hiện chưa có cơ chế chính sách, hành lang pháp lý hỗ trợ đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho Co-opBank khi cho vay hỗ trợ theo chỉ định của Ngân hàng Nhà nước và cán bộ khi thực hiện điều hành QTDND theo yêu cầu và quy định.

Co-opBank kiến nghị gì với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước?
Bà Phạm Thị Hồng Minh – Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Co-opBank phát biểu tại hội nghị.

Trước những vướng mắc trên, Tổng Giám đốc Co-opBank kiến nghị với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo nghiên cứu, xem xét chỉnh sửa và ban hành cơ chế quản lý phù hợp với tính đặc thù hoạt động đảm bảo cho sự phát triển hiệu quả, an toàn của QTDND và Co-opBank.

Bà Phạm Thị Hồng Minh cũng kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nghiên cứu, chỉnh sửa quy định về xếp hạng đối với Co-opBank dựa trên phương châm hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của nhà băng, hỗ trợ hoạt động của hệ thống QTDND (vốn, con người, kỹ thuật, nghiệp vụ, công nghệ thông tin…).

Cụ thể là xem xét điều chỉnh tăng 4 ngưỡng xét điểm đổi với chỉ tiêu “tỷ lệ giữa chi phí hoạt động với tổng thu nhập hoạt động”; xem xét điều chỉnh giảm 4 ngưỡng xét điểm đổi với chỉ tiêu “tỷ lệ lợi nhuận trước thuế so với tổng tài sản bình quân” và xem xét điều chỉnh tăng 4 ngưỡng xét điểm đổi với chỉ tiêu “tỷ lệ tiền gửi của khách hàng có số dư tiền gửi lớn so với tổng tiền gửi”.

Cũng theo bà Minh, Co-opBank và các QTDND là loại hình tổ chức tín dụng hợp tác xã nên các khoản cho vay điều hòa vốn giữa Co-opBank và QTDND đều là cho vay tín chấp; đặc biệt ngân hàng còn phải cho vay hỗ trợ QTDND gặp khó khăn về thanh khoản, yếu kém, bị kiểm soát đặc biệt.

Tuy nhiên, hiện nay, Co-opBank phải thực hiện việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, tính tài sản có rủi ro đối với các khoản cho vay QTDND thành viên giống như cho vay khách hàng ngoài thành viên (là doanh nghiệp, cá nhân).

Do đó, Tổng Giám đốc Phạm Thị Hồng Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép Co-opBank được thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đối với cho vay QTDND với thời gian tối đa 5 năm. Hàng năm, căn cứ khả năng tài chính của mình, ngân hàng sẽ thực hiện trích lập dự phòng rủi ro các khoản nợ được phân theo từng nhóm nhưng tối thiểu bằng 20% dự phòng cụ thể phải trích theo quy định.

Ngoài ra, lãnh đạo Co-opBank cũng đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ngân hàng thích ứng với Cuộc CMCN 4.0 hỗ trợ chuyển đổi số thông qua việc tạo thuận lợi thúc đẩy mô hình kinh doanh, quản trị điều hành theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo.

Các chính sách tạo lập môi trường cho phát triển ngân hàng số gồm các chính sách tạo dựng nền tảng thông tin, cơ sở dữ liệu công dân quốc gia, quy định về quy trình eKYC và hoàn thiện hạ tầng hỗ trợ.

Cùng với đó là tăng cường quản lý Nhà nước đối với hệ thống QTDND thông qua công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra. Xây dựng mới, tăng cường cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin quản lý, giám sát thống nhất, kết nối QTDND với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố để phục vụ hiệu quả công tác giám sát vi mô và vĩ mô đối với hệ thống và kịp thời kiểm soát, xử lý rủi ro, yếu kém đối với từng QTDND.

Hậu Lộc
Phiên bản di động