Ngành bia, rượu giữa “muôn trùng vây”
Ngành bia lo chịu tác động tiêu cực nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt Doanh nghiệp bia “méo mặt” vì nỗi lo tăng thuế tiêu thụ đặc biệt |
Áp lực chi phí thuế tiêu thụ đặc biệt
Như chúng tôi đã thông tin, Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp hồ sơ thẩm định dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Theo đó, Bộ Tài chính vẫn đưa ra hai phương án tăng thuế với rượu, bia. Cụ thể, rượu từ 20 độ trở lên sẽ tăng theo lộ trình từ mức 65% hiện nay lên 90% hoặc 100% vào 2030. Mức thuế tối đa với rượu dưới 20 độ là 60% hoặc 70% trong giai đoạn 2026-2030.
Tương tự, đối với mặt hàng bia, quy định thuế suất theo tỷ lệ phần trăm tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO.
Cụ thể, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án. Trong đó, phương án 1 tăng từ mức 65% của năm 2025 lên 70% năm 2026 và liên tiếp tăng thêm 5% mỗi năm lần lượt là 75%, 80%, 85%, 90% với các năm 2027, 2028, 2029 và 2030.
Ngành bia đang đối mặt với nhiều thách thức, từ tăng thuế đến nạn bia giả, kém chất lượng. |
Còn phương án 2 là tăng từ 65% năm 2025 lên thẳng 80% năm 2026, sau đó tiếp tục tăng 5% mỗi năm lên mức cao nhất là 100% vào năm 2030. Bộ Tài chính nghiêng về phương án này.
Theo Bộ Tài chính, các Bộ: Y tế, Nội vụ, Công an và nhiều địa phương (Yên Bái, Quảng Bình, Quảng Trị, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Quảng Ngãi, Bắc Ninh, Phú Yên...), WHO và các tổ chức bảo vệ sức khỏe nhất trí theo phương án 2.
Trong khi đó, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) và các doanh nghiệp bia, rượu đề nghị xem xét giảm mức tăng thuế và giãn lộ trình tăng. Đặc biệt, riêng Công ty bia Heineken Việt Nam, Liên minh Các doanh nghiệp rượu quốc tế tại Châu Á đề nghị cân nhắc áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối theo nồng độ cồn đối với sản phẩm bia.
Còn Bộ Tài chính nghiêng theo phương án 2. Theo phương án này, giá bán năm 2026 sẽ tăng khoảng 10% so với năm 2025 và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.
Tăng từ từ để doanh nghiệp không bị sốc
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, mức tăng bao nhiêu và tăng thời gian nào cho thích hợp đang là vấn đề đặt ra.
Các ý kiến cho rằng, tăng thuế là cần thiết nhưng cần có lộ trình, tăng từ từ để doanh nghiệp không bị sốc. Đồng thời cần lựa chọn hệ thống thuế và lộ trình chuyển đổi phù hợp với điều kiện cụ thể, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng, hoạt động sản xuất kinh doanh để xây dựng mô hình thuế và cải cách phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, bia rượu có lịch sử văn hóa lâu đời, gắn liền với đời sống, được dùng trong hiếu, hỷ, thờ cúng tổ tiên, trong nhiều sự kiện tiếp đón nguyên thủ quốc gia...
PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA). |
Theo ông Việt, những năm 2000, trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, ngành bia đã giúp nhiều tỉnh, thành tăng nguồn ngân sách, giải quyết việc làm cho người dân địa phương... Đến nay, ngành đồ uống đóng góp vào ngân sách khoảng 60 nghìn tỷ/năm, giải quyết việc làm trực tiếp tại các nhà máy và gián tiếp tại các chuỗi cung ứng, dịch vụ, công nghiệp phụ trợ liên quan cả triệu lao động...
Từ năm 2020 đến nay, do chịu nhiều tác động, ảnh hưởng lớn nên ngành đồ uống gặp rất nhiều khó khăn, sản lượng tiêu thụ giảm mạnh, nhà hàng bia vắng khách, nhiều người lao động bị mất việc làm... dẫn đến doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách của các doanh nghiệp đều giảm...
PGS.TS Nguyễn Văn Việt cũng cho biết, từ trước đến nay, các doanh nghiệp ngành đồ uống đều thực hiện tốt các chính sách thuế, toàn ngành luôn chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Trong điều kiện ngành gặp nhiều khó khăn hiện nay, ông Việt cho rằng, cơ quan soạn thảo nên xem xét cân nhắc mức tăng, lộ trình sao cho phù hợp, hài hòa, vừa đảm bảo sức khỏe cộng đồng, vừa giúp doanh nghiệp phục hồi kinh tế, vượt qua khó khăn, đảm bảo nguồn thu ngân sách và công tác an sinh xã hội, việc làm của người lao động...
Thực tế cho thấy, mấy năm gần đây, khi chưa tăng thuế thì sản lượng tiêu thụ bia, rượu của các doanh nghiệp đã giảm mạnh, trong khi đó tình trạng rượu, bia không rõ nguồn gốc, rượu dân tự nấu, hàng giả, hàng nhái thì không kiểm soát được chất lượng, không thu được thuế, sản lượng tiêu thụ trên thị trường lại tăng vì bán giá rẻ. Tình trạng này không chỉ làm thất thu thuế mà còn nguy cơ gây ngộ độc cho người tiêu dùng, sức khỏe cộng đồng bị ảnh hưởng...
"Việc ban hành các quy định, chính sách Nhà nước là đúng đắn, tuy nhiên nên cân nhắc mức thuế, lộ trình phù hợp, hài hòa giữa các bên liên quan, tránh đột ngột, tạo ra cú sốc cho doanh nghiệp, một chính sách nên ổn định ít nhất 10 năm để các doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư sản xuất, có thời gian để thích ứng và phục hồi kinh tế, tiếp tục đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vì sự phát triển bền vững...”, PGS.TS Nguyễn Văn Việt chia sẻ.
Trong văn bản gửi Bộ Tài chính góp ý về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, các doanh nghiệp đồng tình với quan điểm của Đảng và Nhà nước trong việc sử dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt để bảo vệ sức khoẻ người dân, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có hại cho sức khoẻ như rượu bia. Tuy nhiên, dự thảo hiện đề xuất mức tăng thuế rất mạnh và tốc độ tăng thuế rất nhanh đối với các mặt hàng này. Việc tăng thuế quá nhanh và mạnh này sẽ khiến các doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp với sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ do chính sách thuế. Điều này sẽ dẫn đến nhiều dự án đầu tư gặp thua lỗ, không thể thu hồi được vốn. Thêm vào đó, sự sụt giảm sản lượng quá nhanh sẽ tác động tiêu cực đến việc làm của người lao động, rất khó để chuyển đổi nghề nghiệp cho số lượng lao động dôi dư từ các nhà máy rượu bia. Do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa ra lộ trình tăng thuế đối với rượu bia phù hợp hơn với tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên lựa chọn phương án 1 với tốc độ tăng thuế ổn định hơn. |