Nghị quyết 68: Bước ngoặt tư duy - chính sách đột phá

Bài 2: Thổi sức sống mới cho nền kinh tế

Bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Sự trưởng thành của khu vực tư nhân trong nước là một trong những thành tựu quan trọng nhất của quá trình đổi mới. Các chuyên gia, doanh nghiệp chung nhận định rằng, Nghị quyết 68 là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân.
Sự thay đổi căn bản trong nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân

Gỡ rối cho khối kinh tế tư nhân

Vừa qua, Trung Quốc đã ban hành Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân gồm 9 chương, 78 điều, bao phủ toàn diện các khía cạnh then chốt như: Bảo đảm cạnh tranh công bằng và tiếp cận bình đẳng với nguồn lực (vốn, đất đai, dữ liệu, nhân lực...) cho khu vực kinh tế tư nhân; Khuyến khích đầu tư - tài chính - đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện cho tư nhân tham gia các dự án chiến lược quốc gia; Chuẩn hóa quản trị và hành vi kinh doanh: nâng cao năng lực nội bộ, tuân thủ pháp luật, thực hiện trách nhiệm xã hội; Tăng cường dịch vụ công, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, ngăn chặn hành vi xâm phạm từ phía công quyền hoặc các chủ thể khác; Thiết lập cơ chế thực thi và chế tài xử lý vi phạm, đảm bảo công bằng pháp lý.

Bài 2: Thổi sức sống mới cho nền kinh tế
Kinh tế tư nhân được xác định là động lực quan trọng nhất

Để có luật với sự coi trọng và tinh thần phát huy kinh tế tư nhân mạnh mẽ như vậy, từ những năm 1980, Trung Quốc đã từng bước mở rộng vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế, song hành với cải cách thể chế, tài chính và công nghệ.

Đặc biệt, từ Đại hội XIX (năm 2017) đến Đại hội XX (năm 2022), nước này tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm của khu vực tư nhân, với chiến lược “vừa hỗ trợ vừa kiểm soát”. Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh minh bạch - ổn định, giảm rào cản pháp lý và chi phí không chính thức. Đặc biệt, doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận tín dụng ưu đãi, giảm thuế - phí và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Theo số liệu nghiên cứu, năm 1978, Trung Quốc chỉ có 155.000 hộ kinh doanh; đến năm 2024, con số này đã tăng vọt lên hơn 55 triệu doanh nghiệp tư nhân và 124 triệu hộ kinh doanh cá thể. Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân nước này đóng góp khoảng 60% GDP, 50% thu ngân sách và tạo ra 80% việc làm ở khu vực thành thị. Kinh tế tư nhân còn chiếm tới 92% số doanh nghiệp Trung Quốc, đóng góp hơn 70% sáng chế công nghệ cao và chiếm hơn 80% trong tổng số 14.600 “công ty khổng lồ nhỏ” - những doanh nghiệp công nghệ quy mô vừa có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Bài viết "Động lực mới cho phát triển kinh tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề cập đến sự phát triển của Trung Quốc. Với mô hình "chủ nghĩa xã hội đặc sắc", sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc là minh chứng thuyết phục nhất. Kinh tế tư nhân nước này đóng góp hơn 60% GDP, 70% đổi mới sáng tạo, 80% việc làm ở đô thị, và 90% doanh nghiệp mới thành lập. Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc trong hơn bốn thập kỷ qua không thể tách rời khỏi việc mạnh dạn cải cách thể chế và khơi thông khu vực tư nhân.

Liên bang Nga, sau khi từ bỏ mô hình kế hoạch hóa cứng nhắc, cũng phải tái khẳng định vai trò của sở hữu tư nhân như một điều kiện phục hồi kinh tế và hội nhập quốc tế. Tổng Bí thư nhắc lại thực tiễn này như một minh chứng lịch sử cho tính tất yếu của cải cách.

Nhận định về tình hình phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, đồng chí Phạm Thanh Học, nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội phân tích: Hiện tại, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam có nhiều cái tên nổi bật, xuất sắc. Các tập đoàn, doanh nghiệp này không chỉ khẳng định vị thế vững chắc trên thị trường nội địa, mà còn mạnh dạn đầu tư, tham gia ngày càng sâu vào các lĩnh vực kinh tế then chốt như công nghiệp nặng, xây dựng, công nghệ số, tài chính, hàng không, bán lẻ, nông nghiệp...

Bài 2: Thổi sức sống mới cho nền kinh tế
Nguyên Phó Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Học (giữa ảnh).

Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam còn đi đầu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mang hàm lượng trí tuệ cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã làm chủ được các quy trình sản xuất hiện đại, tự tin cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. Không dừng lại ở đó, với khát vọng vươn ra biển lớn, các "ông lớn" tư nhân Việt Nam đã và đang từng bước định vị thương hiệu quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Những sản phẩm "Made in Vietnam" mang dấu ấn của doanh nghiệp tư nhân ngày càng xuất hiện nhiều hơn trên thị trường quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, đồng chí Phạm Thanh Học cho rằng, trong quá khứ và trên thực tế, khu vực này vẫn còn gặp không ít rào cản về cơ chế, chính sách, về sự cạnh tranh bình đẳng và tiếp cận nguồn lực. Chúng ta có thể thấy nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân vẫn liên tục phản ánh về các quy trình đầu tư, đấu thầu khó khăn, kéo dài; hay các hiện tượng thanh kiểm tra nhiều lần trong năm mang tính chất “hành doanh nghiệp” hơn là để phát hiện sai phạm và hướng dẫn tuân thủ pháp luật hiệu quả; rồi các cơ chế xin - cho nhũng nhiễu, chi phí không chính thức …

Bản thân các doanh nghiệp tư nhân cũng phần lớn là nhỏ, siêu nhỏ chưa kể hàng triệu hộ kinh doanh cá thể, với nguồn vốn và nội lực hạn chế, nên những giai đoạn xảy ra các khủng hoảng thị trường toàn cầu và trong nước như giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2008, hay bối cảnh covid và khủng hoảng kinh tế hậu covid, đây cũng là thành phần dễ tổn thương nhất trong nền kinh tế.

Do đó, kinh tế tư nhân “chưa bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh, chưa đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng”.

Trung tâm của quá trình phát triển

Chia sẻ với Tuổi trẻ Thủ đô, PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội, Ủy viên, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII phân tích: Nghị quyết 68, bằng việc xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất, đã chính thức đặt khu vực này vào vị thế trung tâm của quá trình phát triển.

Bà An cho rằng, đây là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực và đóng góp to lớn của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân, đồng thời mở ra một chương mới, nơi mọi tiềm năng và khát vọng cống hiến của khu vực này được khơi dậy và phát huy tối đa. Việc trao cơ hội lịch sử này không chỉ thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào năng lực nội tại của kinh tế tư nhân, mà còn là một quyết sách chiến lược để tận dụng tối đa nguồn lực xã hội, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo hướng tự lực, tự cường trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang chứng kiến và dự báo còn rất nhiều biến động.

Bài 2: Thổi sức sống mới cho nền kinh tế
PGS. TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu quốc hội, Uỷ viên, Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội khoá XIII

PGS. TS Bùi Thị An đặt vấn đề rằng để Nghị quyết 68 đi vào cuộc sống, điều quan trọng là phải luật hóa các chủ trương lớn, đồng bộ hóa hệ thống pháp luật, gỡ bỏ "rừng luật" chồng chéo hiện nay.

Bà An khẳng định, yêu cầu tất yếu khách quan là cần những cơ chế, thể chế biệt đãi kinh tế tư nhân. Nghị quyết 68 ra đời với mong muốn, đòi hỏi ấy. Để những chủ trương, quyết sách lớn đi vào cuộc sống, cần luật hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân, và tại kỳ họp này Quốc hội bàn đến sửa nhiều luật, yêu cầu đặt ra là phải đổi mới, phải phản ánh được tư duy, chủ trương của Đảng, Nhà nước vào trong luật.

Bài 2: Thổi sức sống mới cho nền kinh tế

“Chủ trương của Đảng ban hành, chúng ta cần nhanh chóng sửa đổi các chính sách pháp luật nhằm đồng bộ hóa chính sách, xóa bỏ hiện trạng ‘rừng luật’ như hiện nay. Điều đó mới khiến kinh tế tư nhân có điều kiện phát triển, doanh nghiệp, doanh nhân mới có thời gian, tâm sức đầu tư nhiều hơn vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Không thể mong dẫn dắt nền kinh tế chỉ bằng lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chúng ta muốn có hàng triệu doanh nghiệp tư nhân để phát triển đất nước thì phải làm sao khơi tỏa chính sách cho đội ngũ doanh nghiệp hiện nay vươn lên trở thành các tổng công ty, tập đoàn lớn”, PGS. TS Bùi Thị An đề xuất.

Chung quan điểm như vậy, TS. Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HanoiSME), cho rằng Nghị quyết 68 là một bước ngoặt quan trọng trong chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, sau gần 7 năm kể từ Nghị quyết 10 năm 2017 về kinh tế tư nhân ra đời, Nghị quyết lần này đã nâng khu vực tư nhân lên vị thế "động lực quan trọng nhất của nền kinh tế".

Theo ông Mạc Quốc Anh, thông điệp "song hành xanh - số" tại Nghị quyết 68 còn khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam đặt mục tiêu đưa trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

"Những điểm này không chỉ củng cố niềm tin thị trường mà còn đặt doanh nghiệp tư nhân vào tâm thế là đối tượng được bảo hộ, đồng thời là lực lượng phải dẫn đầu đổi mới", TS. Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Còn tiếp...

Vũ Cường
Phiên bản di động