Ngân hàng khó khăn vì vấn đề trái phiếu, bất động sản chưa xử lý triệt để

Những vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù đã được quyết liệt xử lý nhưng chưa triệt để, do đó hoạt động ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn...
Các ngân hàng cũng muốn giảm 2% thuế giá trị gia tăng Đại biểu Quốc hội lo ngại khi nợ xấu ngân hàng ngày càng tăng Hơn 980 nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng rót vào bất động sản

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.

Thống đốc cho biết, thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, tỷ giá được điều hành hợp lý. Tuy nhiên, những vấn đề của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp dù đã được quyết liệt xử lý nhưng chưa triệt để, do đó hoạt động ngân hàng cũng không tránh khỏi khó khăn.

Trong khi đó, nhiệm vụ của ngành ngân hàng vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống vừa phải tích cực tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, người dân doanh nghiệp…

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ nền kinh tế.

Cụ thể, dù lãi suất thế giới vẫn neo cao, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, các tổ chức tín dụng cũng giảm lãi suất cho vay.

Theo Thống đốc, thống kê cho thấy đối với các khoản cho vay mới đã giảm 2,2% so với cuối năm ngoái.

Ngân hàng khó khăn vì vấn đề trái phiếu, bất động sản chưa xử lý triệt để
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Mặt khác, trước những yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo có gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho lĩnh vực này, gói tín dụng cho lĩnh vực thuỷ sản 15.000 tỷ đồng, từ chính nguồn lực của các ngân hàng.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng triển khai nhiều chương trình kết nối ngân hàng, doanh nghiệp, chính bản thân chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh, ngân hàng thương mại cũng tổ chức kết nối, đối thoại với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực, Thống đốc cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm.

Trong thời gian tới, dù nhiệm vụ trước mắt còn rất nhiều, thách thức, không chủ quan với an toàn của hệ thống ngân hàng, tiếp tục đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, Thống đốc cho rằng vì vậy việc xác nhận giải pháp hỗ trợ nền kinh tế như thế nào rất quan trọng.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 990/CĐ-TTg ngày 21/10/2023, trong đó nêu rõ, một trong những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là tăng trưởng tín dụng.

Nhằm triển khai và cụ thể hóa chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng khẳng định, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hơn nữa khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp, nhằm góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thích ứng kịp thời với biến động của thị trường trong và ngoài nước. Điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường hợp lý, điều hành lãi suất, tỉ giá phù hợp với điều kiện thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận vốn tín dụng.

Về phía các tổ chức tín dụng cần phát huy tinh thần trách nhiệm xã hội, đạo đức kinh doanh, cùng đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghệp, người dân trong tiếp cận tín dụng.

Trong đó, các tổ chức tín dụng cần tiết giảm chi phí, tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục nội bộ và các giải pháp khác để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay (các ngân hàng có điều kiện thuận lợi thì giảm lãi suất đối với cả khoản vay mới và dư nợ hiện hữu), cắt giảm phí, lệ phí không cần thiết và tạo thuận lợi cho khách hàng tiếp cận, hấp thụ vốn tín dụng...

Hậu Lộc
Phiên bản di động