Ngân hàng ACB của “Tổng tài” Trần Hùng Huy kinh doanh ra sao?

Kết thúc quý III/2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt kết quả kinh doanh với các chỉ số tài chính được duy trì tốt, giúp nhà băng khẳng định vị thế là một trong các ngân hàng thương mại cổ phần dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trên thị trường.
Ngân hàng ACB triển khai đăng ký xác thực khuôn mặt Hai ngân hàng ACB, VIB được tăng thêm vốn

Tính đến 30/9/2024, tín dụng của ACB đạt 555 nghìn tỷ đồng, huy động đạt 512 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng so với đầu năm lần lượt ghi nhận là 13,8% và 6,1%. Đáng chú ý là mức tăng trưởng tín dụng cao gấp 1,5 lần so với bình quân ngành và là mức tăng ròng cao nhất trong 10 năm qua.

Về tiền gửi không kỳ hạn (CASA), ACB đã đẩy mạnh các giải pháp thu hút tiền gửi thông qua gia tăng tiện ích cho khách hàng; nâng cấp các dịch vụ tài chính cao cấp dành cho nhóm khách hàng ưu tiên.

Nhờ đó, huy động không kỳ hạn của ACB đạt 114 nghìn tỷ, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023, tiếp tục là một trong những ngân hàng bán lẻ có tỷ lệ CASA cao nhất thị trường ở mức 22,2%.

Ngân hàng ACB của “Tổng tài” Trần Hùng Huy kinh doanh ra sao?
Ảnh minh họa.

Mức lợi nhuận trước thuế của ACB trong 9 tháng năm 2024 là 15,3 nghìn tỷ, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, chủ yếu từ tăng trưởng quy mô tín dụng, phí dịch vụ và quản lý chi phí hiệu quả. Nếu xét trong giai đoạn 2019-2023, ACB là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng kép cao nhất ngành (khoảng 28%/năm) và duy trì tăng trưởng cao ngay cả trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn.

Tỷ lệ nợ xấu quý III của ACB ở mức 1,49%, thuộc nhóm những ngân hàng có nợ xấu thấp nhất thị trường; chi phí trích lập dự phòng thấp hơn mức trích bình quân trong hai quý đầu năm.

Bên cạnh đó, ACB đã nỗ lực kiểm soát tốt và tối ưu chi phí hoạt động ở mức 8,2 nghìn tỷ, tăng nhẹ 3,8% so với cùng kỳ. Tỷ lệ CIR (chi phí trên thu nhập) được duy trì ở mức thấp 32,7%; ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ACB vẫn duy trì ở mức cao 22,2%, tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu ngành.

Theo định hướng của Chính phủ về tăng trưởng xanh 2021-2030, ACB đang triển khai các hoạt động kinh doanh phù hợp với chương trình hành động phát triển bền vững của ngành ngân hàng, góp phần không nhỏ vào kết quả kinh doanh tích cực 9 tháng năm của ACB.

Trong quý III/2024, ACB đã nâng hạn mức gói tín dụng xanh/xã hội từ 2.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng với mức lãi suất chỉ từ 6%/năm, ưu đãi lên đến 24 tháng. Tính đến hết tháng 9/2024, ACB đã giải ngân 73% gói tín dụng xanh/xã hội, chiếm 2.900 tỷ đồng.

Ông Từ Tiến Phát - Tổng Giám đốc ACB cho biết, ngân hàng hiện dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu. Gói tín dụng này có thể tăng lên 10.000 tỷ đồng hoặc 20.000 tỷ đồng nếu doanh nghiệp có nhu cầu về vốn tín dụng xanh để đáp ứng yêu cầu của đối tác nước ngoài.

Cũng trong quý III/2024, ACB đã đồng hành cùng các cơ quan, ban ngành địa phương và Trung ương trong những hoạt động an sinh xã hội nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, như trao tặng 80 tỷ đồng ủng hộ chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước do Chính phủ phát động.

Ngân hàng cũng đóng góp 2,2 tỷ đồng chung tay với hệ thống ngân hàng giúp người dân một số tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng bởi bão lũ; dành gần 4 tỷ đồng tài trợ cho các hoạt động giáo dục, chăm sóc người có hoàn cảnh khó khăn thông qua chuỗi hoạt động cộng đồng có tên gọi “Hành trình tôi yêu cuộc sống” tại nhiều địa phương trên cả nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động