Nếu Nhà nước can thiệp vào giá xăng dầu thì cần quy định mức chiết khấu tối thiểu
Bộ Công thương yêu cầu tổng rà soát quy trình cấp phép đại lý xăng dầu Hà Nội lập 3 tổ công tác kiểm soát, giám sát kinh doanh xăng dầu Tiếp tục xử lý hàng loạt cửa hàng xăng dầu tự ý nghỉ bán hàng |
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu được Bộ Công thương được công bố ngày 18/1.
Nêu ý kiến về quy định chiết khấu tối thiểu trong bán lẻ xăng dầu, VCCI cho biết, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bán lẻ phản ánh tình trạng chiết khấu bán lẻ bằng 0 hoặc thậm chí âm.
Điều này khiến các cửa hàng bán lẻ không muốn bán hàng, nhưng buộc phải bán vì nếu không sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
VCCI lưu ý rằng, trong trường hợp giá bán lẻ điều hành thấp hơn toàn bộ chi phí của chuỗi cung ứng thì các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng sẽ không có động lực để kinh doanh. Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp buộc phải kinh doanh để cung cấp xăng dầu cho nền kinh tế thì khoản âm chi phí lớn hơn giá bán này chắc chắn sẽ do một chủ thể nào đó trong chuỗi cung ứng gánh chịu.
Theo VCCI, với cách thiết kế quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm này chủ yếu sẽ đổ vào doanh nghiệp bán lẻ bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị với VCCI để kiến nghị Chính phủ và Bộ Công thương là phải quy định mức chiết khấu tối thiểu cho các cửa hàng bán lẻ.
Ảnh minh họa |
Về vấn đề này, Bộ Công thương đưa ra hai phương án: Phương án 1 là không quy định cụ thể mức chiết khấu. Phương án 2 là quy định mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu. Bộ Công thương lựa chọn phương án 1 với lý do đây là quan hệ dân sự, giành quyền chủ động cho các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, với cách thức này thì Nhà nước đang can thiệp vào thị trường một cách nửa vời. Một mặt Nhà nước tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán hàng.
Mặt khác, Nhà nước lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán. Chính sự thiếu nhất quán trong chính sách này đã gây ra những hệ quả như trên đã trình bày và phân tích.
Với lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng 2 hướng. Cụ thể, trong trường hợp Nhà nước không can thiệp vào giá, để cung cầu thị trường quyết định giá, thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu.
Ở chiều ngược lại, trong trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp vào giá bán lẻ thì cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu (hoặc giá bán buôn tối đa) để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.
Mới đây, hàng trăm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở các địa phương, đặc biệt là khu vực phía Nam đã có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi các bộ, ngành góp ý việc sửa đổi Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm quyền lợi cũng như vận hành của chuỗi cung ứng xăng dầu.
Theo đó, trong đơn gửi Bộ trưởng các Bộ Tài chính, Công thương, Tư pháp và VCCI, đại diện cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đã đưa ra nhiều vấn đề vướng mắc khiến họ đang gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp, Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu hiện có nhiều do nhiều quy định chưa phù hợp, đặc biệt là các quy định ở khâu bán lẻ dẫn đến doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu thua lỗ nặng nề trong thời gian dài, kéo theo sự đứt ngãy chuỗi cung ứng, thị trường bất ổn…
Cùng với đó, trong khi thời gian qua, dù phải chịu mức chiết khấu 0 đồng, nhà cung cấp tự kê phí vận chuyển lên quá cao so thực tế nên các doanh nghiệp bán lẻ đang lỗ rất nặng nhưng vẫn buộc phải bán hàng.
Đồng thời, việc doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối cho chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận.
"Kể cả sau 1, 2 năm đổi nhà phân phối khác thì vẫn bị chèn ép chiết khấu. Bởi nhà phân phối biết rằng nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng thì cũng không thể lấy của nhà phân phối khác. Doanh nghiệp bán lẻ ở trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu", các doanh nghiệp kiến nghị.
Một điểm bất hợp lý nữa đó là thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính họ. Các thương nhân phân phối được tính định mức lợi nhuận và được lấy hàng ở nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng khi tham gia thị trường.
"Khi giá tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thì thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết là không giao hàng để giữ lại hưởng chênh lệch giá. Kiến nghị nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như là một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp", các doanh nghiệp nêu.