Nền tảng bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Vươn mình tỏa sáng trong kỷ nguyên mới Chuyển đổi số đưa đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới! |
Sáng ăn sáng ở TP HCM, trưa làm việc tại Hà Nội
Theo chương trình kỳ họp thứ 8, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Nếu hồ sơ dự án được Quốc hội thông qua, được kỳ vọng tạo nên bước đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhận định về việc này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho biết, nhiều nước phát triển trên thế giới đã xây dựng đường sắt tốc độ cao. Đây cũng là sự mong đợi của người dân, “sáng ăn sáng ở TP HCM, trưa làm việc tại Hà Nội”.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho biết, thời gian trước đây, chúng ta chưa có điều kiện xây dựng, nhưng hiện nay đã có đủ tiềm lực, có dư địa về ngân sách, dư địa nợ công và có nền tảng cơ bản để triển khai dự án này.
"Chúng ta cũng đã có đủ nền tảng khoa học công nghệ học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong việc triển khai dự án và có sự mong đợi của Nhân dân, nên chúng ta phải tập trung làm và làm cho được", ông Ngân nói.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, sau khi hoàn thành dự án sẽ lan tỏa đến nhiều lĩnh vực, mở rộng không gian phát triển tạo ra những điều kiện tiền đề, nền tảng để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Chúng ta cũng không nên tập trung quá nhiều vào tiền vé là bao nhiêu, có bù đắp được đầu tư hay không, mà nên chú ý đến dự án này sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, mang lại sự tiện lợi cho việc đi lại của người dân, hoạt động vận chuyển hàng hóa, thu hút khách du lịch và quan trọng hơn là tại những trạm dừng, giá trị đất đai, bất động sản sẽ tăng lên”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận định.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM). |
Để đảm bảo tiến độ đến năm 2035 đưa vào vận hành, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta có quyết tâm chính trị, nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là thể chế, cơ chế để thực hiện.
"Chúng ta có nhiều thuận lợi, đó là trình độ xây dựng của Việt Nam đã được chứng minh qua quá trình xây dựng nhiều công trình, cây cầu có quy mô lớn; nợ công đã giảm xuống; Việt Nam đã thăng hạng trong bảng xếp hạng tín nhiệm của quốc gia, nên có thể vay với lãi suất thấp… nên việc triển khai dự án sẽ đảm bảo tính khả thi", ông Ngân nói thêm.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng lưu ý đã làm thì phải làm chất lượng, chấp nhận tốn kém đầu tư đầy đủ để đảm bảo chất lượng của công trình. Chúng ta cũng cần lưu ý đến yếu tố biến đổi khí hậu và đặc điểm biến đổi khí hậu đang tác động đến chiều dài của đất nước.
"Chúng ta phải đảm bảo được hệ thống đường sắt tốc độ cao kết nối với hệ thống giao thông công cộng, như vậy tôi tin là sẽ thành công”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Ưu tiên cao nhất nguồn lực tài chính cho dự án
Tương tự, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) tin tưởng, nếu chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam được thông qua sẽ đảm bảo tiến độ, chất lượng đề ra.
Ông Dũng lấy ví dụ về việc triển khai xây dựng thành công đường dây tải điện 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối dài khoảng 519 km, đi qua 9 tỉnh, cho thấy bài học về huy động lực lượng triển khai các dự án lớn. Đây là kinh nghiệm quý báu để triển khai xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, chúng ta cần ưu tiên cao nhất nguồn lực tài chính cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; song song với đó huy động nhân lực, vật tư, máy móc và thể hiện tinh thần quyết tâm từ lãnh đạo cao nhất đến những công nhân trực tiếp thi công trên công trường. Nếu làm được điều này, dự án sẽ về đích sớm hơn so với dự kiến năm 2035 như kế hoạch đề ra.
Với một số lo ngại nguồn vốn bố trí cho dự án, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đánh giá, hiện nay quy mô GDP đã tăng lên so với giai đoạn trước nên có thể yên tâm về nguồn lực tài chính.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) |
"Chúng ta cũng hoàn toàn yên tâm về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, trình độ xây dựng, trình độ tư duy, khả năng lãnh đạo, quản lý... để xây dựng thành công dự án này", ông Dũng nói.
Trước đó, ngày 20/10, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã truyền đạt chuyên đề trong đó có nội dung về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.
Theo Thủ tướng ,chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là yêu cầu khách quan, lựa chọn mang tính chất chiến lược để phát triển hạ tầng đất nước, tạo ra không gian phát triển mới, giá trị gia tăng của đất, đi lại thuận lợi cho người dân, cạnh tranh hàng hóa...
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định so với giai đoạn trước đây khi lần đầu trình dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam hiện nay, chúng ta đã có dư địa để thực hiện dự án và có thể huy động nhiều nguồn lực để thực hiện từ ngân sách Trung ương, địa phương, đi vay, phát hành trái phiếu, hợp tác công - tư…
Theo Thủ tướng, trước đây Việt Nam còn khó khăn, GDP bình quân đầu người mới hơn 1.000 USD, GDP hơn 100 tỷ USD nên chưa thực hiện được việc đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nhưng nay GDP đã gấp 3-4 lần nên có dư địa để thực hiện.
Thủ tướng dẫn chứng thế giới phát triển rất nhanh và Trung Quốc hiện có 47.000km đường sắt cao tốc, mỗi năm họ phát triển 3.000km cao tốc. Với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đề ra 10 năm và đến 2035 phải xong.
Người đứng đầu Chính phủ cũng nêu rõ, nếu vẫn làm theo cách cũ thì “nói thật là tầm 50 năm nữa”, cho nên phải đổi mới cách quản trị, quản lý, huy động nguồn lực, đặc biệt là tư vấn; chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.
"Chúng ta đủ điều kiện để làm và phải quyết tâm làm", Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng cần phải có cách làm mới, đổi mới cách quản trị, cách huy động nguồn lực, chống tiêu cực, lãng phí trong công tác tư vấn dự án.
Theo Thủ tướng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng thống nhất xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, có tầm nhìn dài hạn, đáp ứng nhu cầu vận tải; cải tạo, nâng cấp, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện hữu.
Đồng thời phải xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ sớm hoàn thành dự án; phát triển công nghiệp, nhân lực đường sắt để làm chủ công tác vận hành, bảo trì và từng bước làm chủ sản xuất các thiết bị, phương tiện; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt...