Nâng hạng thị trường chứng khoán có lợi ích gì?
Xử phạt 116 trường hợp vi phạm chứng khoán với số tiền hơn 20 tỷ đồng Thủ tướng yêu cầu khắc phục ngay các lỗ hổng, rủi ro về chứng khoán |
Theo ông Vũ Chí Dũng - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), việc được nâng hạng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam như thu hút thêm dòng vốn ngoại gián tiếp ròng khoảng 7,2 tỷ USD vào Việt Nam 1 năm.
Đồng thời, nâng hạng sẽ giúp cải thiện khả năng định giá cổ phiếu, theo đó giá cổ phiếu trên thị trường sẽ được nhiều nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp tham gia đánh giá, thể hiện đúng nhu cầu thực tế và đánh giá đúng tiềm năng phát triển của các doanh nghiệp. Việc cải thiện định giá này sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình cổ phần hoá, giúp cho việc thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước có thể thu được nguồn thu cao hơn cho Ngân sách Nhà nước.
Ảnh minh họa. |
Cùng đó, nâng hạng sẽ giúp gia tăng số lượng nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư có quy mô lớn trên thị trường (hiện nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ đang chiếm hơn 90% trên thị trường), tăng tính chuyên nghiệp và bền vững trong hoạt động đầu tư, giảm thiểu các biến động mạnh của thị trường do bị tác động tâm lý của số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh đó, việc nâng hạng cải thiện tích cực thanh khoản của thị trường chứng khoán và chất lượng thị trường theo hướng tiếp cận tốt hơn các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế trong hoạt động của doanh nghiệp, quản trị công ty.
Thị trường chứng khoán không chỉ gia tăng số lượng mà chất lượng của nhà đầu tư cũng sẽ được nâng cao với sự tham gia của các quỹ đầu tư, các tổ chức đầu tư quốc tế lớn với mục tiêu đầu tư dài hạn.
Bên cạnh thuận lợi, thách thức lớn nhất là đảm bảo đảm bảo thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển ổn định và bền vững, duy trì xếp hạng, tránh bị hạ cấp xếp hạng. Thách thức này đến từ việc các thị trường chứng khoán không còn đáp ứng yêu cầu duy trì trạng thái hiện tại hoặc khi thị trường chứng khoán không đáp ứng được sự thay đổi tiêu chí từ các tổ chức xếp hạng...
Do đó, để một thị trường chứng khoán phát triển bền vững, đó phải là một thị trường chứng khoán thực sự "khỏe mạnh", minh bạch, đảm bảo công bằng cho tất cả nhà đầu tư tham gia trên thị trường.
Với vai trò là cơ quan trực tiếp quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực đưa ra những giải pháp phù hợp đáp ứng được các tiêu chí của các tổ chức đánh giá xếp hạng thị trường hướng tới mục tiêu nâng hạng, bảo đảm sự vận hành liên tục, thông suốt, ổn định, minh bạch của thị trường.