Nan giải bài toán thiếu bãi đỗ xe đô thị

Để giải quyết vấn đề thiếu các bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội, nhiều giải pháp tình thế đã được triển khai. Tuy nhiên, các giải pháp này đến nay vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, thậm chí trở thành “cơ hội” cho các bãi xe tạm, bãi xe không phép hoạt động.
Hà Nội: Bố trí các bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức sắp xếp phương tiện chờ vào kiểm định Hà Nội đặt mục tiêu làm "sống" lại các công viên và "xóa" cảnh thiếu bãi đỗ xe Hà Nội có nhiều ưu đãi thu hút nhà đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe, trung tâm dừng nghỉ

Càng cấm càng đỗ...

Trên khắp các tuyến phố Hà Nội không khó để bắt gặp cảnh tượng ô tô đỗ hàng dài, chiếm hết lòng đường, che khuất các hộ dân cư hoặc các công trình công cộng hai bên. Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô, trước một cửa hàng bán mỹ phẩm trên đường Xuân Thủy, 2-3 ô tô thường xuyên dừng đỗ dưới lòng đường khiến chủ cửa hàng và các nhân viên khó chịu.

Dù không mua hàng nhưng các xe vẫn dừng, đỗ rất lâu trước một cửa hàng trên đoạn đường Xuân Thủy.
Nhiều xe ô tô dừng, đỗ rất lâu dưới lòng đường trước một cửa hàng trên đoạn đường Xuân Thủy

Tương tự trong ngõ Ngọc Khánh thuộc quận Ba Đình, dù nhiều hộ gia đình đã treo biển “Cấm dừng, đỗ ô tô trước cửa nhà” nhưng nhiều chủ xe vẫn “vô tư” dừng, đỗ và bật xi nhan để không bị xử phạt. Chia sẻ với phóng viên, chị Nguyễn Thanh Huyền, người dân trong ngõ này cho biết: “Vừa sáng ra đã thấy xe đậu đầy ở cửa và trong ngõ rồi. Dù có treo biển hay ra nhắc trực tiếp thì cũng chỉ được một lúc”.

Xe vẫn vô tư đỗ trước cửa dù có biển cấm.
Xe vẫn vô tư đỗ trước cửa dù có biển cấm

Đồng tình với chị Huyền, chị Nguyễn Mai Lan (sống tại quận Tây Hồ) bức xúc: “Mặc dù đã treo biển cấm đỗ xe trước cửa nhà nhưng ngày nào cũng có 2-3 chiếc ô tô đến đỗ trước cửa nhà tôi. Tuy nhà tôi chỉ kinh doanh nhỏ, không nhiều khách ra vào nhưng việc các tài xế dừng, đỗ trước nhà cũng gây bất tiện vô cùng. Cũng có đôi lần tôi nhắc nhở các chủ xe di chuyển qua chỗ khác đỗ nhưng họ không nghe. Có người bảo chỉ dừng một lát rồi đi nhưng cũng có người khó chịu nói với tôi đường này không phải của nhà chị rồi lý luận đủ kiểu”.

Xe đỗ hàng dài dưới lòng đường Nguyễn Phong Sắc gây cản trở giao thông.
Xe đỗ hàng dài dưới lòng đường Nguyễn Phong Sắc gây cản trở giao thông

Không chỉ gây khó khăn cho các hộ kinh doanh, việc các chủ xe dừng, đỗ nhiều giờ liền còn cản trở giao thông đi lại của người dân trong khu vực. Điển hình như đoạn đường Nguyễn Công Hoan, lòng đường chỉ rộng khoảng 50m nhưng không lúc nào ngớt các ô tô dừng, đỗ. Tình trạng này khiến các hộ dân vô cùng bức xúc. Mỗi lần muốn đi ra vào nhà của mình lại phải “luồn lách” đủ kiểu. Anh Minh, người dân sống tại khu vực này than thở: “Mỗi khi đi làm về mình lại phải luồn lách, có hôm mất khoảng 10 phút mới dắt xe vào được trong nhà”.

Chỉ rộng khoảng 50m nhưng con ngõ Nguyễn Công Hoan lúc nào cũng chật ních xe dừng, đỗ.
Chỉ rộng khoảng 50m nhưng con ngõ Nguyễn Công Hoan lúc nào cũng chật ních xe dừng, đỗ

Thế nhưng không phải lúc nào tài xế cũng là những người… có lỗi. Tại một số tuyến đường rộng ở Hà Nội như Nguyễn Văn Huyên, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi,... nhiều chủ nhà mặt tiền buôn bán kinh doanh lại cản trở vị trí được phép đỗ xe. Để “khẳng định chủ quyền” trước nhà mình, nhiều người dân đã tự ý căng barrier, cắm cọc tiêu hoặc các chướng ngại vật dưới lòng đường. Anh Phạm Xuân Định (sống tại quận Hai Bà Trưng) ngán ngẩm: “Lái xe khổ nhất là tìm chỗ đỗ xe. Chả hiểu vì sao có những tuyến đường rất rộng, có cả vạch đỗ cho ô tô nhưng tôi vẫn thấy người dân căng dây hay đặt cả ghế ra chắn”.

Ban hành nhiều cơ chế đặc thù, thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng bãi đỗ xe

Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, diện tích các điểm, bãi đỗ xe trên địa bàn Hà Nội mới chỉ chiếm 0,12% diện tích các quận nội thành, đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe, còn lại gần 90% số phương tiện có nhu cầu đang đỗ tại các điểm đỗ xe của chung cư, khu đô thị, sân cơ quan...

Để khắc phục tình trạng thiếu chỗ đỗ xe khu vực nội đô, tháng 4/2022, TP Hà Nội đã phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tỷ lệ 1/10.000 và Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các bãi đỗ xe công cộng chia nhiều tầng hoặc bãi đỗ xe ngầm có thể là giải pháp giúp giảm tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan.
Các bãi đỗ xe công cộng chia nhiều tầng hoặc bãi đỗ xe ngầm có thể là giải pháp giúp giảm tình trạng dừng, đỗ xe tràn lan

Theo đó, quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm, từ 3 - 4 tầng hầm, tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ ở 4 quận là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ. Đến năm 2025, thành phố phấn đấu xây dựng 204 dự án bãi đỗ xe công cộng, tập trung tại khu vực nội đô với tổng mức đầu tư khoảng 29.872 tỷ đồng, chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa.

Tuy nhiên, việc triển khai đang “vướng” đủ thứ về mặt hành chính, pháp lý. Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng, đặc biệt là đối với các khu vực trung tâm đô thị, đồng thời, do chính sách về đầu tư, giá, phí trong công tác đầu tư, xây dựng và khai thác bãi đỗ xe đô thị chưa thật sự khuyến khích thúc đẩy đầu tư phát triển loại hình này.

Bãi đỗ xe tại đường Nguyễn Công Hoan.
Bãi đỗ xe tại đường Nguyễn Công Hoan

Ngoài ra, dù hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã hình thành hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và là cơ sở cho việc đầu tư xây dựng bến, bãi đỗ xe trong đô thị. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng các bãi đỗ xe công cộng vẫn khó triển khai do không thu hút được nguồn lực xã hội hóa.

Trước đó, nhằm thu hút nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng bãi đỗ xe, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã phối hợp với các sở, ngành thành phố tham mưu đề xuất những cơ chế khuyến khích. UBND thành phố cũng đã thống nhất, trình và được HĐND thành phố ban hành Nghị quyết 07/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019, trong đó có một số chính sách cụ thể như: Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu, kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất bãi đỗ xe; Hỗ trợ 100% tiền thuế nhập khẩu phải nộp đối với các thiết bị, dây chuyền công nghệ nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho dự án xây dựng bãi đỗ xe; Được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng ngầm của dự án theo quy hoạch để đầu tư khai thác dịch vụ thương mại, dịch vụ khác hỗ trợ cho bãi đỗ xe ngầm...

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cũng tư vấn thành phố ban hành một số cơ chế đặc thù như: Cho phép nhà đầu tư được bán một số chỗ đỗ xe ngầm sau khi đầu tư xong; Trong phạm vi bán kính khoảng 500m xung quanh các bãi đỗ xe theo quy hoạch, không cho phép khai thác điểm đỗ xe tạm thời ở lòng đường, vỉa hè...; Xây dựng cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ được xã hội hóa, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn…

Trong khi đợi các bãi đỗ xe công cộng được khởi công và đưa vào thực tế, Hà Nội vẫn đang áp dụng những hình thức xử phạt đối với những trường hợp vi phạm.

Cụ thể các chủ xe ô tô có thể bị phạt hành chính từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng nếu dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; Dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường (Căn cứ theo Luật giao thông đường bộ 2008 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông đường bộ và đường sắt). Ngoài ra, nếu gây tai nạn thì còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Đối với người dân hoặc tổ chức cố ý chiếm dụng lòng đường, căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện dựng cổng chào hoặc các vật che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Treo băng rôn, biểu ngữ trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Ánh Dương
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động