Nam thanh niên có phổi như ông già vì hút thuốc lá điện tử
Nguyên nhân tăng viêm phổi ở trẻ em tại nhiều quốc gia Những lưu ý để phòng bệnh viêm phổi cho trẻ trong mùa lạnh Bé 22 tháng tuổi viêm phổi nặng, rò khí thực quản vì nuốt phải pin |
Ngộ độc cấp do dùng thuốc lá điện tử
Được biết người bệnh cho biết có sử dụng thuốc lá điện tử cùng với bạn bè trong thời gian gần đây. Nam bệnh nhân cho rằng thuốc lá điện tử ít nguy hiểm hơn thuốc lá truyền thống và bị bạn bè lôi kéo.
Theo BSCK2 Bùi Mạnh Cường – Trưởng khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết tình trạng của người bệnh diễn biến khá phức tạp. Mặc dù người bệnh còn rất trẻ, không có bất kỳ bệnh lý nền nào nhưng tổn thương ở phổi lại rất nặng nề, không khác gì ở người cao tuổi. Do đó, các bác sĩ đã phải áp dụng những biện pháp điều trị nhằm bảo tồn tối đa chức năng phổi của người bệnh.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính ngực cho thấy bệnh nhân 16 tuổi ở Phú Thọ bị tổn thương thâm nhiễm rộng thùy dưới phổi phải (Ảnh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ) |
Nam bệnh nhân đã được chỉ định xét nghiệm máu, đờm, chụp phim cắt lớp vi tính ngực, trên phim chụp cắt lớp vi tính ngực, tổn thương thâm nhiễm rộng thùy dưới phổi phải. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi, nguyên nhân ban đầu nghĩ đến do hút thuốc lá điện tử.
Người bệnh được điều trị kháng sinh, long đờm, phục hồi chức năng hô hấp. Sau đợt điều trị, các triệu chứng và tổn thương phổi trên phim có cải thiện, người bệnh tiếp tục được hướng dẫn theo dõi tại nhà và khám lại theo lịch hẹn.
Tương tự, tại Hà Nội nam sinh 17 tuổi có tổn thương phổi như người cao tuổi chỉ sau một năm vừa hút thuốc lá điện tử kết hợp thuốc lá truyền thống.
Các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết bệnh nhân rối loạn nặng về trầm cảm, trí nhớ, giấc ngủ, cảm xúc, liên quan sử dụng nghiện chất, tác động lên hệ thần kinh.
Một trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử khác là nữ bệnh nhân 20 tuổi ở Hà Nội. Cô gái trẻ nhập viện trong tình trạng đã hôn mê, da tái xanh, đồng tử co nhỏ. Kết quả chụp X quang ngực có tổn thương lan tỏa hai phổi. Bệnh nhân được điều trị tích cực, song vẫn có nhiều cơn gồng cứng tay chân.
Người trẻ dùng thuốc lá điện tử cao
Theo thống kê từ tháng 1/2022 đến tháng 10/2023, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hơn 120 ca bệnh nhân nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử. Trong đó có 16 trường hợp cho kết quả dương tính với ma túy (chiếm 13,3%); 101 mẫu âm tính hoặc không có mẫu (chiếm 84,2%). Một số xét nghiệm ma túy có thể phát hiện tại trung tâm, song đa phần phải gửi bệnh phẩm sang viện pháp y. Kết quả độc chất một số bệnh phẩm gửi viện pháp y, phát hiện các chất ma túy với thành phần gồm: ADB-Butinaca, MDMD-butinaca; ADB-4en-pinaca; MDMB-4e-pinaca; EDMB-4e-pinaca; THC; PB-22.
Qua khảo sát, đa số người sử dụng thuốc lá điện tử là giới trẻ, độ tuổi trung bình là 22. Trong đó, nam giới chiếm phần lớn với tỷ lệ 87%. Đặc biệt, có tới 30% là đối tượng học sinh. Các trường hợp sử dụng thuốc lá điện tử tập trung chủ yếu tại khu vực thành thị với tỉ lệ 78%; địa điểm sử dụng phổ biến là tại nhà.
Thời gian qua, các bệnh viện tiếp nhận nhiều bệnh nhân trẻ tuổi, trong đó có cả học sinh cấp 2, cấp 3, không có bệnh mạn tính vào viện vì tình trạng viêm phổi. Đa số đều liên quan đến sử dụng thuốc lá điện tử |
Theo các chuyên gia, trong khói thuốc lá điện tử có rất nhiều chất độc hại khác nhau, tác động lâu dài đến sức khỏe. Cụ thể như gây buồn nôn, tức ngực, ho, tăng huyết áp và nhịp tim; Ảnh hưởng đến trí nhớ, giấc ngủ: Nicotine gây hưng phấn, gây nghiện nhưng sử dụng kéo dài sẽ dẫn đến rối loạn giấc ngủ, giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ; Ảnh hưởng bệnh lý tim mạch: Nicotin gây tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim; Ảnh hưởng đến hệ hô hấp: Trong khói thuốc còn có các chất có gốc benzen như acetaldehyd và formaldehyd, khi xâm nhập vào phổi sẽ làm cản trở quá trình lưu thông oxy, tăng viêm, làm rò rỉ mạch máu, nghiêm trọng hơn là gây tích tụ dịch ở phổi.
Mặt khác, hút thuốc lá điện tử trong thời gian dài và liên tục có thể gây ra các triệu chứng như ho đờm kéo dài, đau tức ngực, khó thở khi vận động, sốt nhẹ kéo dài, ho ra máu, đổ nhiều mồ hôi vào ban đêm, sụt cân. Những dấu hiệu này rất có thể là biểu hiện của bệnh viêm phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy hô hấp, thậm chí ung thư phổi.
Bên cạnh đó, hút thuốc lá điện tử còn ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản: Nicotine gây rối loạn kinh nguyệt, rối loạn nội tiết ở nữ giới, rối loạn cương dương, xuất tinh sớm ở nam giới thậm chí gây vô sinh. Ở phụ nữ có thai gây dị tật, rối loạn phát triển thai nhi.
Ngoài ra, trong khói thuốc lá điện tử cũng có nhiều chất tạo mùi, các chất độc khác gây ung thư vòm, ung thư thực quản…
Thậm chí, thuốc lá điện tử còn nguy hiểm hơn do tâm lý chủ quan, cho rằng thuốc lá điện tử an toàn hơn, dẫn đến việc sử dụng nhiều và thường xuyên hơn, từ đó gây ra những hậu quả nặng nề.
Triệu chứng khởi phát phổ biến sau khi sử dụng thuốc lá điện tử là thường lơ mơ, rối loạn ý thức và kích động. Một số trường hợp có các biểu hiện co giật, chóng mặt, buồn nôn, run, tê yếu chân tay, mỏi mệt…