Năm 2025 dành hơn 100.000 tỷ ngân sách cho các dự án giao thông

Năm 2025, tổng số vốn Bộ Xây dựng được giao làm các dự án giao thông có thể lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.
Chính phủ lập 7 đoàn kiểm tra gỡ khó các dự án giao thông trọng điểm

Theo Bộ Xây dựng, năm 2025, lĩnh vực giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao hơn 82.000 tỷ đồng. Kế hoạch vốn được giao gồm: nguồn vốn trung hạn gần 71.400 tỷ đồng, nguồn vốn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 là 9.989 tỷ đồng, kéo dài từ Chương trình phục hồi để giải ngân năm 2025 là 689 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề xuất của Bộ Xây dựng, dự kiến, sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ cho phép kéo dài 5.790 tỷ đồng kế hoạch vốn từ năm 2024 sang năm 2025; giao hơn 6.000 tỷ đồng nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2022, 2023, giao bổ sung thêm nguồn vốn vượt thu năm 2024 và nguồn trái phiếu Chính phủ cho Bộ Xây dựng để triển khai một số dự án trọng điểm, cấp bách.

Theo Bộ Xây dựng, tổng số vốn của cơ quan này được giao có thể lên tới hơn 100 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay.

Năm 2025 dành hơn 100.000 tỷ ngân sách cho các dự án giao thông
Ảnh minh họa.

Nhằm giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương xây dựng kế hoạch giải ngân theo tháng của các dự án và nhập lên hệ thống làm cơ sở các cơ quan tham mưu của Bộ theo dõi kịp thời đôn đốc chỉ đạo.

Một trong các giải pháp được Bộ Xây dựng đưa ra là đẩy nhanh tiến độ sớm khởi công một số dự án trọng điểm như mở rộng các tuyến cao tốc: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên; TP HCM - Long Thành; Đầu tư các tuyến: Chợ Mới - Bắc Kạn, Quy Nhơn - Pleiku, Dầu Giây - Tân Phú, đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Ngoài ra, các chủ đầu tư cũng cần rà soát chuẩn xác nhu cầu sử dụng vốn, bảo đảm hoàn thành các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ chỉ đạo như: cao tốc Cao Lãnh - Lộ Tẻ, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi; Đường Hồ Chí Minh các đoạn: Chơn Thành - Đức Hòa, Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận… Trên cơ sở đó đăng ký nhu cầu bổ sung kế hoạch năm 2025 ngay trong tháng 3/2025 để đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn được giao.

Bộ Xây dựng cũng yêu cầu các chủ đầu tư dự án thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng ngay khi có khối lượng theo đúng quy định; chủ động rà soát báo cáo Bộ kịp thời điều chuyển linh hoạt vốn giữa các dự án, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án cao tốc, trọng điểm, kết nối vùng và các dự án phải hoàn thành trong năm 2025.

Đối với các dự án sử dụng nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2022 có yêu cầu rất gấp, cơ bản phải hoàn thành trong năm 2025, các chủ đầu tư cần xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết kế hoạch thực hiện, giải ngân và cam kết giải ngân hết nguồn vốn được giao.

Liên quan đến kết quả giải ngân các lĩnh vực của Bộ Xây dựng, đối với lĩnh vực giao thông vận tải, đến hết tháng 2/2025, Bộ Xây dựng giải ngân khoảng gần 3.200 tỷ đồng, đạt khoảng 4%. Giá trị giải ngân tập trung ở các Ban Quản lý dự án thuộc bộ với mức giải ngân gần 3.000 tỷ đồng (đạt 4% kế hoạch năm và chiếm tỷ trọng 91% giá trị đã giải ngân của Bộ Xây dựng).

Theo đánh giá, để giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ giao, lĩnh vực giao thông vận tải cần giải ngân trung bình mỗi tháng gần trung bình mỗi tháng gần 7.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do tiến độ giải ngân 2 tháng đầu năm chậm, các chủ đầu tư phải xây dựng lại kế hoạch giải ngân các tháng còn lại bảo đảm giải ngân bù cả phần bị chậm trong các tháng còn lại. Mức trung bình cần giải ngân khoảng 7.500 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết, năm 2025, kế hoạch vốn được giao khoảng 260 tỷ đồng. Đến nay, việc phân bổ chi tiết đến các đơn vị chủ đầu tư đã hoàn thành theo quy định. Sản lượng giải ngân đến hết tháng 2/2025 là hơn 21 tỷ đồng, đạt hơn 8% kế hoạch.

Hậu Lộc
Phiên bản di động