Mỹ - Trung chạy đua trong ‘Trò chơi vương quyền Bắc Cực’
'Cha đẻ' tàu ngầm Nga lớn nhất, đọ sức ‘cây đinh ba' của Mỹ Tổng thống Mỹ kêu gọi chấm dứt mua hàng Trung Quốc |
Mỹ và Trung Quốc đang chuyển hướng tập trung vào những mỏ khoáng sản trù phú và vị trí chiến lược của Greenland khi các tảng băng tan dần để lộ nhiều cơ hội.
Sở hữu khoáng sản giúp Trung Quốc hùng mạnh
Xploration Services Greenland, dịch vụ giúp các công ty khai thác mỏ mở cửa hàng trên hòn đảo 85% là băng, đã nhận được nhiều câu hỏi về mối quan hệ đối tác trong vài năm qua từ các bên ở Canada, Australia, Châu Âu và Trung Quốc.
"Băng đang tan chảy khi nhiệt độ tăng. Nó khiến việc khai thác ở đây dễ dàng hơn", Giám đốc điều hành Xploration, Bent Olsvig Jensen, nói thêm rằng việc thăm dò và vận chuyển khoáng sản đã trở nên ít khó khăn hơn.
Hòn đảo lớn nhất thế giới này đã gây chú ý kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông muốn mua lãnh thổ tự trị của Đan Mạch. Bản thân hòn đảo cũng muốn nhận được đầu tư nước ngoài và tin rằng tăng trưởng kinh tế là con đường nhanh nhất để giành được độc lập từ Đan Mạch.
Thị trấn Tasiilaq, Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới, đang thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cả Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Tuy nhiên vị trí địa chính trị tuyệt vời của nó - nằm giữa Bắc Mỹ và Nga - khiến cho việc thay đổi bất cứ hiện trạng nào với hòn đảo đều là vấn đề nhạy cảm.
Đặc biệt, Trung Quốc đang ráo riết theo đuổi các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của Greenland. Shenghe Resources Holding và Công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc đã liên doanh từ tháng 1 để phát triển và kinh doanh kim loại đất hiếm từ Greenland.
Đất hiếm là một thành phần quan trọng của nhiều thiết bị kỹ thuật số. Trong khi đó, Greenland có một phần tư trữ lượng khoáng sản này trên thế giới. Điều đó có thể đảm bảo cho tham vọng Trung Quốc muốn vươn lên trong cuộc chiến giành quyền thống trị về công nghệ.
Tuyến đường vận chuyển mới ở Bắc Cực
Mỹ cũng đang chuyển hướng tập trung vào Greenland dù Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhanh chóng bác bỏ đề nghị mua đảo của ông Trump và cho đó là "vô lý".
Đại sứ Mỹ tại Copenhagen đã đến thăm hòn đảo này thường xuyên hơn. Việc thành lập lãnh sự quán lâu dài ở Greenland cũng được đề cập tới.
Mỹ có mối quan hệ quân sự sâu sắc với Đan Mạch, một đồng minh của NATO. Với Greenland, Washington đã điều hành một căn cứ quân sự trên đảo kể từ những năm 1950. Ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực cả về kinh tế và an ninh khiến Washington lo ngại.
Khi sự nóng lên toàn cầu tiếp tục kéo dài, đến năm 2030, tuyến đường qua Bắc Cực có thể được mở ra cho các tàu chở hàng hoạt động trong lớp băng dày tới 1.2 m. Ảnh: New York Times. |
Các báo cáo địa phương cho thấy nhiều tàu ngầm Nga đang đi trên biển Bắc Cực. Cả Nga và Trung Quốc đều quan tâm đến các tuyến đường vận chuyển mới có thể hình thành sau băng tan.
Chính quyền Greenland đặt ra mục tiêu độc lập hoàn toàn với Đan Mạch và khoảng 70% dân số (56.000 người) ủng hộ kế hoạch này.
Đầu tư của Trung Quốc được cho là có thể giúp hòn đảo giành được độc lập về kinh tế. Greenland cũng đang xem xét thành lập cơ sở ngoại giao thứ năm ở nước ngoài của mình tại Trung Quốc.
"Căng thẳng an ninh giữa các cường quốc đang ảnh hưởng đến Greenland, nơi tìm kiếm sự tăng trưởng kinh tế để giành độc lập trong tương lai", Giáo sư Rasmus Leander Nielsen của Đại học Greenland nói.
"Chúng tôi hoan nghênh đầu tư từ khắp nơi trên thế giới", Bộ trưởng Ngoại giao Greenland Ane Lone Bagger kêu gọi các bên chống lại căng thẳng leo thang ở Bắc Cực.